Cách mạng số: Doanh nghiệp lựa chọn thái độ con cáo hay con nhím?

13:09 | 29/11/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Doanh nghiệp lựa chọn thái độ là con cáo hay con nhím trong sự thay đổi dồn dập và rất cơ bản của cuộc cách mạng số là một trong những nội dung thú vị được ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) chia sẻ trước câu hỏi doanh nghiệp cần làm gì để tránh rủi ro pháp lý.

Đứng đầu Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) - một Trung tâm bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và là tổ chức trọng tài có uy tín của Việt Nam, được cộng đồng doanh nghiệp trong, ngoài nước tín nhiệm, lựa chọn để giải quyết tranh chấp - ông Trần Hữu Huỳnh đã chia sẻ về những điều cần thiết để doanh nghiệp phòng, tránh được rủi ro pháp lý trong kinh doanh, trước sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Cách mạng số: Doanh nghiệp lựa chọn thái độ con cáo hay con nhím? - ảnh 1
Ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC). (Ảnh: DNVN/Minh Hoa).
 Thưa ông, tại Hội thảo "Kiểm soát rủi ro pháp lý trong kinh doanh" vừa qua, trước đại diện của cộng đồng doanh nghiệp, ông đã nhấn mạnh đến những rủi ro pháp lý từ những vấn đề tưởng như rất đơn giản mà doanh nghiệp nếu chủ quan, sẽ phải đối mặt với nhiều hậu quả khôn lường. Vậy xin ông cho biết đâu là những vấn đề “nóng” liên quan đến rủi ro pháp lý liên quan đến vấn đề giao kết và hợp đồng mà doanh nghiệp đang phải đối mặt hiện nay?

Ông Trần Hữu Huỳnh: Doanh nghiệp hoạt động trên thương trường hiện gặp rất nhiều dạng rủi ro trong vấn đề giao kết và thực hiện hợp đồng. Ba nhóm rủi ro có thể kể đến như:

Thứ nhất là môi trường kinh doanh, bao gồm môi trường pháp luật kinh doanh và môi trường mang tính thuần túy thương mại. Trong môi trường pháp luật kinh doanh, ta phải nhìn từ hai phía. Đó là vấn đề chuyển đổi pháp luật từ một nền kinh tế kế hoạch hóa trước đây sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cùng với đó, chuyển đổi từ nền kinh tế khép kín sang nền kinh tế mở cửa và hội nhập. Cả hai đều đòi hỏi cải cách pháp luật rất toàn diện và sâu sắc, tăng cường yếu tố đổi mới, hội nhập, nhất là pháp luật thương mại quốc tế để vận dụng vào cho phù hợp.

Thứ hai là tác động của rủi ro trong môi trường kinh doanh tới vấn đề giao kết và thực hiện hợp đồng. Các hợp đồng này hết sức đa dạng, không chỉ trong nước và quốc tế, cũng không đơn giản chỉ là mua bán hàng hóa mà còn bao gồm cả hợp đồng thương mại, đầu tư, hợp đồng gắn với sở hữu trí tuệ. Chuẩn mực của hợp đồng, vì thế, phải theo chuẩn mực về hoạt động thương mại của WTO - vừa có yếu tố nước ngoài, yếu tố đổi mới.

Thứ ba là tác động rủi ro từ nhiều chiều, nhiều yếu tố như biến động khí hậu, yếu tố về sự phát triển công nghệ, khoa học kỹ thuật. Nhiều ngành nghề sẽ mất đi, nhiều ngành nghề mới sẽ xuất hiện. Dưới tác động của nhiều yếu tố thì sự cạnh tranh sẽ gay gắt hơn, đòi hỏi doanh nghiệp phải thường xuyên đổi mới.

Trước những rủi ro tiềm ẩn đó, theo ông, tự thân doanh nghiệp phải làm gì để phòng tránh và bắt kịp với thời cơ của cuộc cách mạng 4.0?

Ông Trần Hữu Huỳnh: Những thay đổi về cách mạng kỹ thuật số toàn diện hiện nay không chỉ tạo thời cơ mà còn tạo ra thách thức vô cùng lớn tới tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, không chỉ thương mại mà còn là đạo đức, nhân sinh. Đây là vấn đề mang tính toàn cầu và doanh nghiệp không thể đứng ngoài, không thể a dua chạy theo bề nổi hay không nắm được bản chất. Doanh nghiệp cần lựa chọn cách hành xử để thích ứng và theo kịp xu thế thời đại.

Cách mạng số: Doanh nghiệp lựa chọn thái độ con cáo hay con nhím? - ảnh 2
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet 
Theo tôi, cách hành xử đó, trước hết phải là thái độ hành xử. Các chuyên gia nước ngoài đã đưa ra lời khuyên doanh nghiệp cần lựa chọn thái độ con cáo hay con nhím? Cụ thể là cần lựa chọn sự tinh ranh, cảnh giác của con cáo khi nhìn môi trường kinh doanh theo con mắt tự vệ, cảnh giác nhưng đồng thời cũng để phát triển. Con cáo sẽ nhanh chóng nhận biết, đánh hơi để đưa ra cách ứng xử. Nếu lựa chọn sự thủ cựu giống kiểu con nhím xù lông tự vệ,  con nhím sẽ bị bắt đi dễ dàng.

Tiếp đó, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ cần hành động theo cách đặt mình trong chuỗi giá trị. Đây không phải là lý thuyết. Cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa phải xác định mình trong giá trị chung để tìm một chỗ đứng, một dịch vụ thích hợp. Đôi khi, chỉ là một dịch vụ rất nhỏ thôi trong guồng quay nhưng có như vậy mới tồn tại được. Nếu không sẽ mất phương hướng. Cần xuôi theo dòng thác và lựa chọn cách bơi để tồn tại phát triển.

Cuối cùng, doanh nghiệp phải thay đổi cách quản trị. Không thể theo cách quản trị khép kín, gia đình chủ nghĩa như trước được. “Khiêu vũ và cùng chơi theo nhạc điệu” thì mới thích ứng được. Đó cũng là cách quản trị thích nghi để tìm ra nhân tố mới (nhân lực mới, nguồn vốn  mới, thông tin mới đáng tin cậy).

Theo tôi, điều hết sức quan trọng để doanh nghiệp tránh được rủi ro pháp lý là sự phối kết hợp hiệu quả giữa doanh nghiệp, hiệp hội và Nhà nước.

Bản thân doanh nghiệp khi tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh luôn nhìn ra thị trường. Họ không thể “mũ ni che tai”, không thể đứng ngoài sự hiểu biết về hiệp định thương mại, mở cửa thị trường. Việc đầu tiên là tự thân họ phải tìm hiểu.

Nhà nước có cho phép các doanh nghiệp được thành lập hội và các hội chuyên ngành thực sự phải là cánh tay nối dài cho các doanh nghiệp, tạo liên kết cho các doanh nghiệp. Hội phải giúp cộng đồng doanh nghiệp nắm và sử dụng được thông tin, chớp được cơ hộ thiết thực và sát sườn nhất.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần hỗ trợ thông tin cho hiệp hội để hiệp hội đào tạo cho cộng đồng doanh nghiệp của mình. Đó là những thông tin đã qua xử lý để tránh nhiễu.

Có vậy, doanh nghiệp mới có thể chống lại những rủi ro pháp lý một cách hiệu quả, chớp được cơ hội kinh doanh trong nền kinh tế số hiện nay.

Trân trọng cảm ơn ông!