BÀI 2: NHỮNG NHÓM NGÀNH DỰ BÁO TĂNG TRƯỞNG LỢI NHUẬN ĐỘT PHÁ
Từ mức nền thấp của cùng kỳ 2023, nhóm ngành bán lẻ và nhóm ngành vật liệu cơ bản (trọng tâm là doanh nghiệp thép) được các công ty chứng khoán đánh giá có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận tích cực, thậm chí đột phá trong quý II/2024.
Nhìn lại 5 tháng đầu năm 2024, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng 8,7% svck, thấp hơn mức tăng trưởng 5 tháng đầu năm 2023 (12,6%) và trước dịch (5 tháng đầu năm 2019 tăng 11,6% svck) do sự chậm lại của nhóm bán lẻ hàng hóa. Trong đó, bán lẻ hàng hóa tăng 7,4%, dịch vụ lưu trú & ăn uống tăng 15,1% và dịch vụ lữ hành tăng 45,1%. Các chuyên gia nhận định mức tăng trưởng 5 tháng đầu năm không như kỳ vọng nhưng vẫn khá tích cực trong bối cảnh hiện tại.
Về tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành, trong quý I/2024, toàn ngành bán lẻ có sự phục hồi mạnh mẽ trên mức nền thấp cùng kỳ với lợi nhuận tăng trưởng 367% svck. Hầu hết doanh nghiệp đầu ngành đều ghi nhận tăng trưởng doanh thu tích cực, chẳng hạn như MWG, FRT, DGW với mức tăng trưởng doanh thu quý I lần lượt là 16,16% svck (nhờ sự phục hồi của ngành điện máy và nổi bật nhất là nhóm hàng máy lạnh), 16,62% svck (đóng góp phần lớn bởi nhà thuốc Long Châu) và 25,89% svck (hầu hết các ngành hàng đều ghi nhận tăng trưởng).
Trong báo cáo triển vọng mới đây, MBS nhận định tăng trưởng lợi nhuận quý II của nhóm doanh nghiệp bán lẻ có thể đạt tới 379% dựa trên mức nền thấp cùng kỳ 2023 cũng như sự phục hồi của nền kinh tế nói chung và hoạt động tiêu dùng nói riêng.
Trong đó, mặc dù lĩnh vực bán lẻ ICT-CE được dự báo tiếp tục tăng trưởng chậm, nhưng điểm sáng có thể đến từ lĩnh vực điện máy (với mức tăng trưởng kỳ vọng đạt 2 chữ số) do thời tiết nắng gắt, nhu cầu lắp máy lạnh gia tăng. Các nhà bán lẻ tăng mức nền giá sản phẩm svck sẽ giúp biên lợi nhuận gộp cải thiện hơn, từ đó lợi nhuận ròng mảng ICT-CE cải thiện rõ rệt svck.
Mảng bán lẻ dược phẩm cũng dự kiến triển vọng khả quan khi quy mô nhà thuốc gia tăng sẽ giúp doanh thu bán lẻ dược phẩm tăng tốt hơn svck. Dự kiến Long Châu sẽ mở thêm 83 cửa hàng, nâng tổng số cửa hàng lên 1.670, qua đó đạt mức lợi nhuận tăng trưởng 34% svck; An Khang duy trì tổng số nhà thuốc, tổng kết, doanh thu bán lẻ dược phẩm dự kiến tăng trưởng khoảng 57% svck.
Với mảng bán lẻ trang sức, trong bối cảnh giá vàng biến động mạnh trong quý II thúc đẩy nhu cầu giao dịch vàng nhẫn, dự báo doanh thu bán lẻ trang sức dự kiến tăng trưởng 12% svck. Tuy nhiên, giá nguyên vật liệu và tỷ trọng bán vàng miếng, vàng nhẫn gia tăng sẽ ảnh hưởng đến biên lãi gộp của doanh nghiệp bán lẻ trang sức, dự kiến giảm khoảng 3 điểm % svck.
Bảng: MBS dự báo tăng trưởng lợi nhuận quý II và cả năm 2024 của 5 DN tiêu dùng & bán lẻ
Tương tự, Agriseco Research trong một báo cáo gần đây cũng nhận định Bán lẻ là một trong những nhóm ngành có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận tích cực trong quý II.
“Trong quý II tới đây, ngành bán lẻ vẫn có dư địa tăng trưởng mạnh trên mức nền thấp của quý II/2023 khi đây là giai đoạn các doanh nghiệp bán lẻ tạo đáy về lợi nhuận”, báo cáo của Agriseco cho hay.
Nhóm phân tích kỳ vọng lợi nhuận toàn ngành tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ và tăng trưởng so với quý trước đó nhờ nhiều động lực.
Thứ nhất, kinh tế phục hồi và lượng khách du lịch cải thiện tích cực góp phần kích thích nhu cầu tiêu dùng. Thứ hai, quý II/2024 là thời điểm bước vào mùa nắng nóng, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm điện máy, điện lạnh sẽ gia tăng. Cùng với đó, các sự kiện thể thao quốc tế như Euro cũng góp phần thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm điện máy như tivi. Ngoài ra, mặt bằng lãi suất duy trì mức thấp, các chính sách kích cầu tiêu dùng như giảm thuế VAT sẽ tiếp tục tạo môi trường thuận lợi để ngành bán lẻ phục hồi mạnh mẽ trong các quý tiếp theo.
MBS dự báo ngành vật liệu cơ bản sẽ tiếp tục duy trì đà phục hồi trong quý II với tăng trưởng lợi nhuận dự báo đạt 63% svck. Trong đó, điểm sáng nổi bật sẽ đến từ nhóm các doanh nghiệp thép.
