Cải thiện năng lực cung ứng cho ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam
Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, ngành công nghiệp chế tạo đang là lĩnh vực tạo sức hấp dẫn, thu hút lượng lớn nguồn vốn đầu tư nước ngoài, thể hiện ở vốn FDI vào ngành thường chiếm tỷ lệ cao nhất về số dự án và vốn đăng ký đặc biệt trong năm 2022.
Theo đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 14,96 tỷ USD, chiếm 54% tổng vốn đầu tư đăng ký và đã có 107 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam trong 11 tháng năm 2022. Trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, Nhật Bản đang đứng thứ hai với 4.690 dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký là 62,9 tỷ USD, chiếm 16% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong năm 2022.
Bà Lê Huyền Nga, Trưởng phòng Công nghiệp hỗ trợ - Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, để thu hút đầu tư vào công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ cung ứng các loại nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng đóng vai trò rất quan trọng. Nhận thấy vấn đề đó, Bộ Công Thương đã xây dựng cơ chế thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ với nhiều văn bản chính sách được ban hành. Từ năm 2015 đến nay, nhiều chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ được cụ thể hoá bằng các chương trình ưu đãi và hậu kiểm ưu đãi đối với các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Việc triển khai các chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ thời gian qua đã đạt được một số kết quả nhất định về phát triển năng lực doanh nghiệp trong nước, phát triển thị trường, kết nối giữa doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp FDI, tập đoàn lớn. Theo đó, doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước không chỉ dừng lại ở sản phẩm đơn giản, hàm lượng công nghệ thấp mà đã sản xuất được những cụm chi tiết có hàm lượng công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp sản xuất đầu cuối trong chuỗi cung ứng.
Tuy nhiên, theo bà Lê Huyền Nga, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ hiện nay còn thiếu các cơ chế đủ hữu hiệu để gắn kết giữa doanh nghiệp cung ứng và doanh nghiệp chế tạo; chưa có chính sách tận dụng năng lực sản xuất của các doanh nghiệp chế xuất (chủ yếu là doanh nghiệp FDI) để nâng cao giá trị gia tăng trong nước của sản phẩm chính và phát triển chuỗi cung ứng tại ngay chính thị trường nội địa. Chính sách thu hút đầu tư FDI vào các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cũng chưa đủ hấp dẫn để thu hút được những các nhà đầu tư lớn, có vai trò làm động lực lan tỏa cho cả ngành.
Theo đó, bà Nga cho biết, việc điều chỉnh chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ thời gian tới sẽ bổ sung thêm nhiều cơ chế ưu đãi, hỗ trợ hợp lý về tài chính, nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ, quản trị sản xuất... Đặc biệt, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam sẽ được hỗ trợ tín dụng dưới hình thức cấp bù lãi suất và hỗ trợ lãi vay với mức hỗ trợ 3%.
Song song đó, cần nghiên cứu xây dựng Luật nhằm thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm quốc gia, phát triển thị trường cho các sản phẩm công nghiệp bao gồm cả thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu
Một trong những rào cản phát triển của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam thời gian qua là quy mô nhỏ, thiếu nguồn lực tài chính để đầu tư, phát triển công nghệ. Do đó, cần có chính sách tín dụng hiệu quả hơn cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
Cùng quan điểm, Tiến sĩ Trương Chí Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam chia sẻ, năng lực kỹ thuật sản xuất của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam không kém, hoàn toàn có thể sản xuất được các linh kiện, phụ tùng cho các hãng ô tô nhưng chi phí sản xuất cao, không cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài cùng lĩnh vực.
Do đó, mấu chốt để các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển sản xuất, tham gia sâu hơn vào chuỗi liên kết với các nhà sản xuất thượng tầng là phải cắt giảm được chi phí sản xuất. Cụ thể, các doanh nghiệp cần được tiếp cận tín dụng tốt hơn thông qua hình thức vay ưu đãi, bảo lãnh không thế chấp... Song song đó là cải thiện khả năng tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất, các thủ tục xây dựng nhà máy.
Về mặt chiến lược, cần tăng quy mô doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ, hình thành cụm doanh nghiệp, hệ sinh thái để sản xuất cụm linh kiện hoàn chỉnh. Các cơ quan nhà nước cũng cần có hỗ trợ năng lực thương mại và kết nối doanh nghiệp nội địa với các doanh nghiệp nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia.
“Các chính sách khuyến khích công nghiệp hỗ trợ hiện nay đã khá đầy đủ, nhưng việc thực thi chưa thật sự hiệu quả. Muốn cải thiện năng lực, mức độ tham gia của doanh nghiệp Việt trong chuỗi cung ứng toàn cầu, trước hết cần thực thi các chính sách hiện có một cách hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tập trung vào sản xuất”, Tiến sĩ Trương Chí Bình chia sẻ.