Bộ tứ quái ám ảnh

16:05 | 15/06/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Chương trình ca nhạc “Tùng Dương hát bộ tứ sông Hồng”, diễn ra tại Cung Văn hóa Hữu Nghị tối 5 và 6/6/2018 đã đem đến cho người xem nhiều xúc cảm khác thường. Đây là chương trình đầu tiên vinh danh cả bốn nhạc sĩ thuộc “Tứ quái” này, mặc dù họ đã có nhiều chương trình độc diễn hoặc song diễn với một nhạc sĩ khác như Dương Thụ và Phú Quang, Phó Đức Phương và Ngọc Đại…
Bộ tứ quái ám ảnh - ảnh 1
Tùng Dương và bộ tứ sông Hồng: Dương Thụ, Trần Tiến, Nguyễn Cường, Phó Đức Phương.

Chính qua chương trình khiến tôi lại nhớ về những năm tháng mà tôi và họ đã gắn bó bên nhau để rồi đến chương trình “Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam” do Dương Thụ và tôi cùng làm, tôi đã chính thức gọi họ là “Tứ quái” trong một bài báo kèm theo bức ảnh chụp họ.

Bộ tứ quái ám ảnh - ảnh 2
Đêm nhạc “Tùng Dương hát bộ tứ sông Hồng” cháy vé dù diễn ra vào giữa tuần

Trong số họ: Dương Thụ, Nguyễn Cường, Phó Đức Phương và Trần Tiến, tôi gặp Phó Đức Phương đầu tiên. Đấy là vào một đêm mùa đông cuối năm 1979. Tôi đến chơi với nhạc sĩ đàn anh Nguyễn Mạnh Thường - tác giả “Phố núi” nổi tiếng - thì gặp Phó Đức Phương ở đó và lần đầu tiên được nghe anh hát “Tacanô-Nhân chứng quả cảm” mà anh vừa viết xong. Ca khúc này đã giúp Thế Hiển đoạt giải thưởng cuộc thi hát Toàn quốc 1985. Gặp và nghe anh hát, thấy ở Phó Đức Phương toát lên một niềm đam mê âm nhạc tràn trề, ngược lại với những trò chuyện giản dị của anh về đời sống thực.

Mùa đông năm 1981, tôi gặp Nguyễn Cường trong chương trình ca nhạc của Đoàn văn công Đắk Lắk (mà đa số là những sáng tác mới của anh bề bộn âm hưởng của dân ca Ê đê) trình diễn tại Nhà Hát lớn Hà Nội. Nhận thấy một Nguyễn Cường trẻ trung, sôi nổi và dạt dào nhiệt huyết.

Mùa hè 1982, tôi vào Sài Gòn và gặp Trần Tiến hát “Thành phố trẻ” trong chương trình ca nhạc tụ điểm Trịnh Công Sơn và Trần Long Ẩn. Đều từng là dân vượt Trường Sơn, chúng tôi xởi lởi với nhau ngay.

Người cuối cùng là Dương Thụ, tôi gặp mùa thu 1987 tại nhà Trần Tiến. Khi ấy, tôi và Thanh Thảo đang tá túc tại nhà chàng du ca, để bàn định cùng nhau tạo ra một cái gì mới mẻ cho văn nghệ.

