Cập nhật diễn biến bão số 9 tại Đà Nẵng: Sơ tán hơn 90.000 người
Bão số 9 cách Đà Nẵng 195km, đang di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 20 - 25km. Để ứng phó với tình hình bão lũ, Đà Nẵng sơ tán 90.000 người dân.
Kể từ sáng sớm ngày 28/10 ở Đà Nẵng gió bắt đầu dữ dội hơn. Ngoài đường mưa lớn, cây cối nghiêng ngả.
Do quen với bão lũ nên người dân Đà Nẵng tự ý thức được việc hạn chế đi ra ngoài đường, chằng chống nhà cửa để hạn chế thiệt hại. Các cán bộ, công chức Đà Nẵng cũng đang tập trung ứng phó với bão số 9.
Người dân Đà Nẵng không ra đường để hạn chế thiệt hại có thể xảy ra do bão số 9
Trước diễn biến thời tiết phức tạp, Đà Nẵng đã cho học sinh ở các trường nghỉ học từ chiều ngày 27/10. Hàng chục khách sạn trên địa bàn đã mở cửa mời người dân vào tránh bão.
Đến 5h ngày 28/10, Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng đã kêu gọi được 1.240 tàu với hơn 7.000 lao động và nơi tránh trú an toàn. Còn 2 tàu cá với 17 lao động đang hoạt động ở khu vực nam Biển Đông của tỉnh Cà Mau.
Chính quyền các quạn, huyện ở Đà Nẵng đã sơ tán 20.178 hộ với 91.206 người đến các tòa nhà kiên cố để tránh trú an toàn. Hiện, thành phố chưa có thiệt hại do bão số 9 gây ra.
Đến 7h30 sáng ngày 28/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trực tiếp kiểm tra công tác ứng bão số 9 và sơ tán người dân tại Đà Nẵng. Trong khu sơ tán ở Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng), Phó Thủ tướng yêu cầu chính quyền địa phương cung cấp đủ lương thực, nước uống cho người dân ở các địa điểm sơ thán.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý các lực lượng đặc biệt quan tâm đến việc đảm bảo an toàn cho các điểm sơ tán, nhất là các công trình có mảng tường lớn, dễ bị gió giật vỡ, gây nguy hiểm.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng kiểm tra công tác ứng phó bão số 9
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Quan trọng nhất lúc này là đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân".
Ở một diễn biến khác của bão số 9, bão số 9 chỉ còn cách Quảng Ngãi hơn 85km. Hiện đã ghi nhận 2 người chết tại Quảng Ngãi trong bão số 9.
Đến 9h ngày 28/10, Phó Thủ tướng Trương Đình Dũng gọi điện thoại cho Bộ trưởng Quốc phòng - đại tướng Ngô Xuân Lịch, đề nghị cử tàu lớn hơn ra cứu ngư dân trên biển.
Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thống nhất điều 2 tài Hải quân và 2 tàu kiểm ngư từ Cam Ranh ra cứu hộ ngư dân. Các tài này có công suất lớn hơn, khả năng chịu bão tốt hơn, nên có thể tiếp cận hiện trường hiệu quả.
Hiện có 2 tàu ở Bình Định bị chìm, 26 thuyền viên mất tích. Một tàu ngư dân ra ứng cứu cũng gặp sự cố đang chờ cứu hộ.
Hương Quỳnh