Cắt giảm điều kiện kinh doanh vẫn chỉ như gợn sóng nhỏ

21:13 | 27/12/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Văn bản mới giảm nhưng gánh nặng chưa giảm, cắt giảm điều kiện kinh doanh như “gợn sóng nhỏ”, còn nhiều chồng chéo trong pháp luật về đầu tư kinh doanh... Đây là những đánh giá được rút ra từ Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam năm 2019 được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố mới đây.

Theo Báo cáo của VCCI cho biết, năm 2019 là năm có số lượng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành ít hơn so với các năm trước đó. Theo Cổng thông tin Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật, tính đến hết tháng 11/2019, mới chỉ có 267 thông tư được ban hành, thấp hơn nhiều so với con số từ 500 - 800 thông tư của các năm trước đó. Đối với nghị định, cũng mới chỉ có 91 nghị định được ban hành, thấp hơn con số 155 nghị định cùng kỳ năm 2018, và mức 125 nghị định trong 11 tháng đầu năm 2017. Tuy nhiên, số lượng văn bản giảm không đồng nghĩa với việc khối lượng công việc xây dựng pháp luật của các bộ, ngành giảm.

Cắt giảm điều kiện kinh doanh vẫn chỉ như gợn sóng nhỏ - ảnh 1
 TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI.
Nhìn nhận về vấn đề này, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đánh giá, năm 2019 hàng trăm điều kiện kinh doanh đã được bãi bỏ và đơn giản hoá, nhưng quá trình rà soát điều kiện kinh doanh đang có và kiểm soát điều kiện mới ban hành vẫn còn nơi lỏng. Tương tự như vậy, các cơ quan quản lý đã quan tâm tới việc rà soát, cắt gọt các giấy phép con, nhưng còn nơi lỏng trong kiểm soát các giấy phép con mới ban hành.
Ngoài ra, T.S Vũ Tiến Lộc cho biết, trong khảo sát của VCCI còn cho thấy, vẫn còn tới 25 điểm xung đột, chồng chéo trong pháp luật liên quan đến đầu tư, sản xuất kinh doanh. Chính 25 điểm xung đột, chồng chéo này là cản trở rất lớn, làm chậm lại quá trình huy động nguồn vốn đầu tư ở cả khu vực công và tư vào phát triển kinh tế, xã hội; trong đó tập trung nhiều ở các mảng như đầu tư, đấu thầu, môi trường, nhà ở… Trong đó, không chỉ có sự chồng lấn về trình tự thủ tục mà còn thiếu thống nhất trong ban hành các điều kiện kinh doanh, liên quan đến các chính sách về hạn chế quyền kinh doanh. Cũng có trường hợp cá biệt là dịch vụ hàng hoá này được phép kinh doanh ở văn bản này nhưng ở văn bản khác lại bị cấm hoặc hạn chế kinh doanh.
Ông Lộc cũng chỉ ra thực tế là chính các cơ quan quản lý cũng bất lực trước sự thiếu thống nhất của các văn bản pháp luật. Các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt ở cấp bộ, ngành, địa phương thực sự lúng túng khi gặp phải các quy định chồng chéo như vậy. Họ thấy rằng nếu thực hiện thì có nguy cơ trái luật, mà thực hiện đúng thì rất lâu, khiến cơ hội kinh doanh của DN qua đi
Lý giải về việc này TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, sự chồng chéo này không mới mà đã tồn tại từ trước. Tuy nhiên, trước đây trong quá trình vận dụng thì thường các bộ, ban, ngành, địa phương tìm cách làm linh hoạt, còn bối cảnh hiện nay thì thường rất khó hoặc không thể vận dụng. Sự lúng túng đó đã dẫn đến thực trạng đáng lo ngại là trong 2 năm trở lại đây, tốc độ giải ngân các dự án tại địa phương chậm lại hơn hẳn, do việc hoàn thành các thủ tục rất khó khăn. Đây là giai đoạn có nhiều cản trở trong thực hiện các dự án vì có điểm chồng chéo, chưa minh bạch trong hệ thống pháp luật về quy định kinh doanh. Riêng trong năm vừa qua, các dự án hoàn thiện được thủ tục chỉ còn một nửa hoặc 1/3 so với các năm trước.
Cắt giảm điều kiện kinh doanh vẫn chỉ như gợn sóng nhỏ - ảnh 2
 Cắt giảm điều kiện kinh doanh tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển.
Do đó, ông Lộc đưa ra cảnh báo, tăng trưởng ngày mai tuỳ thuộc vào đầu tư của ngày hôm nay, nên nếu không tháo gỡ các rào cản đó, sẽ không thể tạo ra các dự án động lực cho tăng trưởng kinh tế trong tương lai.
Từ đó, Chủ tịch VCCI cho rằng việc tập trung giải quyết những vướng mắc trong cải cách thể chế sẽ là trọng tâm cho cải cách ở nước ta. Trong đó, để đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống các quy định pháp luật cần các đợt rà soát tổng thể. Đồng thời, ở mỗi giai đoạn cần xác định rõ các chính sách nào sẽ được sửa. Thêm vào đó, các cơ quan có vai trò gác cửa như Bộ Tư pháp cần phát huy hơn nữa vai trò của mình trong việc rà soát các chính sách pháp luật sắp được ban hành. Hướng về năm 2020, Chủ tịch VCCI kỳ vọng trong năm 2020 sẽ có đợt sóng thứ 3 trong cải cách và đơn giản hóa điều kiện kinh doanh.
Lo ngại về thực trạng cắt giảm điều kiện kinh doanh như hiện nay, TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, nếu tiếp tục giao cho từng bộ, ngành soạn thảo các văn bản cắt giảm điều kiện kinh doanh như hiện nay thì không thể giải quyết triệt để vấn đề. Bởi lẽ, từng bộ chỉ nhìn vấn đề theo góc độ chuyên môn của mình về quản lý nhà nước chứ không thể có cái nhìn tổng quát. Đó là chưa kể các lĩnh vực như đất đai, đầu tư, môi trường là cực kỳ phức tạp.
Ông kiến nghị để thực hiện việc này phải lập một tổ đặc biệt chỉ có chuyên gia và doanh nghiệp, không có cơ quan quản lý nhà nước, dưới sự chỉ đạo của ít nhất là Phó Thủ tướng, nếu Thủ tướng thì càng tốt và phải làm đầy đủ thời gian trong vài ba tháng. Đội ngũ này phải tập trung ngồi cùng một chỗ và soạn 1 luật sửa nhiều luật thì mới nhìn các vấn đề theo chiều ngang để tránh sự chồng chéo.
“Nhiều nội dung trong một số luật phải bãi bỏ hẳn để tạo ra sự thống nhất và không có nội dung nào chồng chéo. Nếu còn chồng chéo sẽ dẫn tới thẩm quyền chồng chéo”, ông Cung lưu ý.