Các tỉnh, thành phía Nam cố gắng kiểm soát dịch bệnh trong tháng 9

16:50 | 10/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chính phủ vừa đặt mục tiêu kiềm tỏa dịch COVID-19 cho các địa phương. Đây là một nội dung quan trọng trong Nghị quyết 86 về thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh vừa được Thủ tướng ký ban hành.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu địa phương chủ động quyết định và chỉ đạo cấp dưới áp dụng nghiêm các giải pháp theo quy định tương ứng với mức độ nguy cơ theo tinh thần Chỉ thị 15, Chỉ thị 16, Chỉ thị 19 của Thủ tướng. Dựa trên tình hình thực tế có thể áp dụng sớm hơn nhưng không thể chậm hơn  thấp hơn quy định tại các văn bản nêu trên.

Các tỉnh thành đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16 phải đảm bảo chặt chẽ, thực chất, "tuyệt đối không để xảy ra tình trạng giãn cách xã hội hình thức hoặc chặt ngoài, lỏng trong".

Các địa phương thực hiện giãn cách 14 ngày phải xác định và bảo vệ được "vùng xanh" (vùng an toàn). Xây dựng lộ trình, có biện pháp để giảm cấp độ nguy cơ dịch bệnh tại các vùng vàng (nguy cơ), vùng cam (nguy cơ cao). Khóa chặt và thu hẹp vùng đỏ (nguy cơ cao). Chính phủ đề nghị  phải kiểm soát được dịch bệnh trên địa bàn, cô lập vùng đỏ ở phạm vi hẹp nhất trong 28 ngày. 

Các tỉnh, thành phía Nam cố gắng kiểm soát dịch bệnh trong tháng 9 - ảnh 1

Chính phủ nhận định cuộc chiến với dịch bệnh còn dài. Ảnh: Trang tin điện tử Đảng bộ TP.HCM

Mỗi địa phương cần có kế hoạch về phương án đảm bảo lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân.

Trong thời gian giãn cách dứt khoát không để người dân tự phát rời khỏi địa bàn đang có dịch, làm lây lan sang các địa bàn, địa phương khác. Sẽ xử lý nghiêm các vi phạm, kể cả khung hình sự với mọi hành vi không tuân thủ, cản trở, chống đối mọi quy định và biện pháp phòng, chống dịch của cơ quan có thẩm quyền.

Đối với TP.HCM, Chính phủ muốn thành phố phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước 15/9; các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai trước 1/9. Các địa phương còn lại có thời hạn trước ngày 25/8. 

Liên quan đến công tác y tế, Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế cập nhật giải pháp tiến bộ trong phòng, chống dịch để kịp thời ban hành hoặc đề xuất ban hành quy định điều chỉnh, hướng dẫn trên nguyên tắc phải rõ ràng, dễ hiểu, dễ làm, dễ kiểm tra và giám sát dựa trên diễn biến dịch đang diễn ra trên thế giới. 

Về xét nghiệm, Bộ Y tế cần có hướng dẫn, tập huấn kịp thời, hiệu quả. Tổ chức mua sắm vật dụng cần thiết trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả. 

Các địa phương cần tổ chức xét nghiệm thần tốc nhằm phát hiện, sàng lọc F0. Qua đó phục vụ truy vết, phân loại, điều trị. Những nơi mức độ lây lan rộng và sâu như TP.HCM và một số tỉnh lân cận, cần đồng bộ xét nghiệm, chăm sóc, điều trị; giảm tỷ lệ bệnh nặng, tử vong.

Các bộ liên quan đẩy mạnh ngoại giao vaccine bằng mọi biện pháp; thúc đẩy viện trợ, mua, nhập vaccine, đáp ứng yêu cầu tiêm nhanh, nhiều nhất, sớm đạt miễn dịch cộng đồng.

Bộ Y tế tổ chức phân bổ vaccine, ưu tiên địa phương phát hiện nhiều người nhiễm bệnh và tử vong; dịch bệnh phức tạp, lây lan nhanh; đô thị lớn, đông dân; tập trung nhiều khu công nghiệp.

Chính phủ chỉ đạo các cán bộ Bộ ngành, cơ quan cần đẩy mạnh triển khai ngoại giao vaccine bằng mọi biện pháp; đẩy mạnh mang vaccine để đáp ứng công tác tiêm chủng nhanh, nhiều nhất, sớm đạt miễn dịch cộng đồng.

Đặc biệt, doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức được khuyến khích chủ động tìm kiếm nguồn và mua vaccine, thuốc điều trị COVID-19. Bộ Y tế chịu trách nhiệm trong khâu kiểm định, cấp phép, bảo quản và chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức chiến dịch tiêm vaccine miễn phí cho người dân.

Ngoài ra, Chính phủ cũng ban hành những cơ chế linh hoạt trong việc đăng ký, lưu hành các loại thuốc và vaccine phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh như ủy quyền cho chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định việc mua sắm phục vụ yêu cầu phòng, chống dịch trong trường hợp đặc biệt và báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện... 

Tránh làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của Việt Nam đề nghị các địa phương tiếp tục  duy trì hoạt động sản xuất nhưng cần bảo đảm cao nhất yêu cầu về phòng, chống dịch. 

Tạo mọi điều kiện cho quá trình vận chuyển, lưu thông hàng hóa, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất bảo đảm an toàn, liên thông, thống nhất, thông suốt giữa các địa phương. Kiểm soát chặt chẽ tại điểm đầu và điểm cuối trong chuỗi cung ứng, lưu thông, vận chuyển hàng hóa bằng nhiều biện pháp. 

Về các chính sách hỗ trợ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì triển khai Nghị quyết 68 của Chính phủ cho các đối tượng người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch, không bỏ sót đối tượng cần cứu trợ, không để ai bị thiếu ăn, thiếu mặc. Chính phủ nhấn mạnh việc tinh giảm tối đa thủ tục hành chính để gói cứu trợ kịp thời đến tay người dân. 

Trong khi triển khai cần rà soát, cập nhật, không bỏ sót đối tượng cần cứu trợ, không để ai bị thiếu đói. Bám sát thực tiễn để mở rộng hoặc đưa ra điều chỉnh phù hợp. 

Để đồng hành cùng nhân dân và có kinh phí chống dịch, Chính phủ tiến hành cắt giảm tối thiểu 50% chi phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, ngành địa phương. Tiếp tục tiết kiệm thêm 10% kinh phí chi thường xuyên khác trong suốt quãng thời gian còn lại của năm 2021. 

Ngân sách chống dịch cũng sẽ được thu hồi từ các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai, tập trung kinh phí cho tình hình hiện tại. 

Cuối cùng, Chính phủ chỉ đạo cần thông tin truyền thông kịp thời cho người dân về tình hình dịch bệnh, ứng dụng hiệu quả các nền tảng công nghệ đã được triển khai. Bộ Thông tin và truyền thông phối hợp với Bộ Y tế và , Ban Tuyên giáo Trung ương nêu gương kịp thời, xử lý và đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, kích động, sai sự thật về phòng, chống dịch bệnh COVID-19. 

H.S

Xem thêm: Kiến nghị Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xây dựng