Cần khung pháp lý cao nhất để phát triển năng lượng tái tạo

Theo Báo Chính phủ 08:30 | 19/11/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tăng cường phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) là giải pháp quan trọng góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh hiện Việt Nam đang phải nhập khẩu than để sản xuất điện.

Toạ đàm "Thúc đẩy thị trường năng lượng tái tạo", diễn ra ngày 18/11 - Ảnh: VGP/PT

Thông tin được ông ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) đưa ra tại tọa đàm "Thúc đẩy thị trường năng lượng tái tạo", diễn ra ngày 18/11.

Phát triển NLTT đang chững lại

Đánh giá về tình hình phát triển NLTT trong thời gian qua, ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, về nguồn điện, đến hết 2021, hệ thống điện Việt Nam có tổng công suất lắp đặt là 76.364 MW. 

Trong đó, điện mặt trời chiếm 21,2%, đạt 16.179 MW; điện gió chiếm 5,2%, đạt 3.987 MW. Công suất lắp đặt điện mặt trời đã vượt mục tiêu vào năm 2030, công suất lắp đặt điện gió đã vượt mục tiêu năm 2025.

Tuy nhiên, do cơ chế giá FIT đối với điện mặt trời và điện gió đã hết hạn nên việc phát triển mảng NLTT đã và đang chững lại.

Cụ thể, về mảng điện gió, 3.479 MW công suất nguồn điện gió đã xây dựng xong những vẫn chưa được đưa vào vận hành. Về điện sinh khối, phần lớn các nhà máy điện đang thực hiện đồng phát chỉ trong vụ mùa ép mía trong 4-5 tháng/năm. Nếu giá bán điện vẫn ở mức như điện đồng phát, hoạt động này sẽ không khả thi về mặt kinh tế vì việc mua nguyên liệu sinh khối sẽ làm giá thành sản xuất điện tăng cao.

Bên cạnh đó, tốc độ phát triển giữa các dự án NLTT với lưới điện truyền tải không đồng bộ. Điều này đã gây ra các điểm nghẽn về truyền tải, phải giảm phát tới 30-40%, thậm chí có dự án phải giảm hơn 60% công suất.

Theo đại diện Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, để khuyến khích phát triển NLTT đến năm 2050, cần có các chính sách minh bạch để tạo ra một lộ trình lâu dài.

Cụ thể, trên cơ sở chuẩn xác lại tiến độ các dự án nguồn điện lớn đang xây dựng, cần tiến hành cân bằng công suất-điện năng, xác định khối lượng các dự án và các nguồn NLTT cần xây dựng tới năm 2030.

Đối với các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp, EVN đã thực hiện đàm phán, ký hợp đồng mua bán điện trên giá phát điện tạm tính trong thời gian chờ tính khung giá chính thức.

Cùng quan điểm, ông Phạm Minh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tình hình phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam thời gian qua đã có sự tăng trưởng. Tình hình phát triển điện gió và điện mặt trời vừa qua đã vượt xa so với nội dung Quyết định số 428/QĐ-TTg năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VII điều chỉnh. 

Theo đó, điện mặt trời khoảng đạt 850 MW vào năm 2020, khoảng 4.000 MW vào năm 2025 và khoảng 12.000 MW vào năm 2030; điện gió đạt khoảng 800 MW vào năm 2020; 2.000 MW vào năm 2025 và 6.000 MW vào năm 2030.

Như vậy đến nay, công suất lắp đặt điện mặt trời đã vượt mục tiêu vào năm 2030, công suất lắp đặt điện gió đã vượt mục tiêu vào năm 2025. 

Tăng cường phát triển năng lượng tái tạo là giải pháp quan trọng góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Ảnh minh họa

Luật về NLTT sẽ là khung pháp lý cao nhất

Ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho rằng: Tăng cường phát triển năng lượng tái tạo là giải pháp quan trọng góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. 

Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh hiện Việt Nam đang phải nhập khẩu than để sản xuất điện, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng do ảnh hưởng xung đột Nga-Ukraine, khiến giá cả nguyên liệu để phục vụ cho sản xuất điên tăng lên.

Bên cạnh đó, với việc Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng thông qua các hiệp định thương mại tự do, việc sản xuất hàng hoá từ năng lượng sạch cũng giúp hàng hóa của Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế, và hiện thực hoá mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào 2050.

 

Trên tinh thần Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 Quy hoạch điện VIII vừa được Bộ Công Thương trình Chính phủ đã có những điều chỉnh thể hiện rõ hơn vai trò và lộ trình phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. 

Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn cho rằng, vẫn còn những vấn đề được quan tâm, nghiên cứu để năng lượng tái tạo không bị “lỡ nhịp”, phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Việt Nam, đóng góp tích cực vào đảm bảo an ninh năng lượng và giảm thiểu phát thải khí nhà kính.

Trên thực tế, để phát triển nguồn năng lượng này, Nghị quyết số 140/NQ-CP của Chính phủ: Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng yêu cầu, “nghiên cứu, xây dựng luật về năng lượng tái tạo”. Do đó, theo ông Phạm Minh Hùng "khi luật về NLTT được nghiên cứu và ban hành sẽ là khung pháp lý cao nhất để phát triển NLTT".

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng cho rằng, việc nghiên cứu xây dựng luật về NLTT sẽ đòi hỏi nhiều thời gian và yêu cầu về thời hạn của Chính phủ trong năm 2021-2025. 

Do đó, trong khi chưa có luật về NLTT thì việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành cơ chế chính sách phát triển điện gió, điện mặt trời là rất cần thiết trong bối cảnh cơ chế giá FIT đã hết thời hạn áp dụng. Việc này càng quan trọng đối với điện gió ngoài khơi với tiềm năng và lợi thế lớn nhưng là lĩnh vực mới và có nhiều đặc thù so với điện gió trên bờ.

Mặt khác, các chuyên gia đều nhìn nhận, cơ hội để Việt Nam phát triển NTT là rất lớn, song bên cạnh cơ hội là những thách thức không nhỏ. Bởi nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực này rất lớn. 

Ước tính giai đoạn 2021-2030, tổng nhu cầu vốn đàu tư để thực hiện phát triển điện lực khoảng 104,7-142,2 tỷ USD và giai đoạn từ 2031-2050 là 324,6-483 tỷ USD. Vì thế, cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách để huy động đầu tư vào phát triển nguồn điện nói chung và NLTT nói riêng.