Bộ trưởng GĐ&ĐT: Ưu tiên số 1 của giáo dục là dạy người, dạy đạo đức

06:15 | 21/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, trong năm học sắp tới, ưu tiên số 1 của giáo dục là dạy người, dạy đạo đức, phát huy năng lực tự học, tạo nền tảng để xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao.

Sáng ngày 20/8/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết một năm triển khai.

Các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng: Nguyễn Đắc Vinh – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Nguyễn Kim Sơn – Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa có đồng chí: Đầu Thanh Tùng – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành và địa phương liên quan.

Hội nghị đã nghe đồng chí Trần Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) báo cáo kết quả sau 01 năm thực hiện  đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Theo đó, toàn ngành Giáo dục thực hiện nhiệm vụ kép trong năm học 2020-2021, vừa tích cực thực hiện các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, vừa triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 cấp tiểu học đối với lớp 1. Vì vậy, năm học được triển khai trong bối cảnh có những yếu tố khó khăn và khác biệt so với các năm học trước. Bộ GD&ĐT đã ban hành các văn bản hướng dẫn về chuyên môn để tổ chức triển khai thực hiện chương trình, SGK GDPT 2018 đối với lớp 1.

Bộ trưởng GĐ&ĐT: Ưu tiên số 1 của giáo dục là dạy người, dạy đạo đức - ảnh 1

Quang cảnh tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.

Các nhà trường đã chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong việc thực hiện Chương trình, SGK GDPT đối với cấp tiểu học, đặc biệt đối với lớp 1; khai thác, sử dụng sách giáo khoa, các nguồn học liệu, thiết bị dạy học hiệu quả, phù hợp thực tiễn; vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị hoạt động giáo dục của nhà trường; đảm bảo tính dân chủ, công khai, thống nhất giữa các tổ chức trong nhà trường; phối hợp giữa nhà trường, cha mẹ học sinh và các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương trong việc tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Năm học 2020 – 2021, việc thay sách giáo khoa theo chương trình mới được áp dụng với học sinh lớp 1, theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong năm đầu tiên triển khai, các nhà trường đã chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên. Tổng hợp kết quả từ các địa phương về kết quả đánh giá cuối năm học 2020-2021 cho thấy tất cả các trường tiểu học đã hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch, chất lượng học sinh lớp 1 đảm bảo theo chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt của chương trình, có một số mặt nổi trội hơn so với chương trình hiện hành; học sinh mạnh dạn tự tin hơn, dám thể hiện quan điểm của mình, biết nêu quan điểm qua tiết học cơ bản, đã đọc thông viết thạo ngay trong học kỳ 1 và được củng cố tăng cường bền vững ở học kỳ 2.

Cùng với những kết quả đã đạt được, tại hội nghị nhiều ý kiến phát biểu của các địa phương cũng chỉ ra một số bất cập trong quá trình triển khai như việc biên soạn sách giáo khoa theo chương trình mới còn gặp nhiều hạn chế từ khâu thiết kế đến khâu tổ chức thực hiện, đặc biệt việc lựa chọn, sử dụng sách giáo khoa ở các địa phương gặp nhiều khó khăn trong in ấn, phát hành. Bên cạnh đó, chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý không đồng đều, đặc biệt là ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; còn khoảng cách lớn so với các vùng thuận lợi. Số lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý còn thừa thiếu cục bộ; đồng thời còn thiếu so với quy định, đặc biệt là cấp tiểu học. Trong khi đó, điều kiện bảo đảm về cơ sở vật chất tại các cơ sở giáo dục vẫn còn nhiều khó khăn…

Phát biểu tại hội nghị, các đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã biểu dương những kết quả của ngành và các địa phương đã đạt được trong việc thực hiện đổi mới chương trình, SGK GDPT trong năm qua.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, qua 1 năm triển khai, bên cạnh những bài học kinh nghiệm thì đang còn những thách thức, khó khăn. Do đó, trong quá trình đổi mới, người lãnh đạo cần phải kiên định mục tiêu nhưng cũng phải linh hoạt, sáng tạo để nhận được sự đồng tình và tạo được sự đồng thuận trong toàn xã hội.

Trong năm học sắp tới, để tiếp tục triển khai tốt chương trình thay sách giáo mới, thì cần phải tiếp tục kiên trì quan điểm đổi mới, ưu tiên số 1 của giáo dục là dạy người, dạy đạo đức, phát huy năng lực tự học, tạo nền tảng để xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Đồng chí cũng cho rằng, chương trình đổi mới giáo dục phổ thông lần này rất sâu sắc, triệt để và toàn diện. Vì vậy, thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục rà soát trên phương diện quản lý nhà nước để làm tốt trách nhiệm của mình, lưu ý rà soát các cơ chế chính sách, tăng cường thu hút các nhà giáo, các chuyên gia tốt tham gia vào công việc biên thảo để có được bản thảo sách giáo khoa một cách tốt nhất…

Đồng chí Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương cần dành sự ưu tiên và chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ để việc triển khai chương trình mới hiệu quả. Trong quá trình triển khai, Bộ sẽ tiếp tục lắng nghe để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc và chỉ đạo sát với thực tế.

PV