Thứ tưởng Bộ Y tế: Nhanh chóng hỗ trợ cho Nhân viên y tế tại bệnh viện dã chiến
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt về phòng chống Covid-19 của Bộ Y tế tại TP.HCM vừa có công văn gửi Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM đề nghị tăng cường hỗ trợ lực lượng nhân viên y tế tại các bệnh viện dã chiến và sử dụng tình nguyện viên.
Tại công văn này, ông Sơn cho biết nhằm nâng cao chất lượng đời sống và tinh thần của nhân viên y tế, ngày 4/9, Bộ phận thường trực đặc biệt về phòng chống Covid-19 của Bộ Y tế tại TP.HCM đã kiểm tra và làm việc với một số bệnh viện dã chiến.
Bộ phận thường trực đánh giá cao tinh thần làm việc của các nhân viên y tế, đã khắc phục khó khăn trong hoàn cảnh thiếu thốn về mọi mặt. Các nhân viên y tế đã từng bước nắm bắt được chuyên môn, đảm bảo hướng dẫn điều trị và chăm sóc của Bộ Y tế.
“Tuy nhiên, Bộ phận thường trực đặc biệt thấy cũng còn một số điểm bất hợp lý, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tinh thần của nhân viên y tế đang phục vụ tại các bệnh viện dã chiến trên địa bàn”, văn bản do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn ký nêu rõ.
Y bác sĩ phải trực cấp cứu suốt 12 giờ trong điều kiện mặc đồ bảo hộ
Theo văn bản của Bộ phận thường trực đặc biệt, trong tổ chức và phân công nhân sự, mỗi bác sĩ, điều dưỡng hàng ngày phải chăm sóc và quản lý 140-150 người bệnh Covid-19. Số lượng người bệnh quá lớn khiến chất lượng điều trị và chăm sóc bị giảm sút.
Mỗi tua làm việc của bác sĩ và điều dưỡng thường 8-10 giờ/ngày trong điều kiện mặc trang phục bảo hộ liên tục có thể gây mất nước và điện giải.
Bác sĩ và điều dưỡng thường xuyên phải trực cấp cứu 12 giờ/ngày nếu được điều động tăng cường.
Bệnh viện dã chiến không bố trí được thời gian nghỉ ca trực cho nhân viên y tế. Sau khi kết thúc công việc chuyên môn, nhân viên y tế tiếp tục phải làm hồ sơ hành chính liên tục, có ngày lên đến 12 giờ.
Một số bệnh viện sau khi rút nhân lực không bù đủ nhân lực đã rút khiến tăng thêm áp lực cho các nhân viên còn lại. Áp lực công việc quá lớn ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe nhân viên y tế.
Nhân viên y tế bị nhiễm bệnh thì ăn như bệnh nhân
Theo báo Thanh Niên về chăm lo đời sống nhân viên y tế, hàng ngày nhân viên y tế được phát cơm hộp với suất ăn là 120.000 đồng/ngày. Khẩu vị không được điều chỉnh phù hợp với các nhân viên hỗ trợ đến từ khu vực miền bắc khiến nhân viên khó ăn, không đảm bảo sức khỏe chống dịch.
Những trường hợp nhân viên y tế bị nhiễm Covid-19 trong quá trình công tác thì được điều chuyển lên khu người bệnh. Suất ăn của nhân viên y tế được chuyển sang tiêu chuẩn suất ăn của người bệnh là 80.000 đồng/ngày. Việc làm này khiến cho tinh thần nhân viên y tế không may nhiễm bệnh càng thêm suy sụp.
Lực lượng an ninh, quân sự thường xuyên kiểm tra nghiêm khắc với lực lượng y tế mỗi khi ra ngoài mua thêm đồ ăn, thức uống bổ sung (yêu cầu nhân viên y tế mở túi đồ để kiểm tra). Điều này ảnh hưởng đến đời tư mỗi cá nhân, tạo cảm giác không thoải mái, ảnh hưởng đến tinh thần nhân viên y tế
Cần có giải pháp kịp thời
Để đảm bảo sức chiến đấu của nhân viên y tế, nâng cao tinh thần phục vụ người bệnh và chất lượng điều trị, Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế đề nghị Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM thực hiện một số biện pháp:
- Yêu cầu các đơn vị đã rút nhân viên ra khỏi bệnh viện dã chiến lập tức bổ sung nhân lực thay thế đầy đủ, đảm bảo quân số, tránh tạo áp lực công việc lên các nhân viên y tế còn lại.
- Đảm bảo thời gian nghỉ sau khi kết thúc ca trực cho các nhân viên y tế, không để nhân viên làm việc liên tục trong thời gian dài mà không có ngày nghỉ.
- Hạn chế sử dụng nhân viên y tế vào vị trí hành chính nhằm đảm bảo công tác chuyên môn. Trong tình hình thiếu nhân lực hành chính, đề nghị bổ sung lực lượng sinh viên, tình nguyện viên vào các vị trí hoàn thiện hồ sơ thủ tục hành chính.
- Đề nghị đơn vị cung cấp thực phẩm điều chỉnh chế độ ăn đảm bảo dinh dưỡng, có thêm lựa chọn phù hợp khẩu vị mỗi vùng miền.
- Các trường hợp nhân viên y tế không may mắc Covid-19 cần được đảm bảo chế độ ăn tối thiểu như thường ngày. Không áp dụng chế độ của người bệnh dành cho nhân viên y tế.
