Cải cách TTHC sẽ tạo cú huých để ngành chế biến thủy sản phát triển
(DNVN) - Tại Hội nghị Hiến kế cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính (TTHC) giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh sau dịch bệnh COVID-19, đại diện Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng: Việc cải cách TTHC sẽ tạo ra cú huých cho thị trường thủy sản phát triển.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP): Hiện ngành thuỷ sản Việt Nam với gần 700 nhà máy quy mô công nghiệp và hàng trăm cơ sở sản xuất (SX) gia đình quy mô nhỏ - gắn liền với sinh kế của hàng triệu nông-ngư dân trên toàn quốc, trong ít nhất 20 năm qua với nguồn lực nội tại của chính mình đã vươn lên TOP4 quốc gia sản xuất và cung ứng thực phẩm thuỷ sản hàng đầu trên thế giới với những mặt hàng “made in Việt Nam” có giá trị và uy tín cao như tôm, cá tra, cá ngừ; và là TOP10 ngành hàng mang lại kim ngạch xuất khẩu (XK) lớn hằng năm cho đất nước.
Ông Nam cho biết, dịch COVID-19 lan rộng toàn cầu trong 3 tháng qua, tác động mạnh tại các quốc gia là thị trường chính tiêu thụ thuỷ sản của Việt Nam, ảnh hưởng tiêu cực ngay tới các doanh nghiệp (DN) và nông-ngư dân trong chuỗi SX thuỷ sản của chúng ta.
Cụ thể, XK thủy sản của cả nước 4 tháng đầu năm 2020 đạt khoảng 2,23 tỷ USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2019. Chuỗi cung ứng nguyên liệu và cung ứng thành phẩm bị “đứt gãy”, dòng hàng và dòng tiền đều thiếu hụt hoặc ùn ứ/tồn kho trong bối cảnh DN phải gia tăng tối đa trách nhiệm xã hội với chuỗi và với người lao động khiến DN chịu nhiều khó khăn và các sức ép lớn trong đợt dịch COVID-19.
Về thị trường nhập khẩu, những thị trường lớn bị tác động giảm nhiều nhất gồm Trung Quốc (-11%), EU (-18%), Hàn Quốc (-8%) và ASEAN (- 10%). Còn về mặt hàng, XK cá tra giảm mạnh nhất trên -27%, mực-bạch tuộc giảm 20%, cá ngừ giảm 16% trong khi XK tôm chỉ còn tăng khoảng 2,9%
Bên cạnh đó, sau đại dịch COVID-19 ngành thủy sản bộc lộ rất nhiều khó khăn: Lao động cho các công ty chế biến XK thủy sản thiếu và ngày càng khó tuyển dụng; lượng tồn kho tăng và tình trạng thiếu hụt kho lạnh tiếp tục gia tăng. Qua đại dịch COVID-19, thấy rõ một điểm yếu của ngành nông-thuỷ sản là vấn đề bảo quản sau thu hoạch. Hàng loạt hàng hoá ách tắc tại cửa khẩu biên giới, không có hệ thống kho lạnh ngoại quan hỗ trợ XNK. DN cũng không đủ công suất kho lạnh để chứa hàng hoá và nguyên liệu. Các cơ chế-chính sách hiện có cho nhu cầu đầu tư kho bảo quản thủ tục còn phức tạp và kể cả phê duyệt thì lãi suất ưu đãi sau đó cũng chỉ thấp hơn lãi suất vay trung hạn thương mại một chút, không thúc đẩy DN đầu tư vào lĩnh vực này
Tuy nhiên, đại diện VASEP cho rằng, mặc dù có nhiều khó khăn nhưng với sự quan tâm của Chính phủ và các bộ ngành trong thời gian qua, ngành XK thuỷ sản đã vượt qua dịch COVID-19 và đang hướng tới phục hồi nhanh để phấn đấu cho mục tiêu kim ngạch XK năm nay không bị sụt giảm so với năm 2019 (8,6 tỷ USD).
Để đạt được mục tiêu đã đề ra, ông Nguyễn Hoài Nam cũng đề xuất các cơ chế, chính sách, TTHC với Chính phủ và các bộ.
Trong ngắn hạn, cần đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và các bộ ngành cho DN và người dân bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Điều này có ý nghĩa và tác động rất lớn tới sự ổn định và niềm tin của DN, người dân.
Chính phủ, Văn phòng Chính phủ và các bộ hỗ trợ cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh việc chỉ đạo, tuyên truyền và triển khai hỗ trợ tối đa cho người nuôi tôm và ngư dân khai thác biển để có thể thực hiện ngay từ tháng 5/2020 thả lại tôm, khai thác biển nhằm bắt kịp giai đoạn tháng 7-8/2020 khi thị trường thế giới phục hồi, tăng tiêu thụ cao trở lại trong khi một số nước cạnh tranh chưa quay lại sản xuất bình thường.
Ban hành và thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ để DN thu hút được nguồn lao động (hỗ trợ an sinh cho NLĐ qua các gói chính sách đã có của Chính phủ; các gói cho DN vay để trả lương cho người lao động…). Việc thiếu lao động đang là mối lo ngại đối với cộng đồng DN trong chuỗi sản xuất-tiêu thụ thủy sản.
Về hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh và tăng cường các dịch vụ công trực tuyến để giảm bớt các gánh nặng tuân thủ, tiết giảm thời gian, chi phí làm thủ tục cho DN và người dân. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ DN chuẩn bị điều kiện hạ tầng để đón nhận các dự án đầu tư mới chuyển dịch sang Việt Nam
Còn trong dài hạn, theo VASEP, Chính phủ và các bộ tạo điều kiện và hỗ trợ cho DN thủy sản thực hiện phát triển thị trường và nghiên cứu phát triển trong bối cảnh mới; hỗ trợ phát triển và tăng sức cạnh tranh cho ngành nuôi trồng thủy sản trong bối cảnh các nước trong khu vực đang có giá thành nuôi tốt hơn; thúc đẩy và hỗ trợ mạnh cho việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của ngành thuỷ sản; nghiên cứu và xây dựng chiến lược đầu tư cho thương mại nông-thuỷ sản khu vực biên giới để phát triển thị trường Trung Quốc bền vững hơn nữa. Kiến nghị nghiên cứu cách tổ chức các trung tâm phân phối hàng thuỷ sản ở phía Việt Nam cung cấp thường xuyên và ổn định cho nhu cầu ở các tỉnh giáp biên của Trung Quốc.