Cần đánh giá sức khỏe doanh nghiệp trước khi sắm “chiếc áo” thương hiệu
Theo các chuyên gia tại Tọa đàm, qua hơn ba thập kỷ đổi mới, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, làm thay đổi tầm vóc và diện mạo của nền kinh tế đất nước. Nhiều thương hiệu Việt không những đã chinh phục, chiếm lĩnh niềm tin của người tiêu dùng trong nước, mà còn vươn lên cạnh tranh với các tập đoàn xuyên quốc gia cả ở thị trường trong nước và nước ngoài.
Bên cạnh những thương hiệu được hình thành từ khu vực kinh tế Nhà nước như Viettel, Vietnam Airlines, Vinamilk, Vietcombank…, nhiều thương hiệu danh giá được hình thành và trỗi dậy từ khu vực kinh tế tư nhân như: Vin Group, Sun Group, Tân Hiệp Phát, Thaco, Vietjet Air, TH True milk, Techcombank…
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại chúng ta cũng đang chứng kiến những thương hiệu Việt từng vang bóng một thời bị biến mất do những thăng trầm của tiến trình phát triển và sau những thương vụ sáp nhập, mua bán, hợp nhất như Nước giải khát Tribeco, Kem đánh răng Dạ Lan… Lại có những thương hiệu Việt danh tiếng trở thành sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài sau các thương vụ M&A như Bia Sài Gòn…
Do đó, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh: "Muốn phát triển mạnh thì phải xây nhà từ móng. Bởi, muốn có doanh nghiệp lớn, thương hiệu mạnh thì không thể xây nhà từ nóc! Mà xây nhà từ móng, ngoài việc xây dựng SMEs (doanh nghiệp vừa và nhỏ), là startup - gắn với câu chuyện sáng tạo, gắn với công nghệ thì phải tạo dựng lại "cột kèo", tức là các tập đoàn lớn.
Theo TS. Thành, Việt Nam đã có nhiều doanh nghiệp lớn, nhưng còn rất xa với lớn mạnh. Nếu nhìn vào VN500 của Việt Nam, số lao động, vốn cũng "oai"! "Nhưng để nói là lớn mạnh, có ba việc, nếu nhìn vào ba việc này, thử hỏi có bao nhiêu doanh nghiệp Việt thực sự lớn?".
Thứ nhất, một doanh nghiệp có lớn hay không cần phải nhìn vào R&D và sáng tạo. Cho đến Vinamilk - thương hiệu có giá trị lớn nhất Việt Nam cũng chủ yếu mới chỉ làm chủ công nghệ, chứ chưa sáng tạo được công nghệ. Nếu nói đến sáng tạo công nghệ, hiện nay chỉ có Viettel, FPT gần như làm được điều đó.
Thứ hai, một thương hiệu lớn mạnh cần phải là thương hiệu toàn cầu. Thứ ba là kết nối và phân phối. Một doanh nghiệp lớn mạnh cần phải làm chủ được kênh phân phối vì đó là tương tác gắn với trải nghiệm khách hàng, đồng thời phải kết nối với nhiều doanh nghiệp khác.
TS. Võ Trí Thành cho rằng, doanh nghiệp lớn và to thì cực kỳ cần, nhưng phải tránh độc quyền. Cạnh tranh vẫn phải là số một, qua cạnh tranh thì mới có tiến bộ. Hỗ trợ người thắng cuộc chứ không phải là tạo ra người thắng cuộc.
Còn theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho hay muốn ra nước ngoài, doanh nghiệp Việt phải được hỗ trợ bằng chính sách thị trường thế giới nhìn vào một doanh nghiệp dựa trên hình ảnh quốc gia của doanh nghiệp đó.
Bản thân quốc gia đã là một thương hiệu có giá trị rất lớn, như chúng ta hay nói "Made in Japan" chẳng hạn. Doanh nghiệp Việt trước nay rất khó vươn mình ra thế giới, bởi hình ảnh của Việt Nam trong mắt các bạn chủ yếu vẫn gắn liền với cuộc chiến tranh, hoặc tích cực hơn cũng mới chỉ dừng lại ở phở, áo dài. Bởi vậy, nếu muốn các doanh nghiệp Việt vươn xa thì điều kiện cần là chính bản thân các doanh nghiệp phải mạnh, rất mạnh, nhưng cần thêm điều kiện đủ là sự hỗ trợ về mặt chính sách, mà việc thay đổi hình ảnh về đất nước trong con mắt quốc tế là rất quan trọng.