Cần cơ quan chức năng vào cuộc sau “hàng loạt” lùm xùm sao kê từ thiện

16:18 | 08/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
"Vừa qua dư luận nghi ngờ việc trục lợi từ thiện của một số nghệ sĩ nhưng đây là đồn đoán, chưa xác thực. Do đó, cần để cơ quan chức năng vào cuộc xác minh và kết luận đúng, sai" - luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp nêu quan điểm.

Hàng loạt nghệ sĩ Việt được gọi tên

Làng giải trí chưa bao giờ có chỗ cho sự yên bình nhưng thời gian qua, việc nhiều nghệ sĩ vướng ồn ào thậm chí là những bê bối khó gỡ lại là điều hiếm thấy.

Một trong những lùm xùm nổi cộm nhất của giới nghệ sĩ lại liên quan đến các hoạt động từ thiện. Trên công cụ tìm kiếm Google trong năm 2021, chủ đề về showbiz được tìm kiếm nhiều nhất hẳn nhiên là chuyện làm từ thiện, từ việc đi từ thiện, kêu gọi ủng hộ từ thiện và đến chuyện giải ngân, ăn chặn tiền từ thiện và những cái tên đi kèm đều là ngôi sao hàng đầu của giới giải trí.

Mới đây, khi chuyện minh bạch các khoản tiền làm từ thiện từ những tên tuổi có hoạt động tình nguyện nổi bật nhất trong giới được đào xới lại, thì từ khoá "sao kê" bất ngờ trở thành cụm từ tìm kiếm hot nhất từ trên mạng xã hội cho đến các công cụ tìm kiếm thông tin khác.

Theo đó, là loạt tên tuổi như ca sĩ Thuỷ Tiên, danh hài Hoài Linh, MC Trấn Thành, Đàm Vĩnh Hưng, cựu người mẫu Trang Trần... đều được nhắc tên với yêu cầu gay gắt phải sao kê và minh bạch những khoản thu chi từ thiện.

Một số nghệ sĩ đang vướng ồn ào liên quan việc sao kê tiền quyên góp từ thiện.

Mở đầu của cơn sóng sao kê là việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng công khai việc trao học bổng cho 100 em học sinh nghèo trị giá 1,8 tỉ đồng. Tuy nhiên, có thông tin tố số tiền thực chất mà nam ca sĩ kêu gọi các nhà hào tâm ủng hộ vượt con số công bố gấp hơn nhiều lần. Và số lượng giấy tờ sao kê cho tài khoản từ thiện này không còn tính bằng trang nữa mà chuyển sang ki-lo-gam vì quá nhiều.

Thực tế, từ cuối tháng 8, Đàm Vĩnh Hưng cũng là nghệ sĩ đầu tiên bị một nữ doanh nhân gọi tên trên livestream, làm rộ lên tin đồn anh  ăn chặn tiền từ thiện miền Trung. Người này còn thách thức ca sĩ công bố sao kê chứng minh trong sạch và treo thưởng một viên kim cương.

Trước yêu cầu phải sao kê, nam ca sĩ đã nhiều lần tranh cãi qua lại với nhân vật này. Mới đây, ngày 5/9, Đàm Vĩnh Hưng tuyên bố sẽ khởi kiện. Nam ca sĩ không tung sao kê thay vào đó, anh cho biết "đang tập trung ráo riết cho vụ kiện".

Đàm Vĩnh Hưng giải thích: "Tất cả những clip linh tinh mà mọi người đang xem là giả mạo và cắt ghép từ những livestream của Hưng và Vũ Hà từ 4 tháng trước, thậm chí là nhiều năm trước. Những sản phẩm bẩn này sẽ được người có chức năng vào cuộc...

Tôi không bao giờ có ý định thỏa hiệp với cái ác và bịa đặt, vu khống làm ảnh hưởng thanh danh của mình".

Tiếp theo đó là ca sĩ Thuỷ Tiên bị yêu cầu phải công bố tài liệu sao kê của 178 tỷ đồng cứu trợ đồng bào miền Trung mùa bão lũ cuối năm 2020.

Tuy nhiên, khi chưa công bố sao kê, vợ chồng Thủy Tiên - Công Vinh đáp trả bằng một vài tuyên bố qua livestream.

Qua livestream Thủy Tiên khóc và bày tỏ áp lực khi làm từ thiện, còn Công Vinh cho biết vợ chồng họ không thể "ngồi im để bị chà đạp".