- Đề nghị lực lượng an ninh, quân sự chỉ kiểm soát việc ra vào trong điều trị đối với nhân viên y tế, tuyệt đối không gây ảnh hưởng đến đời tư mỗi cá nhân, gây áp lực lên đời sống tinh thần của nhân viên y tế.
Hơn 4.000 nhân viên y tế trên cả nước hỗ trợ phòng, chống dịch cho TP.HCM
Tính đến ngày 15/7/2021, Sở Y tế trân trọng chào đón 24 Đoàn công tác đến từ Sở Y tế các tỉnh, Bệnh viện đa khoa tỉnh, bệnh viện Bộ, ngành và 11 trường Cao đẳng, Đại học với tổng cộng 4.473 người trong đó có 535 bác sĩ, 1.222 điều dưỡng, 53 kỹ thuật viên, 8 giảng viên và 2.655 sinh viên tham gia hỗ trợ cụ thể như sau:
1. Bệnh viện Chợ Rẫy tham gia tổng cộng 262 người, bao gồm 106 bác sĩ, 156 điều dưỡng.
2. Bệnh viện Thống Nhất tham gia tổng cộng 92 người, bao gồm 31 bác sĩ, 61 điều dưỡng và kỹ thuật viên.
3. Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM tham gia tổng cộng 276 người, bao gồm 100 bác sĩ, 176 điều dưỡng.
4. Bệnh viện Răng Hàm Mặt TW TPHCM tham gia tổng cộng 95 người, bao gồm 30 bác sĩ, 65 điều dưỡng.
5. Bệnh viện Đa khoa Bưu điện tham gia tổng cộng 75 người, bao gồm 25 bác sĩ, 50 điều dưỡng.
6. Bệnh viện Quân y 7A tham gia tổng cộng 40 người, bao gồm 10 bác sĩ, 24 điều dưỡng, 6 kỹ thuật viên.
7. Bệnh viện Đa khoa TW Thái Nguyên tham gia tổng cộng 79 người, bao gồm 21 bác sĩ, 55 điều dưỡng, 3 kỹ thuật viên.
8. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam tham gia tổng cộng 40 người, bao gồm 11 bác sĩ, 26 điều dưỡng, 3 kỹ thuật viên.
9. Bệnh viện Quân y 175 tham gia tổng cộng 75 người, bao gồm 25 bác sĩ, 48 điều dưỡng, 2 kỹ thuật viên.
10. Bệnh viện 74 TW tham gia tổng cộng 30 người, bao gồm 10 bác sĩ, 20 điều dưỡng.
11. Bệnh viện 71 TW tham gia tổng cộng 30 người, bao gồm 10 bác sĩ, 18 điều dưỡng, 2 kỹ thuật viên.
12. Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh tham gia tổng cộng 70 người, bao gồm 10 bác sĩ, 60 điều dưỡng.
13. Sở Y tế tỉnh Thái Bình tham gia tổng cộng 60 người, bao gồm 20 bác sĩ, 40 điều dưỡng.
14. Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh tham gia tổng cộng 25 người, bao gồm 5 bác sĩ, 20 điều dưỡng.
15. Sở Y tế thành phố Hải Phòng tham gia tổng cộng 114 người, bao gồm 14 bác sĩ, 100 điều dưỡng.
16. Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa tham gia tổng cộng 58 người, bao gồm 8 bác sĩ, 50 điều dưỡng.
17. Sở Y tế tỉnh Nghệ An tham gia tổng cộng 60 người, bao gồm 20 bác sĩ, 30 điều dưỡng, 10 kỹ thuật viên.
18. Sở Y tế tỉnh Hải Dương tham gia tổng cộng 41 người, bao gồm 11 bác sĩ, 29 điều dưỡng, 1 kỹ thuật viên.
19. Sở Y tế tỉnh Yên Bái tham gia tổng cộng 44 người, bao gồm 12 bác sĩ, 30 điều dưỡng, 2 kỹ thuật viên.
20. Sở Y tế tỉnh Hà Nam tham gia tổng cộng 40 người, bao gồm 8 bác sĩ, 27 điều dưỡng, 5 kỹ thuật viên.
21. Sở Y tế tỉnh Ninh Bình tham gia tổng cộng 42 người, bao gồm 10 bác sĩ, 30 điều dưỡng, 2 kỹ thuật viên.
22. Sở Y tế tỉnh Phú Thọ tham gia tổng cộng 52 người, bao gồm 12 bác sĩ, 40 điều dưỡng.
23. Sở Y tế tỉnh Nam Định tham gia tổng cộng 42 người, bao gồm 7 bác sĩ, 35 điều dưỡng.
24. Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc tham gia tổng cộng 40 người, bao gồm 10 bác sĩ, 27 điều dưỡng, 3 kỹ thuật viên.
Ngoài ra, Sở Y tế còn tiếp nhận 2.663 cán bộ giảng viên, sinh viên từ các Trường Đại học trên khắp cả nước gồm Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương (320 giảng viên, sinh viên), Trường Đại học Y dược Thái Bình (350 sinh viên), Trường Đại học Y tế công cộng (103 sinh viên), Trường Đại học Huế (95 sinh viên), Trường Đại học Y dược TPHCM, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Khoa Y Đại học Quốc gia TPHCM, Trường Cao đẳng Viễn Đông, Trường Cao đẳng Quân Y 2 (Quân khu 7) tình nguyện tham gia truy vết phòng chống dịch COVID-19.