Các làng nghề ở Hà Nội đạt doanh thu 22.000 tỷ đồng/năm

09:54 | 02/10/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Hà Nội là nơi có nhiều làng nghề truyền thống nhất cả nước và cũng là nơi có nhiều nghệ nhân tài hoa. Toàn thành phố với khoảng 1.350 làng nghề, trung bình mỗi năm, tổng doanh thu đạt 22.000 tỷ đồng.
Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới đã ảnh hưởng không nhỏ tới các làng nghề truyền thống Việt Nam. Trước tình hình đó, các làng nghề truyền thống Hà Nội ngoài việc nâng cao nhận thức về vai trò thương mại điện tử, nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình đã tích cực đổi mới mẫu mã, chất lượng sản phẩm để tăng tính cạnh tranh.
 
Các làng nghề ở Hà Nội đạt doanh thu 22.000 tỷ đồng/năm - ảnh 1
Trung bình mỗi năm, tổng doanh thu của các làng nghề đạt khoảng 22.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa
 
Hà Nội là nơi có nhiều làng nghề truyền thống nhất cả nước và cũng là nơi có nhiều nghệ nhân tài hoa. Trong số khoảng 5400 làng nghề ở Việt Nam, thành phố Hà Nội chiếm 1/3 với khoảng 1350 làng nghề. Sản phẩm của các làng nghề Hà Nội phong phú, đa dạng, tinh xảo, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong và ngoài nước.

Trong số này có: 11 làng nghề sơn mài, khảm trai; 20 làng làm nghề nón, mũ lá; 83 làng làm nghề mây tre, giang đan; 20 làng làm nghề chế biến lâm sản; 29 làng làm nghề thêu ren; 25 làng làm nghề dệt may; 9 làng làm nghề da giầy, khâu bóng; 13 làng làm nghề cơ kim khí; 15 làng làm nghề chạm điêu khắc; 5 làng làm nghề đan tơ lưới; 51 làng làm nghề chế biến nông sản thực phẩm; 5 làng làm nghề cây sinh vật cảnh và 11 làng thuộc ngành nghề khác (gốm sứ, làm đàn, dát quỳ vàng bạc...);...
 
Các làng nghề ở Hà Nội đạt doanh thu 22.000 tỷ đồng/năm - ảnh 2
Các sản phẩm của làng nghề mẫu mã đẹp, chất lượng tốt và có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường không chỉ trong và ngoài nước. Ảnh minh họa

Các làng nghề đã tạo việc làm cho hàng triệu lao động nông thôn, đặc biệt là thu hút lao động nhàn rỗi, lao động nghèo, quá tuổi tại địa phương vào làm việc. Ước tính, trung bình mỗi năm, tổng doanh thu của các làng nghề đạt khoảng 22.000 tỷ đồng.

Các sản phẩm của làng nghề đa dạng nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt và có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường không chỉ trong và ngoài nước, bao gồm: Sản phẩm may mặc; sản phẩm gốm sứ; sản phẩm dệt và thêu ren truyền thống; đồ gỗ phục vụ tiêu dùng và xây dựng; sản phẩm cơ khí; chế biến nông sản thực phẩm (bánh, bún, kẹo, giò chả, bánh chưng, chè...).
 
Các làng nghề ở Hà Nội đạt doanh thu 22.000 tỷ đồng/năm - ảnh 3
Hà Nội là nơi có nhiều làng nghề truyền thống nhất cả nước và cũng là nơi có nhiều nghệ nhân tài hoa. Ảnh minh họa

Hiện Hoài Đức là huyện có nhiều làng nghề có doanh thu cao trên địa bàn thành phố, như: Làng nghề điêu khắc mỹ nghệ xã Sơn Đồng đạt 2.850 tỷ đồng/năm; làng nghề bánh kẹo, dệt kim xã La Phù đạt 1.301 tỷ đồng/năm; làng nghề chế biến nông sản thực phẩm xã Minh Khai đạt 1.061 tỷ đồng/năm; làng nghề chế biến nông sản, thực phẩm xã Dương Liễu đạt 1.600 tỷ đồng/năm.

Bên cạnh đó, một số làng nghề tại các huyện khác cũng có doanh thu cao như: Làng nghề cơ khí nông cụ xã Phùng Xá (huyện Thạch Thất) doanh thu đạt 1.209 tỷ đồng/năm; làng nghề đồ mộc, may xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất) đạt gần 1.000 tỷ đồng/năm; làng nghề miến dong, bánh đa xã Hữu Hòa (huyện Thanh Trì) đạt 500 tỷ đồng/năm…
 
Hải Yến