Việt Nam là điểm đến thu hút nhất trong khối ASEAN về công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo

Trang Mai 14:35 | 16/11/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đây là nhận định của ông Matsumoto Izumi – Bí thư, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam trong Lễ khai mạc Triển lãm Quốc tế lần thứ 3 về Công nghiệp hỗ trợ và Chế biến chế tạo Việt Nam – VIMEXPO 2022, được tổ chức sáng 16/11 tại Hà Nội. Chương trình do Bộ Công Thương chỉ đạo, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Công nghiệp (IDC) chủ trì, phối hợp với Công ty Quảng cáo và Hội chợ Triển lãm C.I.S Việt Nam tổ chức.

Doanh nghiệp ngoại quan tâm đến ngành công nghiệp chế biến chế tạo tại Việt Nam

Theo Bộ Công Thương, nhiều năm qua, trong cơ cấu nhập khẩu của Việt Nam hiện nay, các mặt hàng nguyên liệu và các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chiếm tỷ trọng cao. Việc phụ thuộc lớn vào linh kiện và phụ tùng nhập khẩu đã làm cho giá trị gia tăng tạo ra trong nước của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thấp hơn so với các quốc gia trong khu vực.

Công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam chỉ đóng góp khoảng 16% GDP so với mức 26% của Thái Lan, 36% của Trung Quốc. Vì vậy, phát triển công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng trong quá trình tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, chuyển dịch cơ cấu, tăng tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP, nâng cao giá trị gia tăng trong nước và sức cạnh tranh của ngành công nghiệp.

Hội chợ Triển lãm là môi trường thuận lợi để giúp các doanh nghiệp trực tiếp kết nối, tìm kiếm các cơ hội hợp tác mới, tiếp cận đối tác, mở rộng thị trường, đầu tư sản xuất, kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

VIMEXPO 2022 với sự tham dự của hơn 200 doanh nghiệp với gần 300 gian hàng được trưng bày trên diện tích gần 5.000m2. Các doanh nghiệp tham dự sẽ giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu có lợi thế cạnh tranh của ngành công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực Sản xuất lắp ráp ô tô; Cơ khí chế tạo; Công nghiệp công nghệ cao; Điện tử… và các lĩnh vực liên quan khác. 

 Các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm quốc tế Vimexpo 2022. Ảnh: Mai Trang

Tại Lễ khai mạc VIMEXPO 2022, Ông Phạm Tuấn Anh – Phó Cục Trưởng Cục Công Nghiệp – Bộ Công Thương khẳng định: “Trong bối cảnh Chính phủ cùng với cộng đồng doanh nghiệp đang nỗ lực thúc đẩy phục hồi kinh tế trên cơ sở thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19, với định hướng “Kết nối để phát triển”, Triển lãm Quốc tế về Công nghiệp hỗ trợ và Chế biến chế tạo Việt Nam – VIMEXPO 2022 sẽ càng có ý nghĩa quan trọng trong việc phát huy vai trò là cầu nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia; tạo cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giữa các cơ quan, tổ chức, các hiệp hội, ngành hàng và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo, giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, công nghệ và cơ hội đầu tư; khẳng định sự quan tâm, ủng hộ của Chính phủ và nỗ lực của Bộ Công Thương đối với công cuộc phát triển công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến chế tạo Việt Nam.”

Ông Matsumoto Izumi – Bí thư, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam nhận định: “Việt Nam đang ngày càng được biết đến bởi ngành công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo. Đặc biệt trong bối cảnh thế giới cần đa dạng hóa chuỗi cung ứng do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp liên quan tới ngành chế biến chế tạo trên thế giới bao gồm cả doanh nghiệp Nhật Bản đang tập trung sự chú ý vào Việt Nam.

Khảo sát của JETRO và JBIC đối với các doanh nghiệp chế biến chế tạo Nhật Bản cho thấy, Việt Nam là điểm đến thu hút nhất trong khối ASEAN để nghiên cứu đầu tư mới cũng như mở rộng kinh doanh. Có thể nói công nghiệp hóa của Việt Nam đang có bước phát triển vượt bậc. Và điều không thể thiếu cho sản xuất ổn định và tăng trưởng của các ngành công nghiệp này là sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ.”

