Các địa phương chuẩn bị nhiều phương án khai giảng theo diễn biến của dịch Covid-19
Do dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, lãnh đạongành giáo dục một số địa phương cho biết cho biết phải chuẩn bị nhiều phương án cho lễ khai giảng năm học, sẽ áp dụng tùy theo diễn biến của dịch.
Khoảng 10 ngày tới, cả nước sẽ bắt đầu tựu trường, khai giảng năm học mới. Tuy nhiên, kế hoạch chuẩn bị cụ thể đều phụ thuộc vào tình hình dịch Covid-19 tại địa phương.
Năm nay, mỗi địa phương có hình thức tổ chức khai giảng khác nhau do tình hình dịch bệnh Covid-19. Ảnh minh họa: Lê Quân.
Thầy trò dạy học ngay từ 5/9
Ngày tựu trường, khai giảng gần kề trong khi Quảng Nam còn 4 huyện đang thực hiện giãn cách xã hội. Ưu tiên hàng đầu của ngành giáo dục là đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh, giáo viên và cộng đồng.
Chia sẻ với Zing, ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết ngày 22/8 diễn ra buổi họp trực tuyến với các hiệu trưởng, phòng giáo dục để phổ biến công tác tổ chức năm học mới. Dự kiến, với những huyện, thành phố không thực hiện giãn cách xã hội, kiểm soát dịch tốt, Sở quyết định cho học sinh đến trường, dạy và học trực tiếp ngay trong ngày 5/9.
Tiết học đầu tiên học sinh sẽ gặp giáo viên chủ nhiệm. Giáo viên ổn định nề nếp, thông báo chào mừng năm học mới tạo không khí vui tươi trong ngày đầu các em trở lại trường.
"Quảng Nam không tổ chức khai giảng trong ngày 5/9 vì đây là hoạt động tập trung đông học sinh. Lễ khai giảng có thể lùi lại, tổ chức sau một, hai tuần nếu dịch được kiểm soát. Tương tự như những năm về trước, học sinh đi học từ giữa tháng 8 nhưng đến 5/9 mới khai giảng. Nếu hết tháng 9 dịch bệnh vẫn phức tạp, rất có thể lễ khai giảng sẽ không được tổ chức", ông Quốc cho biết.
Đối với 4 huyện đang thực hiện giãn cách xã hội (Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên và Thăng Bình), các phòng chuyên môn xây dựng chương trình học trực tuyến trong 2 tuần đầu. Ngày 5/9, các huyện này sẽ triển khai dạy học online.
"Dù online hay trực tuyến, tôi đặc biệt lưu ý các trường tổ chức giới thiệu, tạo không khí phấn khởi, động viên học sinh đầu cấp. Đến với trường mới, các em còn bỡ ngỡ nên cần lưu ý hơn. Ngày 5/9 không khai giảng hoành tráng. Qua hoạt động trên lớp hay trực tuyến tạo sự vui tươi, chào mừng năm học mới", ông Quốc nói.
Trong khi đó, ngành giáo dục Đà Nẵng cho biết phải đến sát ngày khai trường, địa phương mới có thể chốt phương án tổ chức do dịch bệnh vẫn còn phức tạp.
Thay vì tổ chức khai giảng hoành tráng, ngày đầu năm học mới tại Quảng Nam được bắt đầu bằng các hoạt động trong lớp. Ảnh minh họa: Liêu Lãm.
Chuẩn bị 2 phương án khai giảng
Không là tâm dịch, nhưng Quảng Trị hiện có 7 ca mắc Covid-19, hơn 1.000 trường hợp F1 và hơn 2.000 F2.
Bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị cho biết, ngành giáo dục địa phương đã chuẩn bị 2 phương án cho ngày khai giảng. Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, lãnh đạo Sở đã tham mưu với UBND tỉnh và hướng dẫn các đơn vị, trường học trên địa bàn thực hiện.
Theo đó, nếu trước ngày 5/9 dịch Covid-19 được khống chế hoàn toàn tại Quảng Trị, lễ khai giảng sẽ diễn ra trực tiếp như mọi năm nhưng gọn nhẹ. Nếu dịch vẫn chưa được khống chế, trên cơ sở ý kiến của Sở Y tế, những vùng an toàn sẽ khai giảng trực tiếp, vùng có dịch thực hiện trực tuyến. Riêng bậc mầm non, lớp 1 có thể cho lùi ngày tựu trường và lùi thời gian học.
Là địa phương không có dịch, nhưng ngành giáo dục Bình Thuận chuẩn bị phương án cho nhiều tình huống khác nhau. Nếu có dịch, địa phương có thể tổ chức khai giảng trực tuyến hoặc hạn chế số người tham dự.
"Chúng tôi tham mưu phương án tổ chức tựu trường, khai giảng với UBND tỉnh. Đến thời điểm này, Bình Thuận chưa có ca nhiễm mới nên dự định vẫn tổ chức như mọi năm. Riêng lễ khai giảng rơi vào ngày thứ 7, học sinh chỉ thực hiện lễ, chưa bắt đầu học", ông Phan Đoàn Thái, Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Định cho biết.
Nhưng theo ông Thái, điều băn khoăn nhất không phải là vấn đề tổ chức lễ khai giảng hay không mà là việc tổ chức dạy và học sau đó. Nếu chẳng may dịch bệnh tái phát, các trường phải dạy online. Tuy nhiên, với giáo viên và học sinh lớp 1, đây là vấn đề rất khó khăn. "Năm nay lớp 1 bắt đầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, có nhiều điều bỡ ngỡ. Giáo viên dạy online chưa hình dung được sẽ như thế nào", ông Thái dẫn chứng.
Trong khi đó, đại diện sở GD&ĐT Hà Nam cho biết đơn vị đang chờ các phương án chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về việc tổ chức ngày tựu trường, khai giảng năm học mới. "Dịch bệnh thay đổi từng ngày, từng giờ, địa phương phải theo dõi sát sao. Gần ngày khai giảng chúng tôi mới quyết định được cách thức tổ chức như thế nào", đại diện Sở GD&ĐT Hà Nam chia sẻ.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết: Với các địa phương đang có dịch, ngày khai giảng vẫn phải đảm bảo quy định giãn cách xã hội. Căn cứ vào tình hình thực tiễn, mỗi địa phương quyết định cho học sinh đến trường khai giảng hoặc có thể lùi lại. Nếu các cơ sở giáo dục không đảm bảo điều kiện giãn cách, học sinh không được đến trường. "Các trường có thể linh hoạt, sử dụng hình thức trực tuyến để học sinh vẫn có thể theo dõi lễ khai giảng, nghe được thư chúc mừng của Chủ tịch nước, thông điệp của hiệu trưởng và các hoạt động giao lưu. Như thế các em vẫn được hòa chung không khí với cả nước và có lễ khai giảng ý nghĩa", ông Thành nói. Đối với vùng không có dịch, các trường vẫn phải chuẩn bị kỹ lưỡng những điều kiện an toàn để đón học sinh đến trường. "Nếu có điều kiện sân rộng, các trường có thể cho học sinh xuống sân dự khai giảng. Ngược lại, chúng ta có thể cho các em ngồi tại lớp. Một số học sinh (ưu tiên đầu cấp) được xuống sân tham gia trực tiếp", vụ trưởng lưu ý. |
Hữu Cầm (t/h)