Từ đó, tôi đã để tâm ngẫm nghĩ về sáng tạo âm nhạc của họ. Càng theo dõi những tác phẩm của họ được công bố dần dà theo thời gian, thấy họ cùng chung một ý tưởng muốn “trẻ hóa” những sáng tạo âm nhạc của mình, ngay trong ngôn ngữ âm nhạc để tạo ra những giai điệu, những nhịp điệu khác với “thế hệ vàng” các nhạc sĩ thời chống Mỹ. Tuy rằng trong thời kỳ binh lửa này, Phó Đức Phương đã được xác lập tính cách bởi “Những cô gái Quan họ”, Trần Tiến thì nhiệt huyết trong “Thanh niên xung phong ra tiền tuyến”, Nguyễn Cường vạm vỡ với “Hò biển”. Còn Dương Thụ, tuy công chúng chưa biết đến, thì anh âm thầm “trẻ hóa” bằng những ca khúc sau này mới công bố ở thời hậu chiến như “Hơi thở mùa xuân”, “Họa mi hót trong mưa”… Sáng tác của Dương Thụ cả nhạc và lời luôn hướng về những triết lý thông qua giai điệu và lời ca đầy thi ảnh. Nó mang chứa nhiều tính chất của quẻ Càn. Sáng tác của Trần Tiến thì hồn hậu, gần gũi như đời sống nên mang chứa nhiều tính chất của quẻ Khôn. Sáng tác của Phó Đức Phương với rất nhiều ca khúc viết về hồ, sông, biển mang chứa nhiều tính chất của quẻ Khảm. Còn Nguyễn Cường lúc nào cũng rừng rực, lúc nào cũng cháy lên mang chứa nhiều tính chất của quẻ Ly. Càn- Khôn- Ly- Khảm là tứ quái nằm trong bát quái. Tứ quái kia là Cấn-Tốn-Chấn-Đoài.

Bộ tứ quái ám ảnh - ảnh 3
Tùng Dương và Bằng Kiều trong đêm diễn “Tùng Dương hát bộ tứ sông Hồng.

Cứ thế, qua thời gian “Tứ quái” ám ảnh này đã mang đến cho đời sống âm nhạc một diện mạo riêng của họ. Sở dĩ có chữ “Bộ tứ sông Hồng” là vì có thể các anh muốn nó “mềm” đi trước dư luận nhất là với “thời đại mạng” hôm nay. Gọi “Bộ tứ sông Hồng” là thể hiện lòng trân quý một nhóm nghệ sĩ Hà Nội hào hoa, tài danh vào bậc nhất, nhưng ngầm hiểu là “Tứ quái” cũng được thôi.

Bộ tứ quái ám ảnh - ảnh 4
Trần Thu hà song ca cùng Tùng Dương

Chương trình cho thấy niềm đam mê bền bỉ của những tài năng âm nhạc này đã được thế hệ trẻ như Tùng Dương thấu hiểu và tôn vinh. Đúng là “Gái có công, chồng chẳng phụ”. Cả bốn nhạc sĩ đã vượt qua cái tuổi “Nhân sinh thất thập” cả rồi. Bởi thế nên sự tôn vinh họ cũng là thuận theo lẽ trời mà thôi. Mà đã thuận theo lẽ trời thì đẹp đẽ một cách tự nhiên. Sự hiện diện khiêm nhường của họ trong hai đêm diễn cũng góp phần làm cho chương trình thành công.

Bộ tứ quái ám ảnh - ảnh 5

Nguyễn Thụy Kha


Nhạc sĩ, nhà thơ, nhà báo


Ngày sinh: 7/10/1949


Quê quán: Hải Phòng


Nguyễn Thụy Kha tốt nghiệp Đại học Thông tin và Trường Viết văn Nguyễn Du. Ông gia nhập quân đội vào tháng 9/1971 sau khi có bằng kỹ sư thông tin.

Nguyễn Thụy Kha hoạt động sôi nổi trong nhiều lĩnh vực từ văn học, thơ ca cho đến âm nhạc, điện ảnh rồi báo chí. Ông đã xuất bản trên mười tập thơ cũng như văn xuôi, một tập nhạc; viết mười hai kịch bản phim chân dung, hai mươi lời bình cho nhiều phim khác nhau với nhiều giải thưởng văn học và âm nhạc. Là một người con của đất Vĩnh Bảo (Hải Phòng), ông đã dành nhiều tâm huyết nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Năm 1991, ông đã làm bộ phim tài liệu Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cây đại thụ rợp bóng 500 năm. Bộ phim sau đó nhận được giải thưởng của Hội Hữu nghị Việt Nhật năm 1992.

Ngày 15/6/2017, Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha cho ra mắt bộ sách 13 cuốn về nhạc sĩ Việt Nam thế kỷ XX.