Trong bối cảnh kinh tế - chính trị toàn cầu nhiều biến động, ngành điện tử Việt Nam được nhận định có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, khi các FDI có xu hướng dịch chuyển vốn và công nghệ sản xuất sang các nền kinh tế mới nổi và ổn định như Việt Nam. Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội này, Việt Nam cần khắc phục các khó khăn từ cơ chế đến thiếu nguồn lực về lao động lành nghề; những rủi ro về biến đổi khí hậu, chiến tranh, khan hiếm nguyên liệu, dịch bệnh…

“Công nghiệp điện tử là ngành sản xuất vật chất mang tính cơ bản của nền kinh tế Việt Nam, có vị trí then chốt trong nền kinh tế và tác động lan tỏa mạnh mẽ đến các ngành công nghiệp khác. Ngành điện tử Việt Nam chiếm tỷ trọng 17,8% toàn ngành công nghiệp với số lượng lao động trên 1 triệu người.”- Ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định. 

Cải thiến công nghệ, chuyển đổi số là hướng đi sống còn

Chia sẻ với phóng viên, anh Phùng Việt Cường, đại diện Công ty cổ phần Thép đặc biệt Pro-Vision cho hay nhiều ngành công nghiệp tại Việt Nam hiện còn rất non trẻ. Chẳng hạn ngành thép đặc biệt, chế tạo khuôn mẫu và dịch vụ gia công, xử lý nhiệt, với rất ít doanh nghiệp tham gia.

"Các nước xuất khẩu khuôn mẫu vào Việt Nam rất nhiều, nhất là Trung Quốc bởi chúng ta chưa đánh thuế mặt hàng này. Trong khi nước bạn đánh thuế tới 16%", anh Cường thông tin.

Trong khi đó thời gian vừa qua, ngành thép là một trong những ngành bị ảnh hưởng lớn về giá cả nguyên liệu đầu vào nhưng giá bán gần như không tăng, thậm chí còn giảm xuống. Trong tình thế đó,  Thép đặc biệt Pro-Vision đã phải áp dụng hàng loạt biện pháp để giảm chi phí như: cải tiến công nghệ, đầu tư thiết bị, cắt các chi phí thừa, mua máy móc thiết bị nhanh hơn để làm ra hiệu quả hơn, anh Cường cho hay.

 Anh Phùng Việt Cường, đại diện Công ty cổ phần Thép đặc biệt Pro-Vision. Ảnh: Mai Trang 

Để tăng cường sức cạnh tranh và đáp ứng tiêu chuẩn thị trường, khi đại dịch Covid hoành hành cũng là lúc doanh nghiệp áp dụng chuyển đổi số. Tất cả từ thép đều được mã hóa, thống kê tự động 100%, các dây chuyền cũng được tự động. Từ đó tính toán, quản lý về thời gian, chi phí sao cho tối ưu hiệu quả hoạt động, và đến hiện tại đã có nhiều cải tiến khá tích cực. 

Nói về triển vọng ngành chế tạo khuôn mẫu, anh Cường nhấn mạnh: “Đây sẽ là một trong những ngành mũi nhọn của Việt Nam, vì người ta nói khuôn mẫu là mẹ đẻ của ngành công nghiệp. Mặc dù ngành vẫn còn non trẻ nhưng dần dần các doanh nghiệp cũng bắt đầu tiếp cận được, vì thời gian vận chuyển hàng nội địa sẽ chỉ mất 2-3 ngày để tới nơi, trong khi nhập khẩu có thể mất tới 10-14 ngày. Nếu được Nhà nước đầu tư và quan tâm hơn nữa thì triển vọng ngành sẽ càng sáng hơn trong tương lai”. 

Hiện nay nhiều doanh nghiệp lớn như Vinfast, Thaco, Trường Hải cũng đã bắt đầu nội địa hoá các sản phẩm khuôn mẫu, thậm chí lên tới 40%. Đây là dấu hiệu rất tốt cho ngành, anh Cường nói thêm.

Với chủ đề “Kết nối để phát triển”, trong suốt các ngày diễn ra triển lãm, hàng loạt các sự kiện hữu ích được tổ chức đồng thời như Hoạt động kết nối giao thương B2B giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo trong nước và quốc tế, chương trình hội thảo chuyên ngành với chủ đề “Thúc đẩy chuyển đổi số hướng tới mô hình sản xuất thông minh”. Ngoài ra, các chương trình biểu diễn giới thiệu sản phẩm mới, kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp tham dự chương trình và các doanh nghiệp quan tâm sẽ được diễn ra xuyên suốt.