Công Vinh cũng tuyên bố sẽ ra ngân hàng sao kê và livestream trực tiếp để cộng đồng mạng chứng kiến. Tuy nhiên, ngay sau đó lại có thông tin số tiền Thủy Tiên nhận từ thiện là 320 tỷ, không phải 178 tỷ như công bố trước đó.

 

Minh bạch, hiệu quả hơn

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực, Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội nhận định, nghệ sĩ là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm khi đứng ra kêu gọi từ thiện. Họ kêu gọi bằng hình ảnh, uy tín của bản thân thì phải chịu trách nhiệm với niềm tin của công chúng. Phần lớn nghệ sĩ làm từ thiện bằng cái tâm, chưa chuyên nghiệp, nên vướng phải ồn ào. Vì lẽ đó đòi hỏi sao kê tài khoản từ phía công chúng chính là dịp để nhìn nhận lại cách làm từ thiện, cần thay đổi để hoạt động công khai, minh bạch và hiệu quả hơn.

“Tuy nhiên lỗi không phải hoàn toàn do nghệ sĩ. Chúng ta chưa có hành lang pháp lý định hướng cũng như hỗ trợ nghệ sĩ, cá nhân, tổ chức mong muốn được làm từ thiện, quyên góp từ thiện”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.

Trước thông tin này, Công Vinh lại livestream đáp trả người tố cáo: "Tôi thách chị: Chị có dám nói rằng chị xác nhận trong tài khoản của vợ tôi có số tiền 320 tỷ hay không? Chị đừng nói mơ nữa, vì nói mơ thì hèn quá. Thứ hai, chị hãy chứng minh rằng vợ tôi dùng tài khoản nào đi từ thiện miền Trung. Chị nói vợ tôi dùng 2 số tài khoản là vu khống.

Chị muốn nói gì thì chị phải nói có chứng cứ, chứ không phải chị dùng lời nói chị đi giết người" - Công Vinh nói hôm 5/9.

Trấn Thành cũng là cái tên bị "sao kê" chiếu mạng. Theo đó, việc nam MC từng kêu gọi quyên góp 8,7 tỷ đồng ủng hộ miền Trung trong mùa lũ 2020 cũng được xới lại. Hàng loạt anti-fan đã tràn vào fanpage Trấn Thành và bình luận nội dung yêu cầu sao kê dưới những bài đăng gần đây.

Trước áp lực từ dư luận, chiều 7/9, Trấn Thành công bố sao kê trên trang cá nhân với số tiền quyên góp hơn 9,6 tỷ đồng. Anh cho biết bảng sao kê này dài hơn 1.000 trang, sẽ được chia thành hơn 10 bài đăng. Ngày thực hiện sao kê là 6/9/2021, tức được thực hiện sau những lùm xùm kể trên.

Nhưng sau đó, bài đăng đầu tiên với 100 bức ảnh đã biến mất, chỉ còn bài đăng giải thích thứ hai và ảnh chụp một số trang sao kê chính.

Trấn Thành viết: "Những ai đã khẳng định trong tài khoản tôi có hơn 120 tỷ trong những ngày qua là những người vu khống. Các bạn đang nợ gia đình chúng tôi một lời xin lỗi".

Trấn Thành cho biết sau khi hoàn tất việc chuyển tiền cho bà Ngọc Hương (mẹ ca sĩ Hồ Ngọc Hà), anh hầu như không sử dụng tài khoản này nữa. Sau khi chuyển nốt số tiền vào Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM, anh sẽ khóa vĩnh viễn tài khoản.

Bài viết kèm sao kê tài khoản ngân hàng MC Trấn Thành đăng tải trên Fanpage.

Cần cơ quan chức năng vào cuộc

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Báo Tiền phong, luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho rằng: Vừa qua dư luận nghi ngờ việc trục lợi từ thiện của một số nghệ sĩ nhưng đây là đồn đoán, chưa xác thực. Do đó, cần để cơ quan chức năng vào cuộc xác minh và kết luận đúng, sai.

“Khi báo chí, dư luận và mạng xã hội đăng tải thông tin gây ảnh hưởng đến xã hội thì cơ quan điều tra có thể vào cuộc xác minh mà không cần đơn thư tố cáo”, luật sư Cường nói.

Theo luật sư Cường, việc gian lận, chiếm đoạt tài sản cần phải làm rõ nội dung kêu gọi, tài khoản tiếp nhận tiền ủng hộ, thời điểm mở - đóng tài khoản, tổng số tiền nhận được và số tiền đã chuyển khoản hoặc rút ra.

