Các cân đối lớn tại một số ngân hàng bắt đầu thay đổi

16:09 | 11/07/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thị trường ngày càng chú ý hơn ở các chỉ tiêu quan trọng khác, thay vì tập trung ở con số lợi nhuận.

Ngày 10/7, Ngân hàng Quân đội (MB) công bố kết quả hoạt động cơ bản 6 tháng đầu năm 2021. Thay đổi lớn tại MB dự kiến cũng sẽ tạo xáo trộn lớn trong so sánh hệ thống ở một số chỉ tiêu quan trọng.

Các cân đối lớn tại một số ngân hàng bắt đầu thay đổi - ảnh 1

Tỷ lệ trích lập dự phòng bao nợ xấu chốt quý 2/2021 tại MB trở nên đáng chú ý nhất. Số liệu vừa cập nhật cho thấy mức độ lên tới 311%, cao hơn gấp đôi so với cuối năm 2020.

Với mức độ trên, dự kiến MB sẽ là ngân hàng thương mại (NHTM) có tỷ lệ trích lập dự phòng bao nợ xấu cao nhất hệ thống qua nửa đầu năm nay. Trước đó, tại nhiều quý công bố, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) dẫn đầu ở tỷ lệ bao phủ này.

Tuy nhiên, như BizLIVE thông tin vừa qua, tỷ lệ này tại Vietcombank đến cuối quý 2/2021 đã giảm xuống còn khoảng 270%, từ mức từng lên tới 380% cuối năm 2020. Nguyên do, nợ xấu có một phần tăng lên, trong khi ngân hàng đã sử dụng một phần dự phòng rủi ro trong kỳ.

Vietcombank và MB cũng là những NHTM đi đầu trong những năm gần đây về việc đẩy cao tỷ lệ trích lập dự phòng bao nợ xấu. Đây cũng chính là khác biệt lớn trong hệ thống NHTM Việt Nam hiện nay so với những giai đoạn trước đây: lượng trích lập dự phòng rủi ro vượt quy mô nợ xấu, thậm chí gấp nhiều lần, trong khi trước đây tỷ lệ này phổ biến dưới 100%.

Sự đột biến trên đến từ nhiều nguyên do.

Thứ nhất, quy định về trích lập dự phòng rủi ro hiện nay không chỉ đối với các khoản nợ xấu; các NHTM còn phải trích lập 0,75% dự phòng chung cho tổng nợ từ nhóm 1 đến nhóm 4.

Thứ hai, cơ chế trích lập dự phòng hiện nay còn có nước đôi khi thực hiện. Quy định (Thông tư 01, Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước) cho phép NHTM được giãn trích lập dự phòng với những khoản nợ gặp rủi ro bởi Covid-19, tuy nhiên không cấm trường hợp thực hiện trích lập dự phòng luôn trong khi nợ được cơ cấu mà không phải chuyển nhóm. Một số NHTM tiến hành trích lập trước trong năm nay, thay vì giãn ra 3 năm theo cơ chế cho phép tại Thông tư 03.

Thứ ba, quy định cho phép NHTM được khấu trừ giá trị tài sản đảm bảo rồi trích lập cho phần còn lại. Tuy nhiên, mức độ khấu trừ này tại mỗi ngân hàng có thể khác nhau, có những trường hợp sẽ giảm thiểu mức độ chiết khấu để tăng phần trích lập dự phòng.

Thứ tư, có trường hợp cá biệt, có những khoản vay khá lớn mang tính đối ngoại, hoặc có đặc thù riêng dù được phép chưa phải trích lập dự phòng rủi ro nhưng ngân hàng vẫn chủ động trích lập trong khi chưa ghi nhận đó là nợ xấu.

Những nguyên do trên khiến tỷ lệ trích lập dự phòng bao nợ xấu tại các NHTM đang có xu hướng cao hơn nhiều so với con số tuyệt đối nợ xấu trên sổ sách.

Cũng tại MB, một chỉ số khác cũng nổi bật trong nửa đầu 2021: tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) giảm rất mạnh từ khoảng 34,5% cuối năm trước xuống chỉ còn 28,6% cuối quý 2/2021.

Với CIR như trên, dự kiến MB sẽ là thành viên có tương quan so sánh trực tiếp với Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) trong kỳ báo cáo này. Trước đó, VPBank là NHTM sở hữu CIR thấp nhất hệ thống các quý gần đây.

CIR một mặt phản ánh ngân hàng kiểm soát hiệu quả chi phí hoạt động, tối ưu được các khâu vận hành hay không; mặt khác, nó còn phụ thuộc vào doanh thu và vì thế gián tiếp phản ánh hiệu quả hoạt động và hiệu suất lao động… Song, chỉ số này vẫn thường được đánh giá mức bình quân trong năm thay vì có thể biến động mạnh qua mỗi quỹ riêng lẻ.

Về nợ xấu, MB cho biết tỷ lệ riêng ngân hàng chỉ ở mức 0,58% đến cuối quý 2/2021. Dự kiến đây có thể là NHTM sở hữu tỷ lệ thấp nhất toàn hệ thống qua nửa đầu năm nay, khi mà tại Vietcombank dự kiến có tăng lên. Tuy nhiên, kết quả so sánh cuối cùng vẫn chờ số liệu từ Techcombank - thành viên từng sở hữu kỷ lục nợ xấu thấp cuối 2020 chỉ ở 0,47%, quý 1/2021 chỉ 0,38%.

Techcombank dự kiến sẽ công bố kết quả kinh doanh quý 2/2021 chi tiết vào ngày 20/7 tới.

Bizlive