Các chuyên gia quốc tế dự báo thế nào về kinh tế Việt Nam năm 2025?
Sau kết quả GDP của quý III khả quan hơn dự kiến, ngân hàng Standard Chartered và HSBC nâng dự báo tăng trưởng 2024 của Việt Nam lên 6,8% (từ 6,0%) và 7% (từ 6,5%); trong khi Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vẫn giữ nguyên mức dự báo trước đó là 6%.
Nền kinh tế hoạt động tốt nhất ở châu Á
Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, ngân hàng Standard Chartered nâng mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý IV là 6,9% và cả năm lên 6,8% từ mức 6,0%.
Lý giải về dự báo này, bà Nguyễn Thúy Hạnh, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam cho rằng, trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ đạt 6,8% nhờ các động lực như sản xuất tăng 9,8% và xuất khẩu tăng 15,4%.
Cùng với đó, chính sách tiền tệ tương đối phù hợp góp phần vào sự phục hồi kinh tế với các chỉ số kinh tế vĩ mô trong những tháng gần đây ổn định và Việt Nam tiếp tục đạt thặng dư thương mại.
Dự báo, năm 2025, con số này vẫn ở mức 6,7%, với mức tăng 7,5% trong nửa đầu năm và 6,1% nửa cuối năm so với cùng kỳ năm trước.
"Sự phục hồi thương mại và hoạt động kinh doanh gia tăng cùng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ là động lực tăng trưởng chính trong năm 2025 và xa hơn nữa", bà Hạnh nhìn nhận.
Còn theo ông Tim Evans, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, sau năm 2023 và quý I đầy vất vả, Việt Nam đã trở lại là ngôi sao tăng trưởng của ASEAN. Đáng chú ý, tăng trưởng quý III đạt mức 7,4% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn dự báo của HSBC là 6,2%.
Kết quả xuất sắc này vẫn tiếp tục được dẫn dắt bởi sản xuất với mức tăng trưởng 11,4% so với cùng kỳ năm trước và cũng được thể hiện trong dữ liệu tích cực về thương mại, trong đó xuất khẩu tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng khích lệ là sự phục hồi của thương mại ban đầu chỉ tập trung trong lĩnh vực điện tử nhưng giờ đang cho thấy dấu hiệu lan rộng, chẳng hạn như xuất khẩu dệt may và da giày tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Tim Evans cũng cho rằng, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng đáng kể trong năm nay ở mức 7% chủ yếu nhờ hoạt động xuất khẩu sẽ tiếp tục tích cực hơn nữa khi việc lãi suất ở Mỹ giảm và người tiêu dùng Mỹ sẽ bắt đầu chi tiêu nhiều hơn.
Bên cạnh đó, ngành du lịch vẫn rất phát triển và thu hút được rất nhiều khách nước ngoài với lượng khách quốc tế đến Việt Nam cao hơn so với trước dịch COVID-19. Đặc biệt, nếu người tiêu dùng Việt Nam tin tưởng vào tương lai, họ sẽ chi tiêu nhiều hơn một chút, giúp doanh số bán lẻ tại địa phương tăng lên.
“Nếu nghĩ rộng ra, khi cả ba điều trên xảy ra, Việt Nam sẽ đạt mức 6,5% vào năm tới, và một lần nữa, sẽ trở thành nền kinh tế hoạt động tốt nhất ở châu Á”, ông Tim Evans kỳ vọng.
Giai đoạn đầy thách thức đối với Việt Nam
Còn theo ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam, bất chấp những bất ổn trên toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng do sản xuất công nghiệp cải thiện và thương mại gia tăng mạnh mẽ.
Cụ thể, lĩnh vực công nghiệp tiếp tục là động lực chính của tăng trưởng, khi cầu bên ngoài đối với các mặt hàng điện tử xuất khẩu chủ lực góp phần gia tăng sản xuất. Kinh tế Việt Nam phục hồi cũng được hỗ trợ bởi sự khôi phục của các ngành dịch vụ và sản lượng nông nghiệp ổn định.
Tuy nhiên, một số rủi ro có thể làm chậm đà tăng trưởng của Việt Nam như cầu bên ngoài tại một số nền kinh tế lớn vẫn yếu, trong khi căng thẳng địa chính trị và những bất ổn liên quan tới cuộc bầu cử tại Mỹ trong tháng 11 có thể khiến thương mại bị phân tán, ảnh hưởng tiêu cực tới xuất khẩu, hoạt động sản xuất và việc làm.
Do đó, ADB vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam ước đạt 6,0% trong năm 2024 và 6,2% trong năm 2025.
Để thúc đẩy tăng trưởng, vị chuyên gia cho rằng sự phối hợp giữa các chính sách là điều cần thiết để phục hồi kinh tế, trong bối cảnh giá cả tương đối ổn định và nhu cầu còn yếu.
“Tăng nhu cầu trong nước đòi hỏi phải có các biện pháp kích thích tài khóa mạnh mẽ hơn, như đẩy nhanh thực hiện đầu tư công, trong khi vẫn phải duy trì lãi suất thấp”, ông Shantanu Chakraborty nêu rõ.
Đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn Thúy Hạnh cho rằng, dù khả năng hoạt động của nền kinh tế đang tốt hơn so với kỳ vọng của thị trường, song từ nay đến cuối năm sẽ vẫn giai đoạn đầy thách thức đối với Việt Nam.
Cụ thể, tác động của cơn bão Yagi đến nền kinh tế trong tháng 9 có thể chưa được phản ánh qua mức tăng trưởng GDP quý III mạnh mẽ ở mức 7,4% và sẽ tác động vào đầu Quý IV.
Trong khi những trở ngại thương mại toàn cầu, địa chính trị, giá dầu toàn cầu tăng, sự không chắc chắn về tốc độ cắt giảm lãi suất của Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) và kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới đều có thể tạo nên biến động trên thị trường tài chính và có tác động đến nền kinh tế.
Đáng lưu ý, bất chấp những xu hướng giảm gần đây, giá dịch vụ giáo dục, nhà ở và vật liệu xây dựng, chăm sóc sức khỏe, thực phẩm và vận tải tăng cao đã giữ lạm phát ở mức trên 4% cho đến thời gian gần đây và có thể vẫn là nguyên nhân gây áp lực gia tăng lạm phát trong những tháng tới.
Về khuyến nghị, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam cho rằng, các ngành sản xuất phải giảm thiểu tác động tiêu cực từ những diễn biến bất lợi trên toàn cầu bằng các đa dạng hóa các lĩnh vực sản xuất và thu hút nguồn vốn FDI từ các khu vực khác trong trung hạn.
“Các biện pháp ứng phó với thiên tai của Việt Nam sẽ ngày càng trở nên quan trọng. Việc quản lý lạm phát, chính sách tiền tệ và biến động ngoại hối cũng sẽ được theo dõi chặt chẽ”, bà Hạnh nêu rõ.