“Nếu số tiền rút ra ít hơn số tiền chuyển đến hoặc chuyển khoản cho bên thứ ba mà không phải là người được hưởng tiền từ thiện thì hành vi đó có dấu hiệu của tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015”, luật sư Cường phân tích.

Nói về vụ lùm xùm giữa doanh nhân Phương Hằng và ca sĩ Thủy Tiên, luật sư Cường cho biết, nếu thực sự ca sĩ Thủy Tiên bị oan ức, làm nhục hay bị xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì nên công khai tất cả các thông tin từ thiện và đưa sự việc ra pháp luật. Khi chậm công khai thì càng mất uy tín và nhiều người sẽ tin vào những thông tin mà nữ doanh nhân kia đưa ra.

“Ở chiều ngược lại, nếu doanh nhân Nguyễn Phương Hằng có chứng cứ thì có quyền tố cáo đến cơ quan công an hoặc thông tin lên mạng xã hội. Tuy nhiên, khi cơ quan điều tra làm rõ đây là thông tin không đúng thì bà Hằng có thể bị xử lý về tội “Vu khống” theo Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015”, luật sư Cường nói.

Cũng trao đổi về vấn đề này với Báo Lao động,  luật sự Hoàng Hà - văn phòng luật sư ở Quận 1, TP.HCM cho biết, việc sao kê ngân hàng là điều cần thiết để chứng minh một nghệ sĩ làm từ thiện minh bạch.

Bởi khi in sao kê sẽ có ghi rõ về thời gian, số tiền giao dịch, chi tiết việc rút tiền từ tài khoản quyên góp. Từ bản sao kê, có thể biết được các giao dịch phát sinh cũng như kiểm soát hiệu quả chi tiêu của mình.

Luật sư Hà cho rằng, với các số tiền lớn thì sẽ mất thời gian để sao kê nhưng không phải không làm được.

Bên cạnh đó, trước câu hỏi lớn về việc "làm từ thiện có bắt buộc phải sao kê", luật sư Trần Minh - văn phòng luật L&P giải thích: "Đầu tiên phải nói rõ, pháp luật không cấm hoạt động từ thiện, thậm chí còn khuyến khích mọi người tham gia hoạt động này.

Bên cạnh đó, việc quyên góp từ thiện tự phát, thành lập một tài khoản để tiếp nhận tiền từ thiện của một số nghệ sĩ hiện nay thì các nghệ sĩ được xem là người trung gian, đứng ra tiếp nhận và là người chuyển số tiền đó cho đồng bào đang gặp khó khăn".

Theo luật sư Minh: "Khi thực hiện các giao dịch, hỗ trợ người khó khăn, các nghệ sĩ phải làm đúng như cam kết đã đưa ra trước đó và phải công khai lại kết quả hoạt động từ thiện cho các mạnh thường quân đóng góp.

Việc công khai, minh bạch số tiền nhận được từ mạnh thường quân là điều cần thiết, rất quan trọng vì nó đảm bảo rằng nghệ sĩ sử dụng đồng tiền từ thiện đúng mục đích, giúp đảm bảo uy tín cho nghệ sĩ và làm tròn nguyện vọng của mạnh thường quân".

 

Bộ Công an sẽ vào cuộc khi nhận được tố cáo

Theo Trung tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng Bộ Công an, nếu ai có chứng cứ, tài liệu về việc lừa đảo từ thiện thì hãy tố giác, gửi cho cơ quan công an. Khi đó các cục nghiệp vụ của Bộ Công an sẽ vào cuộc, đảm bảo đúng quy định. Tướng Xô khẳng định khi có dấu hiệu về việc chiếm đoạt tài sản, tiền, hàng từ hoạt động quyên góp, ủng hộ, thì cơ quan chức năng xem xét xử lý với tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hoặc “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Ông Xô lưu ý đến thời điểm này, các cục nghiệp vụ của Bộ Công an chưa nhận được tố cáo nào về việc chiếm đoạt tài sản, tiền, hàng từ hoạt động quyên góp, ủng hộ từ thiện và công an các địa phương cũng chưa có báo cáo tập hợp về nội dung này.

“Song công an các cấp vẫn chủ động nắm bắt dư luận về những sự việc, hiện tượng này và nếu xác định có dấu hiệu vi phạm pháp luật, những sự việc gây bất ổn xã hội, lực lượng chức năng sẽ vào cuộc điều tra, làm rõ. Về nguyên tắc, thông tin dư luận cũng là một nguồn tin tố giác tội phạm”, ông Xô nhấn mạnh.

 

ĐỌC NHIỀU