Cần giải pháp hỗ trợ "đủ liều" để cứu doanh nghiệp
Doanh nghiệp đang dần kiệt sức!
Là doanh nghiệp có thâm niên 20 năm trong lĩnh vực nông nghiệp, từng giữ vị trí số 1 về nhập khẩu nông sản đầu vào cho ngành thức ăn chăn nuôi năm 2015, trước những ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 Tập đoàn Tân Long cũng không tránh khỏi những ảnh hưởng nặng nề.
Ông Nguyễn Chánh Trung, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Long cho biết, hiện doanh nghiệp đã áp dụng “3 tại chỗ” để đảm bảo công tác phòng dịch. Tuy nhiên, do đặc thù của ngành hàng, một số công đoạn trong sản xuất có nhân công không thuộc biên chế công ty như khâu bốc vác, vận chuyển nên doanh nghiệp bị thiếu lao động.
Ở kênh phân phối, mỗi ngày doanh nghiệp vẫn đảm bảo đáp ứng từ 2,5 - 3 nghìn đơn hàng. Trong khi đó, việc TP. HCM thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ và Chỉ thị 12 của Thành ủy thành phố, quy định thắt chặt về điều kiện giao hàng khiến doanh nghiệp chỉ làm việc đến 4 -5h chiều. Trong nhiều trường hợp, hàng hoá bị ùn ứ, quá tải, nhất là khi xuất hiện các ca Covid-19 trong nhân viên. Hoạt động của doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, ông Trung chia sẻ.
Không chỉ trong lĩnh vực hàng hoá, nông sản, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land cho rằng, các doanh nghiệp bất động sản tại TP. HCM hiện cũng đang rất bế tắc.
Theo bà Hương, hầu như đến thời điểm này, tất cả các doanh nghiệp bất động sản đều đã phải đóng cửa văn phòng. Đối với các chủ đầu tư, tình hình khả quan hơn do họ thường có kế hoạch hoạch định dài hơi nên vẫn còn nguồn lực dự phòng cho đầu tư phát triển dự án. Song, đó là với điều kiện kinh doanh bình thường, doanh nghiệp vẫn có nguồn thu. Còn hiện tại, doanh nghiệp hoàn toàn không có nguồn thu mà vẫn phải dùng nguồn lực dự phòng để đầu tư và duy trì hoạt động.
Đối với các doanh nghiệp môi giới, họ cũng đang không có nguồn thu và phải gồng gánh tất cả chi phí để giữ được nhân sự. Hiện các doanh nghiệp này đang rút lui và rời khỏi thị trường rất nhiều.
"Trong quý IV/2021 tới, nếu tình hình dịch bệnh không được kiểm soát để hoạt động kinh doanh trở lại bình thường, mọi chuyện sẽ càng tệ hơn nữa, bởi các doanh nghiệp hiện nay đã quá khó khăn rồi", bà Hương chia sẻ.
Về thực trạng sức khoẻ của các doanh nghiệp, tại Tọa đàm “Điểm đến kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2021", ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế - Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: "Doanh nghiệp đang dần kiệt sức trước những ảnh hưởng của dịch bệnh.
Bức tranh hoạt động doanh nghiệp Việt Nam những tháng đầu năm tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là khi dịch bùng phát tại các khu công nghiệp, trung tâm kinh tế quan trọng của đất nước.
Ông Tuấn cho biết, 7 tháng đầu năm nay khác hoàn toàn so với năm 2020. Nếu như năm 2020 tác động của dịch đến các doanh nghiệp rất lớn nhưng chủ yếu là doanh nghiệp du lịch, hàng không, dịch vụ, ăn uống thì dịch bệnh năm 2021 đã có những tác động vô cùng nghiêm trọng đến doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tại khu công nghiệp tại Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, TP.HCM, Long An…
Mức độ lan rộng của dịch bệnh tại các khu công nghiệp hiện rất lớn và mức độ ảnh hưởng đến doanh nghiệp, xuất khẩu, sản xuất, lao động chắc chắn sẽ tăng cao hơn trong những tháng còn lại.
"Có quá nhiều doanh nghiệp phản ánh rằng họ đang gặp khó khăn, bất lực. Đặc biệt, gần đây, nhiều doanh nghiệp phản ánh khó khăn trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Việc tắc nghẽn lưu thông như tắc mạch máu trong cơ thể, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất cũng như lưu thông, xuất khẩu của doanh nghiệp.
Mặt khác, doanh nghiệp sản xuất cũng đang đang lúng túng trong duy trì hoạt động. Họ không chỉ phải duy trì sản xuất mà điều quan trọng nhất với họ là khách hàng. Một doanh nghiệp ở Bình Dương có khách hàng ở khắp thế giới. Vì vậy, tắc nghẽn xuất khẩu sẽ dẫn đến mất bạn hàng, khách hàng có thể tìm nơi cung cấp ở các quốc gia khác chứ không chờ đợi doanh nghiệp", ông Tuấn nhấn mạnh.
"Cần giải pháp quyết liệt, ngay lúc này để cứu doanh nghiệp"
Trước tình hình rất khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, ông Tuấn cho rằng, Chính phủ cần sớm có giải pháp quyết liệt hơn, ngay lúc này để hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo đó, với lĩnh vực chịu nhiều thiệt hại như hàng không, du lịch, các gói hỗ trợ mà Chính phủ đưa ra trước đó “nhắm” vào việc dịch bệnh sẽ ổn định trong quý II/2021 và doanh nghiệp sẽ bắt đầu hoạt động ổn định từ quý III, quý IV mà chưa tính tới làn sóng bùng phát Covid-19 lần thứ 4.
"Vì vậy, các gói hỗ trợ này chưa đủ liều, trong thời gian tới, doanh nghiệp cần có thêm các gói hỗ trợ tăng cường. Dịch bệnh lần này gây ra những khó khăn chưa từng có, do đó những gói hỗ trợ cũng phải lớn chưa từng có", ông Tuấn nói.
Hiện tại, giải pháp trung và dài hạn đã có nhưng các doanh nghiệp có sống sót được để tiếp cận các giải pháp đó hay không lại là vấn đề cần bàn đến. Chính sách cần phải thuận tiện và đi vào cuộc sống tốt hơn nữa. Đáng mừng là, sau gói 62.000 tỷ và gói 16.000 tỷ thì gói 26.000 tỷ mà Chính phủ vừa đưa ra có cách thức tiếp cận dễ dàng hơn, hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, theo ông Tuấn, doanh nghiệp hiện đang đương đầu với cả rừng chi phí, vừa vận hành kinh doanh, vừa chống dịch. Do đó, nếu nhà nước hỗ trợ một phần chi phí chống dịch cho doanh nghiệp thì sẽ rất có ý nghĩa đối với doanh nghiệp trong thời điểm này.
Kiến nghị về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thanh Hương cho rằng, đa số các chủ đầu tư bất động sản dùng vốn vay rất nhiều để phát triển dự án, gánh nặng lãi suất ngân hàng rất lớn. Các ngân hàng cần xem xét giảm lãi suất, khoanh nợ và giảm để chủ đầu tư có thêm nguồn lực phát triển dự án nhằm đưa ra sản phẩm vào quý 4 năm nay.
Còn với những doanh nghiệp khác, để có thể duy trì được hoạt động, họ cần chi trả chi phí mặt bằng, nhân viên. Do đó, họ rất cần đến vốn vay để trả lương. Trong khi đó, năm 2020, những doanh nghiệp được vay vốn để trả lương rất thấp. Thời gian tới, gói cho vay ưu đãi này cũng cần được Chính phủ xem xét để giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động.
Theo Theleader