Cần lựa chọn lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp
Đây là một trong những quy định trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đang được lấy ý kiến rộng rãi của người dân. Cụ thể, Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) gồm 17 chương, 221 điều (giảm 21 điều so với hiện hành); trong đó, sửa đổi, bổ sung 162 điều trong tất cả các chương, sửa đổi hai điều của Luật Bảo hiểm xã hội liên quan đến điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu.
Lý giải về việc dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần này có quy định liên quan đến việc tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết: Việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu không chỉ ở Việt Nam, hầu hết các nước đều đặt ra việc nghỉ hưu theo hướng tăng dần. Lý do của việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu này là nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; đồng thời, chủ động ứng phó sự thiếu hụt lao động trong tương lai; bảo đảm bình đẳng giới trong tuổi nghỉ hưu; bảo đảm phù hợp sức khỏe, nhu cầu của người lao động; bảo đảm sự cân bằng, cân đối của quỹ Bảo hiểm xã hội.
Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, việc tăng tuổi nghỉ hưu trong dự thảo Bộ luật phải thực hiện theo lộ trình, để tránh gây sốc cho thị trường lao động; tạo tâm lý xã hội tốt hơn đối với người lao động, cũng như người sử dụng lao động. Do đó, việc tăng tuổi nghỉ hưu được thực hiện theo lộ trình: Nam tăng lên 62 tuổi, nữ lên 60 tuổi. Theo lộ trình như vậy, đến năm 2036, người phụ nữ đầu tiên nghỉ hưu ở tuổi 60. Năm 2021, người phụ nữ nghỉ hưu ở độ tuổi 55, 3 tháng. Năm 2029 có người đàn ông đầu tiên về hưu ở độ tuổi 62.
Như vậy, thời gian nâng tuổi nghỉ hưu dài, bắt đầu từ năm 2021 chứ không phải ngay lập tức. Việc tuổi nghỉ hưu của nữ tăng lên 5 năm, của nam tăng lên 2 năm vì muốn thu hẹp khoảng cách giới trong tuổi nghỉ hưu.