Các FTA đóng góp bao nhiêu trong 786 tỷ USD tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024?

Trang Mai 17:01 | 25/02/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã mở ra nhiều cơ hội để Việt Nam tăng trưởng, đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài.

‏‏Các FTA chiếm 73% tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024

‏Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố, năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt 786,29 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,3%, nhập khẩu tăng 16,7%. Xuất siêu đạt mức kỷ lục 24,77 tỷ USD.‏

‏Lý giải về kết quả tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt tốc độ hơn 15% so với cùng kỳ, Bộ Công thương cho rằng, doanh nghiệp đã tận dụng tốt cơ hội từ các FTA.‏

‏Thực hiện có hiệu quả các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới đã tạo ra cơ hội mở rộng, đa dạng hóa thị trường với mức ưu đãi cao, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, mạng lưới sản xuất toàn cầu. Đồng thời, góp phần tích cực vào quá trình đổi mới đồng bộ và toàn diện, khơi dậy tiềm năng của đất nước và sức sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao trình độ phát triển, giảm dần tỷ trọng gia công lắp ráp của nền kinh tế.‏

‏Bên cạnh đó, các FTA thế hệ mới góp phần quan trọng tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thu hút được nhiều tập đoàn, nhà đầu tư lớn, có tiềm năng từ các nước trong khu vực và thế giới đầu tư vào Việt Nam, góp phần tích cực phát triển thương mại, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu.‏

 

‏Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là Hiệp định thương mại tự do được đàm phán từ tháng 3/2010. Hiệp định này chính thức có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14/1/2019.‏

‏Bộ Công Thương nhận định, sau 5 năm kể từ khi có hiệu lực vào tháng 1/2019, CPTPP đã đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy thương mại của Việt Nam với các thị trường khu vực Châu Mỹ, đặc biệt là các thị trường thành viên gồm: Canada, Mexico, Chile, và Peru (trong đó Canada, Mexico và Peru là các thị trường lần đầu tiên có quan hệ FTA với Việt Nam).‏

‏CIEM tính toán từ Tổng cục Hải quan, năm 2024, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam với thị trường CPTPP ước đạt 176,4 tỷ USD, tăng tới gần 85% so với năm 2023, chiếm 22,4% tỷ trọng trên tổng kim ngạch xuất nhập khẩu chung. Trong năm 2024, ước tính nhập siêu của Việt Nam với thị trường CPTPP lên tới 65 tỷ USD, chênh lệch đáng kể so với mức xuất siêu 4,7 tỷ USD trong năm trước.‏

‏Đối với khối thị trường châu Á, châu Phi, sau hơn 5 năm có hiệu lực, Hiệp định CPTPP đã giúp tăng trưởng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước khu vực châu Á thuộc CPTPP tăng đáng kể. CPTPP cũng là đòn bẩy đẩy hàng hoá Việt Nam ra các thị trường, trong đó một số thị trường khó tính như: Nhật Bản, Úc, New Zealand đã ngay lập tức cắt giảm thuế quan nhập khẩu với nhiều mặt hàng quan trọng như đồ gỗ, nông thuỷ sản. Điều này làm tăng quy mô thương mại giữa Việt Nam và các nước CPTPP cũng như góp phần quan trọng cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam.‏

‏Tuy nhiên, ‏‏theo số liệu từ Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), trong giai đoạn 2014 - 2024, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước CPTPP tăng từ 29,7 tỷ USD lên 55,8 tỷ USD, nhưng nhập khẩu tăng vọt từ 27,6 tỷ USD lên 120,9 tỷ USD. Điều này khiến mức nhập siêu từ CPTPP tăng mạnh từ 2,1 tỷ USD lên 65,1 tỷ USD. Sự chênh lệch này cho thấy Việt Nam vẫn chưa tận dụng hết tiềm năng mà CPTPP mang lại để gia tăng xuất khẩu, trong khi vẫn phải nhập khẩu nhiều hàng hóa có giá trị cao từ các đối tác như Nhật Bản…‏

‏RCEP là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới, bao gồm 15 nước thành viên: 10 nước ASEAN và 5 đối tác (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand). RCEP tạo ra một khu vực thương mại tự do với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số và 30% GDP toàn cầu, mở ra nhiều cơ hội và thách thức cho các nước tham gia, trong đó có Việt Nam.‏

‏Với việc tham gia RCEP, Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan mức cơ bản 0% đối với gần 90% hàng hóa giao dịch; quy tắc xuất xứ có giá trị trong toàn bộ khu vực địa lý RCEP; quy định mạnh mẽ hơn về thương mại dịch vụ và đầu tư nước ngoài xuyên biên giới; nhiều quy tắc mới về tạo thuận lợi cho thương mại điện tử.‏

‏Trong khối các nước RCEP, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất và cũng là thị trường nhập khẩu, nhập siêu lớn nhất của Việt Nam, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Hoa Kỳ. Số liệu từ Tổng cục Hải quan, ‏‏năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc đạt ‏‏205,2 tỷ USD‏‏. Đây là lần đầu tiên thương mại giữa hai nước cán mốc 200 tỷ USD‏‏.‏

‏Tuy nhiên, theo phân tích của CIEM, ‏‏RCEP có mức nhập siêu lớn nhất trong tất cả các FTA mà Việt Nam tham gia. Xuất khẩu của Việt Nam sang các nước RCEP tăng mạnh từ 60,2 tỷ USD năm 2014 lên 151,5 tỷ USD năm 2024, nhưng nhập khẩu cũng tăng nhanh từ 103,7 tỷ USD lên 276,8 tỷ USD. Điều này khiến mức nhập siêu từ khối này tăng từ 43,5 tỷ USD lên 125,3 tỷ USD trong cùng kỳ. ‏

‏RCEP bao gồm những đối tác thương mại lớn, là những quốc gia có thế mạnh về công nghệ, nguyên liệu đầu vào và sản phẩm công nghiệp, dẫn đến việc Việt Nam phải nhập khẩu nhiều hơn so với xuất khẩu. Đây là thách thức lớn đối với Việt Nam trong việc tối ưu hóa lợi ích từ hiệp định này để giảm nhập siêu, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn.‏

‏Xuất khẩu từ Việt Nam sang EU (EVFTA) duy trì xu hướng tăng trưởng tích cực trong giai đoạn 2020-2024. Tuy nhiên, tỷ trọng của thị trường này trong tổng kim ngạch 17 xuất khẩu vẫn ở mức khiêm tốn. Cụ thể, tỷ trọng xuất khẩu sang EU lần lượt đạt 12% năm 2020, giảm nhẹ xuống 11,5% năm 2021, sau đó phục hồi lên 12,5% năm 2022. Đáng chú ý, từ năm 2023, tỷ trọng xuất khẩu vào EU tiếp tục cải thiện, đạt 12,73% và tăng lên 13,19% vào năm 2024. Xu hướng này cho thấy tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang EU cao hơn mức tăng trưởng xuất khẩu chung, giúp thị trường này dần mở rộng vai trò trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam.‏

‏ Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này tăng từ 24,3 tỷ USD năm 2014 lên 51,8 tỷ USD vào năm 2024, trong khi nhập khẩu chỉ tăng từ 8,2 tỷ USD lên 16,6 tỷ USD. Nhờ đó, Việt Nam ghi nhận mức thặng dư thương mại ngày càng lớn với EU, từ 16,1 tỷ USD năm 2014 lên 35,2 tỷ USD năm 2024. Đây là minh chứng cho việc EVFTA đã giúp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng có lợi thế như dệt may, da giày và nông sản chế biến.‏

‏Trái ngược với EVFTA, thương mại với ASEAN lại có xu hướng nhập siêu kéo dài trong giai đoạn 2014 - 2024. Xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN tăng từ 19,1 tỷ USD năm 2014 lên 37,6 tỷ USD năm 2024, nhưng tốc độ tăng nhập khẩu còn nhanh hơn, từ 22,9 tỷ USD lên 47,1 tỷ USD. Điều này khiến mức nhập siêu từ ASEAN mở rộng từ 3,8 tỷ USD lên 9,5 tỷ USD. Thực tế này phản ánh sự phụ thuộc của Việt Nam vào nguồn cung nguyên liệu, linh kiện và hàng hóa trung gian từ các nền kinh tế công nghiệp phát triển hơn trong ASEAN như Thái Lan, Malaysia và Singapore.‏

Xuất nhập khẩu của Việt Nam sang một số thị trường có FTA (‏Đơn vị: tỷ USD‏).‏Nguồn: CIEM tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan.‏‏

Phòng vệ thương mại “nóng” ngay từ đầu năm 2025‏

‏Dẫn thông tin từ RASFF, Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, tổng cảnh báo của EU theo mối nguy đối với nông sản, thực phẩm toàn cầu trong năm 2024 và 2 tháng đầu năm 2025 lần lượt là 5.268 và 624.‏

‏Đáng chú ý, trong 8 cảnh báo về thực phẩm mới trong 2 tháng đầu năm 2025 của EU, có 4 cảnh báo liên quan đến sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, chiếm 50%.‏

‏Theo Bộ Công Thương, ‏‏Việt Nam không phải là đối tượng chính của EU trong các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại; tuy nhiên, nguy cơ khởi xướng điều tra các vụ việc vẫn hiện hữu. Đặc biệt, năm 2024 ghi nhận số lượng các vụ điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh, với tổng cộng 26 vụ việc, tập trung vào các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ và điều tra chống lẩn tránh. Tính đến nay, Việt Nam đã đối mặt với tổng cộng 272 vụ điều tra từ 25 thị trường và vùng lãnh thổ, bao gồm 149 vụ chống bán phá giá, 54 vụ tự vệ, 39 vụ chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và 30 vụ chống trợ cấp. ‏

‏Nguyên nhân chính dẫn đến xu hướng này xuất phát từ sự mở rộng nhanh chóng của xuất khẩu Việt Nam, khiến nhiều quốc gia nhập khẩu áp dụng các biện pháp bảo hộ để bảo vệ sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, xu hướng gia tăng chủ nghĩa bảo hộ thương mại trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu cũng góp phần làm gia tăng các rào cản thương mại đối với hàng hóa Việt Nam. Ngoài ra, một số doanh nghiệp Việt Nam có thể bị nghi ngờ về việc lẩn tránh thuế quan hoặc vi phạm quy tắc xuất xứ, dẫn đến việc các nước tăng cường điều tra và áp dụng biện pháp chống lẩn tránh. ‏

‏Việc bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam, từ việc gia tăng chi phí tuân thủ, đối mặt với nguy cơ mất thị trường xuất khẩu, đến ảnh hưởng tiêu cực đến dòng vốn FDI vào Việt Nam. Nếu không có chiến lược ứng phó hiệu quả, các ngành hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, thủy sản, và nông sản có thể bị ảnh hưởng nặng nề. Để giảm thiểu tác động tiêu cực, doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về các quy định phòng vệ thương mại, tuân thủ chặt chẽ quy tắc xuất xứ, đồng thời tăng cường hợp tác với các cơ quan chức năng để bảo vệ lợi ích chính đáng. ‏

‏Bên cạnh đó, việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm cũng là những giải pháp quan trọng nhằm giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống và duy trì sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng.‏

‏Trao đổi với phóng viên DNVN, ‏ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM chia sẻ: “Rõ ràng là Việt Nam phải đề ra nhiều kịch bản để ứng phó. Từ chính sách đến nỗ lực của doanh nghiệp đều phải coi trọng câu chuyện đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu để giảm thiểu rủi ro. Để làm được điều này, doanh nghiệp phải tự thay đổi, nhất là chất lượng sản phẩm. Có thể các sản phẩm bây giờ (chất lượng - PV) đã cao rồi, nhưng cũng có thể cung cấp các sản phẩm với mục đích khác nhau cao và có chất lượng cao hơn nữa.

 ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM. Ảnh: Mai Trang.

‏Đồng thời, doanh nghiệp cũng phải chủ động nhìn nhận vấn đề cạnh tranh về giá và cạnh tranh về chất lượng. Đặt trong bối cảnh nhiều nước áp dụng thuế quan, cạnh tranh về giá sẽ mất dần vai trò, và cạnh tranh về chất lượng sẽ lên ngôi. Khi đã có chất lượng đặc thù, ở vào một phân khúc riêng mà người tiêu dùng của nhiều thị trường, trong đó có EU chấp nhận, thì các rủi ro về thuế quan cũng sẽ không ảnh hưởng đến cạnh tranh về giá”.‏

‏“Trong bối cảnh hiện nay, chưa ai biết bối cảnh sắp tới sẽ như thế nào, cho nên đa dạng hóa sẽ là một yếu tố rất quan trọng để doanh nghiệp thích nghi được. Điều này không chỉ đúng với doanh nghiệp nước ngoài mà cả doanh nghiệp Việt Nam cũng nên cân nhắc. Mình nên đa dạng hóa địa điểm đầu tư ở trong nước để có thể có tiếp cận được những mô hình, những điểm có lợi trong cạnh tranh. Bên cạnh đó, cũng phải đa dạng hóa sản phẩm để bảo đảm kết nối được với nhiều chuỗi giá trị của nhóm mặt hàng khác nhau”, ông Anh Dương nhấn mạnh. ‏