Năm nay, các doanh nghiệp thép đầu ngành đều đặt kế hoạch kinh doanh tăng trưởng mạnh trên nền thấp 2023, tuy nhiên cũng nhận định chưa bứt phá do thị trường BĐS trong nước chưa phục hồi mạnh. Kết thúc quý đầu năm, các doanh nghiệp đầu ngành thép như HPG, HSG, NKG đều ghi nhận kết quả tăng trưởng ấn tượng nhờ nhu cầu hồi phục từ cả thị trường nội địa và xuất khẩu.
Nhóm phân tích kỳ vọng trong quý II, nhóm thép sẽ cho thấy mức phục hồi lợi nhuận đáng kể so với cùng kỳ trong bối cảnh giá nguyên vật liệu hạ nhiệt tác động tích cực đến biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp. Giá nguyên liệu than và quặng giảm lần lượt 18% và 20% svck trong khi giá thép chỉ giảm 7% svck giúp biên gộp tăng lên mức trung bình 12% (so với 5% của năm 2023).
Giá nguyên vật liệu có thể duy trì ở mức thấp như hiện nay trong bối cảnh nguồn cung ổn định và nhu cầu nhập hàng tồn kho nguyên vật liệu tại Trung Quốc giảm mạnh (do cắt giảm sản lượng thép). Bên cạnh đó, sản lượng tiêu thụ cải thiện trong bối cảnh nhu cầu nội địa hồi phục. Sự hồi phục của nhu cầu và sản lượng tiêu thụ nội địa có thể tiếp tục duy trì tích cực như hiện nay khi nguồn cung BĐS dự kiến sẽ đẩy mạnh kể từ quý III. Khả năng tăng giá thép có thể xảy ra trong quý III nhờ nhu cầu cải thiện cũng như áp lực giảm giá của Trung Quốc hạ nhiệt.
Bảng: MBS dự báo tăng trưởng lợi nhuận quý II và cả năm 2024 của 9 DN vật liệu cơ bản
Agriseco Research cũng đánh giá KQKD quý II/2024 của ngành thép sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao so với nền thấp cùng kỳ, cũng như nhiều yếu tố thuận lợi từ thị trường nội địa vào xuất khẩu.
Trong quý II/2024, sản lượng bán hàng thép tiếp tục phục hồi, ước tính tăng 15% yoy và đạt gần 10,5 triệu tấn trên cơ sở tình hình bán hàng toàn ngành quý I tích cực và sản lượng tiêu thụ tháng 4 tăng trưởng mạnh (đạt 2,6 triệu tấn, tăng 31,5% svck nhờ nhu cầu từ xây dựng dân dụng và đẩy mạnh các công trình đầu tư công trọng điểm).
Kênh xuất khẩu cũng tiếp tục đón nhận tín hiệu khả quan khi xuất khẩu thép 4 tháng đầu năm đạt hơn 3,2 tỷ USD với 4,34 triệu tấn, tăng 28% về giá trị và 33,7% về lượng so với năm trước (theo Tổng cục Hải quan). Agriseco dự báo kênh xuất khẩu sẽ là động lực thúc đẩy sản lượng bán hàng của các doanh nghiệp thép trong thời gian tới nhờ các thị trường xuất khẩu như Mỹ, châu Âu đẩy mạnh xây dựng hạ tầng.
Với những diễn biến tích cực như vậy, Agriseco Research kỳ vọng biên lợi nhuận gộp quý II của các doanh nghiệp thép sẽ được cải thiện so với cùng kỳ nhờ duy trì chính sách hàng tồn kho thấp giúp giá thành diễn biến sát với giá nguyên vật liệu (cùng kỳ năm ngoái các doanh nghiệp phải chịu hàng tồn kho giá cao trong khi giá bán giảm khiến biên lợi nhuận gộp bị thu hẹp).
Không đưa ra dự báo riêng cho quý II, nhưng tại báo cáo hồi cuối tháng 5, VDSC cũng dự báo các doanh nghiệp thép có thể ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận hai chữ số trong năm 2024, nhờ sản lượng bán hàng cải thiện và giá nguyên liệu hạ nhiệt cùng chính sách tồn kho thận trọng giúp duy trì biên lợi nhuận ổn định.
Nhóm phân tích VDSC kỳ vọng trong năm nay, ngành thép sẽ có sự phục hồi rõ ràng hơn về mặt sản lượng (đặc biệt từ nửa sau của năm). Đà phục hồi dự báo sẽ được dẫn dắt bởi thị trường nội địa khi lĩnh vực BĐS hồi phục, với việc mở bán thành công các dự án (đặc biệt trong nửa cuối năm 2024) sẽ là yếu tố thúc đẩy hoạt động xây dựng và từ đó làm tăng nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thép. Cùng đó, các dự án hạ tầng trọng điểm (hệ thống đường vành đai, hệ thống đường cao tốc Bắc-Nam,…) bắt đầu bước vào giai đoạn xây dựng, với các hạng mục lớn (cầu, đường trên cao…) sẽ cần tiêu thụ thép xây dựng, qua đó là yếu tố hỗ trợ cho hoạt động bán hàng trong 2024.
Ngoài ra, đà phục hồi cũng được thúc đẩy bởi nhu cầu khởi sắc từ các thị trường xuất khẩu trọng điểm. Giá nguyên liệu cũng như giá thành phẩm (HRC, thép xây dựng) dự kiến sẽ ít biến động hơn trong năm 2024, trước khi có thể kỳ vọng vào một chu kỳ tăng giá mới (từ 2025 trở về sau).
Thực hiện: Diên Vỹ