Cấp phép khai quật khảo cổ tại Cố đô Hoa Lư
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 558/QĐ-BVHTTDL về việc cho phép Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình phối hợp với Viện Khảo cổ học khai quật khảo cổ tại 04 địa điểm thuộc tỉnh này.
Báo Tổ Quốc cho biết cụ thể, 04 địa điểm gồm: Cố đô Hoa Lư (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư); Mộ gạch Đồi Cò (xã Gia Trường, huyện Nho Quan); Đền Hạ (xã Gia Lâm, huyện Nho Quan); Đồi Chùa (xã Liên Sơn, huyện Gia Viễn).
Thời gian khai quật từ ngày 01/3/2021 đến ngày 30/6/2021, trên diện tích 400m2. Chủ trì khai quật là ông Nguyễn Ngọc Quý, Viện Khảo cổ học.
Các hiện vật được tìm thấy tại mộ gạch cổ trong đợt khai quật ở xã Gia Thủy, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. (Ảnh: TTXVN)
Trong thời gian khai quật, cơ quan được cấp giấy phép cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích; có trách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hoá ở địa phương, không công bố kết luận chính thức khi chưa có sự thỏa thuận của cơ quan chủ quản và Cục Di sản văn hóa.
Những hiện vật thu thập được trong quá trình khai quật phải được tạm nhập vào Bảo tàng tỉnh Ninh Bình để giữ gìn, bảo quản; Bảo tàng tỉnh Ninh Bình, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý và báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật đó.
Theo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam sau khi kết thúc đợt khai quật, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình và Viện Khảo cổ học phải báo cáo sơ bộ và đề xuất phương án quản lý, bảo vệ khu vực đã khai quật cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Trước đó, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình phối hợp với Viện Khảo cổ học đã tiến hành thăm dò, khai quật khảo cổ trên tổng diện tích 280 m2 tại các địa điểm trường Tiểu học Gia Thủy; đình Mỹ Hạ thuộc xã Gia Thủy, Nho Quan, Ninh Bình.
Kết quả khai quật mộ gạch tại trường Tiểu học Gia Thủy đã làm rõ toàn bộ hình dáng, quy mô và cấu trúc của một ngôi mộ gạch có quy mô lớn, niên đại thế kỷ III sau Công nguyên. Ngôi mộ đã cung cấp thêm nhiều thông tin khoa học về đề tài mộ gạch 10 thế kỷ đầu Công nguyên ở Việt Nam.
Ngoài ra, tại đình Mỹ Hạ, xã Gia Thủy là nơi thờ Vua Đinh Tiên Hoàng và Thái hậu Dương Vân Nga, sau khi đoàn công tác thăm dò, khai quật khảo cổ đã làm xuất lộ các dãy nền móng của ngôi đình cũ có quy mô to lớn nằm sâu dưới mặt đất 0,5m.
Việc khai quật, khảo cổ di tích mộ gạch và nền móng kiến trúc cổ tại xã Gia Thủy đã góp phần làm rõ hơn giá trị lịch sử văn hóa, vai trò và vị thế của vùng đất Ninh Bình ở giai đoạn 10 thế kỷ đầu Công nguyên và đặc biệt là sự hình thành, phát triển của nhà nước Đại Cồ Việt ở kinh đô Hoa Lư, thế kỷ X.
Nguyễn Triệu