Bộ trưởng Tài chính đánh giá chứng khoán đóng vai trò huyết mạch và đề ra 5 nhiệm vụ lớn
Ngày 20/7/2000, Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) chính thức đi vào hoạt động và sau đó, ngày 28/7, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã chính thức giao dịch phiên đầu tiên.
Theo Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng, TTCK ngày càng phát triển vượt bậc cả về khung khổ pháp lý, cấu trúc thị trường, quy mô, thanh khoản, chất lượng, minh bạch, hiệu quả và hội nhập quốc tế.
Chứng khoán là một trụ cột của tài chính quốc gia
"Nếu như những ngày đầu thành lập, thị trường chỉ có 2 doanh nghiệp, quy mô vốn hóa chỉ khoảng 0,2% GDP, thì đến nay chúng ta đã có trên 1.600 doanh nghiệp tham gia thị trường, với quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu và trái phiếu đạt gần 100% GDP, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế và các tổ chức kinh tế", ông phát biểu.

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: HL.
Thị trường ngày càng hoàn thiện về khung khổ pháp lý, cấu trúc thị trường, hạ tầng công nghệ, sản phẩm, tổ chức trung gian… và đặc biệt là kênh đầu tư hấp dẫn với hơn 10 triệu tài khoản của nhà đầu tư trong, ngoài nước.
Bộ trưởng cũng khẳng định vai trò “huyết mạch” của TTCK trong nền kinh tế hiện đại, khi góp phần huy động được hàng triệu tỷ đồng. Đây là một trong các trụ cột quan trọng của hệ thống tài chính quốc gia, bên cạnh hệ thống ngân hàng và bảo hiểm.
Thực tế cho thấy, thị trường từ 2 doanh nghiệp niêm yết ban đầu với vốn hóa chỉ 986 tỷ đồng, đến nay quy mô đã có hơn 1.600 đơn vị với giá trị vốn hóa đạt 8,45 triệu tỷ đồng đến ngày 25/7, tương đương 73,4% GDP.
Giá trị giao dịch bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt trên 21.500 tỷ đồng, với ngày càng nhiều phiên trên 1 tỷ USD. Con số này gấp 4,4 lần giai đoạn 2015-2020 và gấp 390 lần giai đoạn 5 năm đầu tiên. Từ đầu năm 2025 thanh khoản bình quân 23.250 tỷ đồng/phiên, cao nhất ASEAN.
Thông qua TTCK, Chính phủ và doanh nghiệp đã huy động trên 5,5 triệu tỷ đồng để đưa vào sản xuất kinh doanh. Riêng giai đoạn từ 2016 đến nay, quy mô huy động vốn đạt 4,09 triệu tỷ đồng, gấp 2,65 lần giai đoạn 2005-2015.
Số lượng tài khoản giao dịch của nhà đầu tư tăng đều qua các năm. Từ con số ban đầu khoản 3.000 tài khoản cuối năm 2000, đến tháng 5/2025 đã đạt hơn 10 triệu tài khoản, gấp 3.360 lần so với năm 2000.
Số lượng công ty chứng khoán từ 4 thành viên ban đầu đến nay đã có 82 đơn vị kết nối với hệ thống, gấp 20 lần. Ngành quỹ hiện có 43 công ty quản lý quỹ hoạt động bình thường với tổng tài sản quản lý 750.000 tỷ đồng.
Hạ tầng cũng được nâng cấp khi hệ thống công nghệ thông tin mới được triển khai từ 5/5 và hoạt động thông suốt. Dự án này đã được dối tác từ Hàn Quốc phát triển từ tháng 12/2016 đến nay.
Đại diện phía Hàn Quốc cho rằng hệ thống mới sẽ tạo đà cho việc mở rộng các sản phẩm mới và các cơ chế mới, đây không chỉ là hợp tác về mặt kĩ thuật mà còn củng cố lòng tin chiến lược. Vị này đồng thời tin tưởng TTCK Việt Nam sẽ phát triển lên tầm cao mới và mong muốn đồng hành trong chặng đường này.
Giao 5 nhiệm vụ lớn
Để phát huy các kết quả đã đạt được và hoàn thành các mục tiêu, Bộ trưởng Tài chính đề nghị toàn lĩnh vực chứng khoán triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo tính ổn định, minh bạch và hiệu quả của thị trường.
Thứ hai, tổ chức vận hành thị trường một cách an toàn, ổn định, hiệu quả; cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia thị trường; nâng cao năng lực quản lý, chất lượng giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhằm nâng cao tính minh bạch và kỷ cương thị trường.
Thứ ba, tiếp tục tái cấu cơ cấu các trụ cột của thị trường hiệu quả, tăng cường nhà đầu tư tổ chức, nâng cao chất lượng hàng hóa, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ trên TTCK, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường và nhà đầu tư.
Thứ tư, thúc đẩy chuyển đổi số, hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin, vừa phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường trong giai đoạn mới.
Thứ năm, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền và đào tạo kiến thức cho nhà đầu tư; thúc đẩy hợp tác quốc tế toàn diện, nâng cao vị thế của TTCK Việt Nam, đặc biệt là triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để sớm nâng hạng TTCK từ cận biên lên thị trường mới nổi, qua đó thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước.
Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương nhấn mạnh ngành chứng khoán sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả, hoàn thành nhiệm vụ được giao, hoàn thiện khung khổ pháp lý, nâng cao chất lượng quản lý, chuyển đổi số mạnh mẽ
Đồng thời phối hợp với các bộ, ngành có liên quan triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi