Cạnh tranh với Mỹ: Trung Quốc nỗ lực tiên phong toàn cầu về kỷ nguyên 5G
Theo Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc (MIIT), các nhà mạng được cấp phép gồm China Mobile, China Unicom và China Telecom, cùng hãng truyền hình cáp China Broadcasting Network.
Việc trao giấy phép sẽ tạo đà để Trung Quốc tiến lên trong cuộc đua toàn cầu triển khai hạ tầng viễn thông 5G, giúp cung cấp năng lượng cho ngành công nghiệp Internet, xe tự hành và thành phố thông minh, cùng việc tạo ra hàng loạt ứng dụng di động tiên tiến.
Trong khi Hàn Quốc, Mỹ, Australia và Anh đã triển khai các dịch vụ 5G thương mại sớm trong quý II, thì Trung Quốc tuy là người đến sau song quy mô của thị trường nước này có thể sẽ làm giảm quy mô kết hợp của các nước đi trước, qua đó phủ định lợi thế triển khai đầu tiên.
"Đây là sự kiện đánh dấu Trung Quốc chính thức bước vào kỷ nguyên 5G," hãng công nghệ khổng lồ Trung Quốc Huawei nhấn mạnh trong một tuyên bố hôm thứ Năm 6/6. Huawei hiện đang nắm tới 50% thị phần thiết bị viễn thông ở Trung Quốc.
"Huawei sẽ hỗ trợ đầy đủ cho các nhà mạng di động Trung Quốc xây dựng hạ tầng mạng 5G toàn diện. Chúng tôi tin rằng trong tương lai gần, mạng 5G của Trung Quốc sẽ dẫn đầu thế giới", theo tuyên bố của Huawei.
Việc giấy phép mạng 5G được Trung Quốc thực hiện sau khi Huawei ký một thỏa thuận vào 5/6 với nhà điều hành mạng viễn thông MTS để phát triển mạng di động 5G ở Nga trong năm tới. Thỏa thuận được thực hiện bên lề cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moskva.
Theo Huawei, kể từ tháng Tư năm ngoái, hãng đã thực hiện các thử nghiệm thương mại 5G tại hơn 40 thành phố với ba nhà khai thác mạng di động lớn của Trung Quốc. Phạm vi thử nghiệm tương đối rộng bao gồm các khu đô thị, trong nhà, đường cao tốc, tàu điện ngầm và các môi trường khác. Hiện tại, Huawei đã có 46 hợp đồng thương mại 5G tại 30 quốc gia trên thế giới. Hãng này cũng cung ứng ra thị trường hơn 100.000 trạm phát di động 5G.
ZTE Corp, đối thủ đồng hương của Huawei cho biết trong một tuyên bố rằng hãng này cũng chuẩn bị đầy đủ để đáp ứng các yêu cầu cho việc triển khai mạng di động 5G thương mại của Trung Quốc.
"ZTE đã liên tục đầu tư và đổi mới trong 5G trong nhiều năm," hãng công nghệ cho biết. "ZTE đã chuẩn bị đầy đủ cho việc thương mại hóa mạng không dây, mạng lõi, vận tải, bộ chip, thiết bị di động và các ứng dụng công nghiệp."
Nhà mạng China Telecom cho biết trong một tuyên bố, họ tin rằng "việc cấp giấy phép hoạt động dịch vụ 5G tạo điều kiện cho việc xây dựng Trung Quốc kỹ thuật số và phát triển kinh tế xã hội, có ý nghĩa lớn đối với ngành viễn thông và thành tựu phát triển chất lượng cao của công ty.".
Không công ty nào đuổi kịp Huawei về công nghệ 5G trong 2-3 năm tới
Việc Tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc vừa ký thỏa thuận với công ty viễn thông MTS của Nga để phát triển mạng 5G tại nước này trong năm tới thể hiện rõ sự phát triển của các công nghệ 5G và sự tiên phong của mạng lưới thế hệ thứ 5 trong năm 2019-2020 của Trung Quốc.
Giới phân tích quốc tế cho rằng việc cấp giấy phép 5G thương mại sẽ như là một lời khẳng định của Trung Quốc rằng 5G sẽ không bị trì hoãn chỉ vì lệnh cấm của Mỹ đối với Huawei, và sẽ mang lại cho nước này thêm nhiều sức mạnh, tạo ra sự hỗ trợ chính trị nội bộ mạnh mẽ hơn.
Cách đây gần một tháng, phản ứng về lệnh cấm Huawei mua các sản phẩm và linh kiện Mỹ để sản xuất các sản phẩm mới, nhà sáng lập Huawei, ông Nhậm Chính Phi đã khẳng định các hạn chế của Mỹ không gây tác động lớn vì Tập đoàn này đã có sự chuẩn bị trước, đồng thời nhấn mạnh "không công ty nào có thể đuổi kịp Huawei về công nghệ 5G trong 2-3 năm tới."
Ông Nhậm Chính Phi cũng cho rằng Chính phủ Mỹ đang "đánh giá quá thấp các năng lực của Huawei".
Được biết, “quay lưng” với Huawei và ZTE, hiện các công ty viễn thông châu Âu phải gánh chịu thiệt hại lớn về tài chính và chậm trễ với những kế hoạch cung cấp dịch vụ mạng 5G cho khách hàng.