Bộ Y tế đề nghị Hà Nội, TP.HCM và 21 tỉnh thành xét nghiệm thần tốc, hạn chế phong tỏa trên phạm vi rộng

21:58 | 08/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bộ Y tế đề nghị các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội thần tốc xét nghiệm cho toàn bộ người dân để phát hiện sớm nguồn lây nhằm cách ly, khoanh vùng, dập dịch kịp thời; hạn chế phong tỏa trên phạm vi rộng và thực hiện tốt việc chăm sóc, điều trị người nhiễm COVID-19.

Ngày 8/9, Bộ Y tế có công điện gửi UBND 23 tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, gồm: TP.HCM, Hà Nội Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Kiên Giang, Khánh Hoà, Tây Ninh, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Bình Phước, Bến Tre, Cà Mau, Hậu Giang, Phú Yên, Sóc Trăng về việc thần tốc xét nghiệm phòng, chống dịch COVID-19.

Theo Bộ Y tế, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ số 1102/CĐ-TTg ngày 23/8/2021 về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên toàn quốc, trong đó xác định thần tốc xét nghiệm trên diện rộng là then chốt.

Bộ Y tế tiến cho rằng độ xét nghiệm tại một số địa phương chưa đáp ứng được các yêu cầu phòng chống dịch

Trong thời gian qua, các địa phương, nhất là các nơi đang thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội đã đẩy mạnh việc xét nghiệm trên diện rộng. Tuy nhiên tiến độ xét nghiệm tại một số địa phương chưa đáp ứng được các yêu cầu phòng, chống dịch.

Vì thế, để nhanh chóng kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, không để tình trạng giãn cách kéo dài trên diện rộng, Bộ Y tế đề nghị các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội thần tốc xét nghiệm cho toàn bộ người dân để phát hiện sớm nguồn lây. Việc này nhằm cách ly, khoanh vùng, dập dịch kịp thời; hạn chế phong tỏa trên phạm vi rộng và thực hiện tốt việc chăm sóc điều trị người mắc COVID-19.

Tần suất, thời gian lấy mẫu, xét nghiệm theo các khu vực nguy cơ, Bộ Y tế đề nghị tiếp tục thực hiện theo Công điện số 1305/CĐ-BYT ngày 2/9/2021 của Bộ Y tế.

Theo Công điện số 1305/CĐ-BYT, tần suất, thời gian lấy mẫu, xét nghiệm theo các khu vực nguy cơ, được hướng dẫn như sau:

Đến ngày 15/9, tại các khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao: Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà ở/hộ gia đình cho toàn bộ người dân ít nhất 3 lần (từ 2-3 ngày/lần); Lấy mẫu đơn kháng nguyên nhanh hoặc lấy mẫu xét nghiệm PCR mẫu gộp theo nhà ở/hộ gia đình.

Tại các khu vực có nguy cơ và khu vực khác: Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà ở/hộ gia đình cho toàn bộ người dân ít nhất 1 lần (5-7 ngày/lần); lấy mẫu xét nghiệm PCR mẫu gộp theo nhà ở/hộ gia đình.

Tiếp tục xét nghiệm tầm soát 100% với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp..., đến cơ sở khám, chữa bệnh và tại cộng đồng.

Thực hiện xét nghiệm 3 ngày/lần đối với nhân viên, người lao động (là các trường hợp có nguy cơ cao) tại các cơ sở khám chữa bệnh, các cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp, người trực tiếp cung cấp dịch vụ thiết yếu.

Xem xét, tổ chức thực hiện việc hướng dẫn người dân tự lấy mẫu có sự giám sát của nhân viên y tế. Xét nghiệm tầm soát 100% trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp... đến cơ sở khám, chữa bệnh hoặc tại cộng đồng.

Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trên huy động tối đa lực lượng tham gia lấy mẫu, tổ chức nhiều đội lấy mẫu lưu động và không giới hạn thời gian lấy mẫu. Tăng cường hướng dẫn người dân tự thực hiện xét nghiệm kháng nguyên nhanh có sự hỗ trợ của nhân viên y tế hoặc tình nguyện viên đã được tập huấn.

Khi tổ chức thực hiện lấy mẫu, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, không để xảy ra lây nhiễm chéo. Thực hiện việc gộp mẫu làm xét nghiệm kháng nguyên nhanh và PCR phù hợp với tình hình thực tế.

Các địa phương cần gửi báo cáo kết quả triển khai xét nghiệm về Bộ Y tế trước 18h00 hàng ngày để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Hà Nội chia ba vùng xét nghiệm, tiêm vaccine

Chiều ngày 8/9, Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký kế hoạch 206 về việc xét nghiệm diện rộng, tiêm chủng vaccine phòng, chống COVID-19.

Theo kế hoạch này, Hà Nội sẽ chia thành 3 vùng để thực hiện xét nghiệm diện rộng, tiêm chủng vaccine phòng, chống COVID-19.

Vùng 1 (15 quận, huyện): Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Thanh Trì, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thường Tín, Thanh Oai. Tại vùng 1, việc lấy mẫu xét nghiệm và tiêm chủng do các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố thực hiện.

Vùng 2 (5 quận, huyện): Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh. Đơn vị hỗ trợ thực hiện là tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên

Vùng 3 (10 huyện, thị xã): Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên. Đơn vị hỗ trợ thực hiện là tỉnh Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng.

Thành phố cũng đề nghị các viện, bệnh viện, đại học trực thuộc Bộ, ngành Trung ương, cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn tham gia lấy mẫu, xét nghiệm; hỗ trợ tiêm.

Hà Nội cho hay sẽ "thần tốc xét nghiệm diện rộng". Cụ thể, đến ngày 15/9, khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân ít nhất 3 lần (2-3 ngày/lần). Khu vực có nguy cơ và các khu vực khác, hoàn thành xét nghiệm toàn bộ người dân ít nhất một lần (5-7 ngày/lần). 100% trường hợp ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp... đến bệnh viện khám, chữa bệnh và tại cộng đồng sẽ được xét nghiệm tầm soát.

Thành phố cũng xét nghiệm 3 ngày/lần với nhân viên, người lao động tại các cơ sở khám, chữa bệnh và người có nguy cơ cao mắc bệnh.

Thành phố tiêm vaccine mũi một cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên đến ngày 15/9, trên cơ sở số vaccine được Bộ Y tế phân bổ và giao.

Tiêm mũi một bằng vaccine nào thì mũi hai loại đó. Với người tiêm mũi một vaccine của AstraZeneca, nếu họ đồng ý có thể tiêm mũi hai bằng vaccine của Pfizer, khoảng cách 8-12 tuần.

Hà Nội có gần 5,1 triệu người cần tiêm chủng, trên tổng số trên 8,2 triệu người. Thống kê đến cuối ngày 7/9, thành phố đã thực hiện 12 đợt tiêm với trên 2,6 triệu mũi vaccine.