Cắt bỏ điều kiện kinh doanh: Phải tính xem có còn “một chiếc bánh sôcôla cõng 13 giấp phép”?

14:58 | 23/01/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
"Khi ban hành nghị định, thông tư phải tính xem ban hành vì lợi ích nào, liệu có còn để tình trạng một chiếc bánh sôcôla cõng 13 giấp phép hay không", Phó Viện trưởng CIEM Phan Đức Hiếu chia sẻ.
Trong khuôn khổ Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), sáng 21/1, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo cải cách môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh: kết quả, bài học và định hướng 2021-2025.

 
 
Cắt bỏ điều kiện kinh doanh: Phải tính xem có còn “một chiếc bánh sôcôla cõng 13 giấp phép”? - ảnh 1
Doanh nghiệp mong muốn tiếp tục được cắt giảm điều kiện kinh doanh

Hội thảo là diễn đàn để cùng thảo luận, đánh giá hiệu quả cắt giảm số lượng điều kiện kinh doanh (ĐKKD) trong thời gian qua; nhận diện vấn đề về chất lượng điều kiện kinh doanh trong các quy định hiện hành…
 
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Viện trưởng CIEM, ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh, Nghị quyết 19 của Chính phủ đã thực sự đi vào cuộc sống, được cộng đồng doanh nghiệp, xã hội ghi nhận và đánh giá cao. Nghị quyết 19 được ban hành hàng năm đều cải tiến, đổi mới và tiếp nối các Nghị quyết 19 trước đây.
 
Hội thảo là dịp để các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm và kết quả trong triển khai thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ và tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; đồng thời, trao đổi, nhận diện về các rào cản của môi trường kinh doanh.
 
“Từ đó, đưa ra những đề xuất, kiến nghị các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong thời gian tới”, ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.
 
Cắt giảm chỉ khoảng 10%, đơn giản thì nhiều
 
Trình bày báo cáo tại Hội thảo, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của CIEM, nhận định các nỗ lực cải cách về ĐKKD được ghi nhận. Trong giai đoạn 2017-2019, có tới gần 40 văn bản của Chính phủ chỉ đạo về nội dung này với yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa 50% số ĐKKD.
 
“Khó có nội dung cải cách nào được Chính phủ quan tâm và chỉ đạo sát sao, liên tục như về ĐKKD, với sự tham gia của nhiều bên trong theo dõi, đánh giá” - bà Thảo nhận định.
 
Kết quả, đến hết năm 2019 đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 50% trong tổng số khoảng 6.000 ĐKKD được thống kê trước đó. Về cơ bản, các ĐKKD quy định chung chung, thiếu rõ ràng, can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh đã được cắt bỏ. Tuy nhiên, vẫn còn ĐKKD, giấy phép con không cần thiết, bất hợp lý, thiếu rõ ràng, có thể dẫn tới sự tùy ý của cơ quan quản lý nhà nước.
 
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, nhận định rằng: Trước đây, ĐKKD, giấy phép con quy định chung chung, chả có chuẩn mực gì cả. “Đọc thông tư mà đến cả chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng phải bật cười vì nhiều cái chung chung”, ông Tuấn nói.
 
Tuy vậy, theo ông, thành tích cắt giảm 50% ĐKKD mà các bộ hay nói là không chính xác. Bởi việc đó bao gồm cả cắt giảm và đơn giản hóa. Cắt giảm thì không có số chính xác, chỉ khoảng 10% thôi, còn đơn giản thì nhiều.
 
“Ví dụ, nhà xưởng phải từ 100 m2 được giảm còn 50 m2 thôi. Chúng ta phải thận trọng. Nhiều bộ trưởng nói đã cắt giảm 50% là không đúng” - ông Tuấn lưu ý nhưng thừa nhận dù sao đó cũng là điều tích cực.
 
 
Cắt bỏ điều kiện kinh doanh: Phải tính xem có còn “một chiếc bánh sôcôla cõng 13 giấp phép”? - ảnh 2
Vẫn còn ĐKKD, giấy phép con không cần thiết gây khó cho doanh nghiệp
 
Mới đây, Nghị quyết 68/2020 của Chính phủ có một cách tiếp cận rất tham vọng là cắt giảm quy định kinh doanh. Thế nhưng, ông Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng: Cần phải làm rõ xem Nghị quyết 68/2020 yêu cầu cắt 20% quy định kinh doanh thì đó là những quy định gì.
 
“Giờ phải tính ra hiện nay đang có bao nhiêu quy định, từ đó mới cắt được. Chứ nếu không chỉ là chém gió, chỉ cắt được trên tivi và hội nghị thôi”, ông Cung lưu ý.
 
