Các địa phương cần chủ động lấy nước để phục vụ vụ Đông Xuân 2019-2020

14:45 | 16/01/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Bộ NN&PTNT đã có lịch cấp nước cho vụ Đông Xuân 2019-2020 tại Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ với thời gian 18 ngày, chia làm 3 đợt.
Theo đó, Đợt 1: Từ 0h ngày 20/1 đến 24h ngày 23/1/2020 (4 ngày);  Đợt 2: Từ 0h ngày 5/2 đến 24h ngày 12/2/2020 (8 ngày);  Đợt 3: Từ 0h ngày 19/2 đến 24h ngày 24/2/2020 (6 ngày).
Tuy nhiên, việc cấp nước đổ ải năm 2020 dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn vì các hồ chứa thủy điện đang thiếu nước nghiêm trọng.
Các địa phương cần chủ động lấy nước để phục vụ vụ Đông Xuân 2019-2020 - ảnh 1
 Nhiều địa phương chủ động lấy nước phục vụ vụ đông xuân.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam , từ khi vận hành các hồ thủy điện trên sông Đà đến nay, chỉ duy nhất năm 2019 là không có lũ về. Hệ quả, lưu lượng nước đổ về các hồ thủy điện rất thấp, tổng lượng nước thiếu hụt tại các hồ thủy điện trên hệ thống sông Hồng khoảng 8 tỷ m3. Hiện tại, nguồn nước tại hồ Hòa Bình chỉ đạt 54% dung tích hữu ích và tiếp tục giảm do phải cấp nước phục vụ cho nhà máy nước sông Đà. Dự kiến, sau 3 đợt xả nước, các hồ thủy điện sẽ tiến dần đến mực nước chết.
Trước những khó khăn này, để đảm bảo đủ nước cho sinh hoạt và cấp cho sản xuất nông nghiệp, ngay từ tháng 10/2019, EVN đã hạn chế vận hành các nhà máy thủy điện, huy động các nguồn năng lượng khác có giá thành cao như nhiệt điện chạy dầu (giá thành 5.000 đồng/kWh) duy trì đủ nguồn cho hệ thống điện và tích nước hồ chứa thủy điện.
Các địa phương cần chủ động lấy nước để phục vụ vụ Đông Xuân 2019-2020 - ảnh 2
 Hồ thủy điện Hòa Bình chỉ tích được 50% lượng nước.
Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho biết, năm nay, việc lấy nước ở khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ đặc biệt sẽ rất khó khăn do lượng nước dự trữ thiếu hụt lớn. Trong khi đó, do lòng sông Hồng bị hạ thấp, dù các hồ chứa thủy điện xả tối đa công suất (3.300m3/giây) mực nước tại trạm thủy văn Hà Nội cũng không thể đạt mức 2,2m.
Theo tính toán sơ bộ, mỗi m3 nước xả xuống hạ du sẽ gây thiệt hại 330 đồng, mỗi ngày xả 300 triệu m3, EVN thiệt hại khoảng 100 tỷ đồng. Nhưng quan trọng hơn, chúng ta sẽ mất đi nguồn nước rất lớn phục vụ phát điện vào các tháng mùa khô sắp tới. Đồng thời, nếu không sử dụng nước tiết kiệm, đến cuối tháng 2, đầu tháng 3 các hồ chứa không còn nước tưới cho cây lúa phát triển, làm đồng.
Để việc lấy nước đạt hiệu quả cao, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan, chỉ đạo Sở NN&PTNT, Công ty Khai thác công trình thủy lợi và các cơ quan, đơn vị chức năng, tổ chức lấy nước sớm, chủ động trữ nước vào các vùng trũng và hệ thống kênh mương, thực hiện nạo vét các cửa lấy nước và hệ thống kênh, rạch, lắp đặt trạm bơm dã chiến và tăng cường vận hành, tập trung đưa nước vào đồng ruộng.
Các địa phương cần chủ động lấy nước để phục vụ vụ Đông Xuân 2019-2020 - ảnh 3
 Công ty điện lực Bắc Ninh kiểm tra thiết bị tại trạm bơm đầu mối Từ Sơn.
Các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền đến mọi người dân, nâng cao nhận thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; tuyệt đối không phát sinh yêu cầu xả nước từ các hồ chứa thủy điện ngoài 3 đợt lấy nước theo lịch. Ngoài ra, cần tranh thủ các kỳ triều cường và các nguồn nước sẵn có khác, tận dụng cấp nước khi điều kiện cho phép.
EVN đã chỉ đạo Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) lập kế hoạch chi tiết về vận hành các hồ chứa thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà phục vụ 3 đợt lấy nước tập trung; thực hiện điều tiết nước các hồ thủy điện và vận hành hệ thống điện hợp lý, đáp ứng nhu cầu nước và đảm bảo kế hoạch phát điện. Ngoài ra, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện miền Bắc (A1) phải phối hợp với các công ty điện lực đảm bảo điện cho các trạm bơm nước suốt thời gian lấy nước tập trung, nhằm đưa nước về đồng ruộng một cách hiệu quả.