Cam rụng kín vườn, người dân Hà Tĩnh đối mặt với nhiều khó khăn
Mưa lớn kéo dài đã khiến hàng nghìn ha cam của người dân tại Hà Tĩnh bị rụng hàng loạt. Sự việc khiến nhiều chủ vườn cam phải đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống và tái đầu tư sản xuất.
Mưa lớn kéo dài khiến cam bị tích nhiều nước, xuất hiện những chấm đen và rụng dần
Có mặt tại xã Thượng Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) nơi được xem là vựa cam nổi tiếng. Tại đây, phóng viên chứng kiến hàng trăm hộ dân trồng cam đang lo âu bởi hàng chục tấn cam cứ thế rơi rụng kín cả vườn.
Vườn cam ông Đặng Văn Việt (SN 1970) rộng 2ha với 1.000 cây cứ thế bị thối nước, rụng hơn 10 tấn trong một tuần. Để vớt vát, ông Việt tranh thủ hái những quả còn sót lại trên cây đem bán lẻ cho thương lái với giá 10.000-15.000 nghìn/cân, giảm hơn một nửa so với trước kia.
Theo tính toán của ông Việt, một ha cam nếu được mùa sẽ cho năng suất hơn 15 tấn mỗi vụ, sau khi trừ các chi phí như phân bón, nhân công thì chủ vườn sẽ thu về được gần 200 triệu đồng.
“Tính toán là vậy các chú ạ, nghĩ mùa cam này sẽ bội thu nhưng đâu ngờ thiên tai, thời tiết không ủng hộ. Mưa lớn kéo dài, cam úng nước rụng hết, không chỉ riêng tôi mà nhiều hộ dân khác cũng đang điêu đứng, lâm vào cảnh trắng tay”, ông Việt buồn rầu.
Cũng như ông Việt, vườn cam VietGAP của gia đình chị Võ Thị Loan (thôn Anh Hùng, xã Thượng Lộc) có diện tích lớn nhất nhì tại xã với hơn 1.500 gốc. Vụ cam năm nay, gia đình chị Loan ước tính thu hoạch 30 tấn cam nhưng qua đợt mưa kéo dài hơn một tuần vừa qua, vườn cam của chị đã rụng gần 10 tấn.
Chưa khi nào người dân phải chứng kiến cam rụng hàng loạt như thế này
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Huy Trung, Cán bộ nông thôn mới xã Thượng Lộc cho biết, trên địa bàn xã hiện trồng hơn 200ha cam; trong đó, khoảng 150 ha đã cho thu hoạch, chủ yếu là các giống cam chanh, cam giòn, cam đường, cam V2… Năng suất cam trung bình đạt từ 11 - 14 tấn/ha, ước tính năm nay cho thu hoạch khoảng 23.000 tấn cam. Tuy nhiên, thời gian qua do đợt mưa lớn kéo dài khiến cam bị tích nhiều nước, xuất hiện những chấm đen và rụng dần.
Không riêng xã Thượng Lộc, phóng viên có mặt tại huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh), tại đây, hàng trăm hộ dân trồng cam với diện tích 2.500ha cũng xảy ra tình trạng tương tự. Hàng chục tấn cam bị rơi rụng, tỷ lệ rụng tương đương 20% tổng số quả trên cây gây thiệt hại hàng tỷ đồng.
Ông Đặng Quốc Hoài (SN 1967, trú tại thôn 1, xã Quang Thọ, huyện Vũ Quang) chia sẻ, gia đình ông Hoài trồng gần 1.500 gốc cam VietGap trên diện tích hơn 3ha. Từ ngày 21/10, cả vườn cam bắt đầu hiện tượng rơi rụng. “Chỉ trong bốn ngày, cả vườn cam của gia đình tôi đã bị rụng hơn 3 tấn cam, chúng tôi bược phải phân loại những quả còn sử dụng được để đem đi bán rẻ, số còn lại phải đưa đi chôn lấp”, ông Hoài nói.
Cũng theo ông Hoài, quá trình theo dõi thời tiết thấy có dấu hiệu phức tạp nên đã lên phương án thoát nước cho vườn cam nhằm tránh ngập úng. Tuy nhiên, do mưa lớn kéo dài, gia đình ông đã tiến hành xử lý nhiều biện pháp nhưng không thành. “Hơn 15 năm kinh nghiệm trồng cam, tôi chưa khi nào phải chứng kiến cam rụng hàng loạt như vậy. Tất cả vống liếng của gia đình đều đầu tư vào đây gần đến ngày thu hoạch thì gặp phải tình trạng này. Cam rơi rụng gây thiệt hại cho gia đình tôi gần 100 triệu đồng”, ông Hoài cho biết.
Nhiều hộ dân đang điêu đứng, lâm vào cảnh trắng tay
Theo một chuyên gia lĩnh vực nông nghiệp chia sẻ, nguyên nhân gây cam rụng hàng loạt là do quanh phần rễ, lá các loại cây ăn quả thường tồn tại nấm phytophthora. Mưa lớn sẽ gây ngập úng, tạo điều kiện cho chủng nấm này phát tán nhanh và xâm nhập vào các vết thương của quả khiến quả bị thối và rụng.
Một nguyên nhân khác là, khi đất bị ngập sẽ dẫn đến thiếu oxy cung cấp cho rễ hô hấp, cộng với hiện tượng thừa nước, việc thoát nước không kịp của quả trong khi bộ rễ bị rối loạn nên quả dễ rụng.
Cam rụng người dân phải mang đi chôn lấp tránh gây ô nhiễm
“Để hạn chế tối đa thiệt hại, trước khi bước vào quy hoạch trồng cam người dân nên xây dựng hệ thống tưới tiêu nước để tiện cung cấp nước khi cây bị thiếu nước và cũng tiêu nước nhanh khi cây bị ngập úng vào mùa mưa. Người dân cũng nên tiến hành đào nhiều rãnh phụ sâu 20-30cm để cho nước mưa nhanh chóng chảy xuống mương hạn chế khả năng ngập úng cho vườn cam”, vị chuyên gia này nói.
Theo đó, đối với nấm bệnh hại rễ thì có thể ngừa bằng cách rải vôi hoặc quét vôi vùng thân gốc cây từ mặt đất lên 0,5- 2 mét. Đồng thời cần tỉa cành già cỗi, cành vượt tạo độ thông thoáng cho cây, thu gom và tiêu hủy những bộ phận bị bệnh để tránh lây lan, phun các loại thuốc hoặc dung dịch để phòng trừ nấm bệnh tấn công vườn.
Cẩm Kỳ - Vũ Hoàng
Xem thêm: Nhiều người dân trắng tay sau lũ