Cần khoảng 25.200 tỷ đồng để tiêm vaccine cho 75 triệu dân

06:12 | 20/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo Bộ Tài chính để tiêm được cho 75 triệu dân, nguồn lực cần khoảng 25.200 tỷ đồng; trong đó, ngân sách đã chuẩn bị được hơn 14.000 tỷ đồng và cần thêm khoảng 11.000 tỷ đồng.

Cần huy động 11.000 tỷ

Theo Ban quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19, tính đến 17h ngày 19/8, số dư Quỹ vaccine phòng COVID-19 là 8.627 tỷ đồng (đã bao gồm ngoại tệ quy đổi), với tổng số 520.345 cá nhân, tổ chức đóng góp.

Ban quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19 cho biết, đã xuất quỹ thanh toán 197 tỷ đồng mua vaccine nên số dư quỹ còn là 8.430 tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, với 14.500 tỷ đồng ngân sách trung ương bố trí cùng nguồn lực ủng hộ Quỹ vaccine phòng COVID-19 của người dân, doanh nghiệp, Bộ Tài chính cam kết sử dụng đúng mục đích đến từng đồng.

Cần khoảng 25.200 tỷ đồng để tiêm vaccine cho 75 triệu dân - ảnh 1

Ảnh: Báo Quân Đội Nhân Dân

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, Quỹ vaccine phòng COVID-19 hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, sử dụng vốn đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả.

Quỹ chịu sự kiểm tra, thanh tra, kiểm toán về các hoạt động tài chính của quỹ của các cơ quan quản lý nhà nước về tài chính và Kiểm toán nhà nước; giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cộng đồng.

Theo Bộ Tài chính để tiêm được cho 75 triệu dân, nguồn lực cần khoảng 25.200 tỷ đồng; trong đó, ngân sách đã chuẩn bị được hơn 14.000 tỷ đồng và cần thêm khoảng 11.000 tỷ đồng.

Hiện nay, Ban quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19 đã mở 22 tài khoản tiếp nhận cho 3 loại tiền VND, USD, EUR tại Sở giao dịch Kho bạc Nhà nước và 7 ngân hàng thương mại gồm BIDV, Vietcombank, VietinBank, HDBank, MB, Agribank và TPBank.

Việc quản lý, sử dụng quỹ, mở tài khoản tiền gửi Kho bạc Nhà nước được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, số tiền ủng hộ được Kho bạc Nhà nước tổng hợp và thông tin rộng rãi hàng ngày.

Chiều 19/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc điện đàm với Tổng Giám đốc Tập đoàn AstraZeneca, ông Pascal Soriot. Trước đó, ngày 9/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có thư gửi Tổng Giám đốc AstraZeneca về hợp tác vaccine.

Thủ tướng đánh giá cao vai trò và những đóng góp của AstraZeneca trong cuộc chiến chống COVID-19 trên toàn cầu, cũng như trong công tác phòng chống dịch tại Việt Nam. Thủ tướng khẳng định, vaccine AstraZeneca là một trong những loại vaccine được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới, góp phần quan trọng trong nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh trên toàn cầu và tại Việt Nam.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam đặt quyết tâm cao trong thực hiện chiến lược vaccine, đưa vaccine về Việt Nam với số lượng nhiều nhất và trong thời gian sớm nhất để triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử. Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Tổng Giám đốc AstraZeneca quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giao vaccine cho Việt Nam, đồng thời tăng cường và nỗ lực hoàn thành hợp đồng cung ứng thêm vaccine cho Việt Nam ngay tháng 9 tới và kế hoạch đến cuối năm 2021.

Thủ tướng đề xuất và mong muốn AstraZeneca xem xét, trao đổi với các nước khác để được vay, nhượng lại số vaccine hiện chưa có nhu cầu sử dụng; đồng thời xúc tiến các hợp đồng vaccine dành cho trẻ em và người dưới 18 tuổi, những người có nguy cơ cao, có bệnh nền.

Tại cuộc điện đàm, Tổng Giám đốc AstraZeneca Pascal Soriot cam kết sẽ cung ứng vaccine theo đúng kế hoạch, đồng thời tăng thêm số lượng phân bổ vaccine cho Việt Nam trong tháng 8 từ nguồn của Tập đoàn và các nguồn khác. Thời gian tới, AstraZeneca sẽ cố gắng cao nhất, đáp ứng tích cực các đề nghị của Việt Nam; mong muốn thúc đẩy hợp tác chiến lược lâu dài với Việt Nam, một thị trường với 100 triệu dân và đang tăng trưởng mạnh mẽ.

Bổ sung kinh phí cho Bộ Công an để phòng, chống dịch

Hôm qua, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định 1414/QĐ-TTg ngày 19/8/2021 bổ sung kinh phí cho Bộ Công an để phòng, chống dịch bệnh COVID-19 (đợt 2).

Cụ thể, bổ sung 150 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2021 cho Bộ Công an để thực hiện: Chi trả phụ cấp chống dịch cho các lực lượng thuộc khối trại giam, trại tạm giam (Bộ Công an) tham gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 số tiền 24,6 tỷ đồng; kinh phí bảo đảm khám chữa bệnh, mua sắm trang thiết bị, phương tiện phòng, chống dịch, vật tư tiêu hao, thuốc thiết yếu, hóa chất; chi phí cho khu cách ly, điều trị và phòng, chống dịch trong các trại giam, trại tạm giam (Bộ Công an) số tiền 125,4 tỷ đồng.

Bộ Tài chính, Bộ Công an chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung và số liệu báo cáo.

Việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán số kinh phí được bổ sung bảo đảm đúng quy định, đúng đối tượng, công khai, minh bạch.

Bộ Công an phối hợp với Bộ Y tế rà soát nhu cầu mua sắm, thực hiện quản lý, sử dụng trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, hóa chất tại các bệnh viện, khu cách ly, điều trị, cơ sở giam giữ…, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, không trùng lặp.

Được biết, trước đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 1164/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 bổ sung kinh phí cho Bộ Công an để phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Cụ thể, bổ sung 389.725,8 triệu đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2021 cho Bộ Công an để thực hiện: Chi trả phụ cấp chống dịch cho các lực lượng công an tham gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 số tiền 388.225,8 triệu đồng (gồm: Phụ cấp chống dịch 339.573 triệu đồng, hỗ trợ tiền ăn 48.652,8 triệu đồng); kinh phí triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 trong lực lượng công an nhân dân số tiền 1.500 triệu đồng.

Văn Chương