Sự thay đổi lớn nhất là công nhận sự đánh giá của thế giới đối với mình
 
Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nói về kinh nghiệm cải cách chỉ số tiếp cận điện năng của đơn vị: “Năm 2013, khi bắt đầu tiếp nhận chỉ số tiếp cận điện năng, Việt Nam lúc đó xếp hạng 156. Bản thân tôi cũng sốc vì không hiểu vì sao cấp điện tốt mà lại bị thế giới xếp hạng thấp như thế”.
 
Sau đó, EVN mới nhận thức rằng phương pháp đánh giá là bình đẳng ở các quốc gia. Khi chơi với thế giới thì phải chấp nhận và theo luật chơi của Ngân hàng Thế giới (World Bank) đưa ra. “Khi nhận thức như vậy sẽ thấy có sự thay đổi và sự thay đổi lớn nhất là công nhận sự đánh giá của thế giới đối với mình”, ông Dũng nói.
 
Đồng thời, ông giải thích: “Chúng ta không tự so sánh ta với ta nữa, mà so với thế giới để biết ta là gì, ta ở đâu. Cuối cùng, chúng tôi quay về nghiên cứu xem cái chỉ số này là gì.”.
 
Theo đó, chỉ số tiếp cận điện năng liên quan đến thời gian cấp điện, thủ tục, chi phí của thủ tục cấp điện, độ tin cậy và tính minh bạch của giá điện. “Như chi phí thì phải tính toán xem giá điện chiếm bao nhiêu GDP. Chúng tôi bắt đầu nghiên cứu, đánh giá và đưa ra giải pháp cải thiện chỉ số này. Đến năm 2019, chỉ số tiếp cận điện năng đã ở mức 27/190 quốc gia được Ngân hàng Thế giới xếp hạng” - ông Dũng cho hay.
 
Nhưng không phải đơn vị kinh doanh nào cũng thành công trong cải cách như vậy. Ông Đinh Việt Thanh, Trưởng ban Pháp chế Tập đoàn May 10, nêu: “Trong quá trình vận hành công ty, chúng tôi gặp khó khăn là có khi một vấn đề liên quan đến một bộ nhưng bộ đó lại giải thích là… đang nằm ở bộ kia. Chúng tôi hiểu hai bộ giải quyết không được thì lên mách Chính phủ. Chính phủ lại giao về cho hai bộ kia. Dĩ nhiên có vai trò cấp tỉnh nữa. Chúng tôi kéo đến chỗ nọ, chỗ kia như VCCI, hiệp hội… kêu khó”.
 
Phó Viện trưởng CIEM Phan Đức Hiếu nhận định: Điều ông Thanh nói có thể là sự phối hợp của các bộ, ngành… chưa tốt.
 
“Điều này cũng có nghĩa là khi ban hành nghị định, thông tư thì cơ quan nhà nước phải tính xem ban hành vì lợi ích nào. Lợi ích của bộ hay Chính phủ, hay của quốc gia? Liệu có còn để tình trạng “một chiếc bánh sôcôla cõng 13 giấp phép” hay không?”, ông Hiếu đặt câu hỏi.
 
Ông Đậu  Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, nhận xét: Về cải thiện môi trường kinh doanh, trước đây ta hay so sánh ta với ta. Sau đó ta thay đổi cách tiếp cận, tức là so sánh với các nước tốp đầu ASEAN như Singapore, Malaysia, Thái Lan. Nghị quyết 19 (sau này là 02) không còn những cụm từ chung chung như “đẩy mạnh, tăng cường, nâng cao, đi trước một bước…” nữa mà là đặt mục tiêu Việt Nam phải lọt vào top 4 ASEAN.
 
Có điều Việt Nam nhiều khi mất hàng chục năm chỉ để quay lại thực hiện công việc mà các nước đã làm rất đơn giản. Bởi vậy, Việt Nam nên phải nghĩ rằng: Các nước làm được thì ta cũng làm được. Thực thi là quan trọng, nếu chỉ lấy các văn bản báo cáo thì khó so sánh với thực tiễn. Khó đo được khoảng cách giữa lời nói và việc làm, giữa tuyên ngôn và hành động, giữa văn bản và thực thi.
 
“Ở góc độ cải thiện môi trường kinh doanh, nên có sự đánh giá độc lập và có góc nhìn thực tiễn. Câu hỏi cuối cùng phải trả lời là “Người dân, doanh nghiệp được hưởng lợi thế nào?”. Bởi vậy, các cơ quan tham mưu thiết kế chính sách phải có cơ quan giám sát. Nếu không, có khi người dân bảo chỉ cải cách trong phòng họp.
 
Minh Hoa