Câu chuyện Giang Ơi bị tẩy chay: Bắt nạt không chỉ là đánh đấm

11:36 | 23/08/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Việc Giang Ơi bị tẩy chay khiến chúng ta phải nhìn nhận rằng bắt nạt không phải là một hành động, mà là một quá trình đẩy con người ta vào con đường cùng cực.
Chỉ trong vòng ít ngày, Giang Ơi lại trở thành gương mặt nóng trên mạng xã hội sau khi chia sẻ về tuổi thơ bị bạo hành của mình. Có người đứng ra bảo vệ cô nhưng cũng có người đã lên tiếng phủ nhận và đẩy trách nhiệm về hot Vlogger này.
 
giang oi bat nat
 

Màn tranh luận chưa có hồi kết

Sự việc được bắt đầu khi Vlogger Giang Ơi (Trần Lê Thu Giang) chia sẻ về quãng thời gian cấp 2 bị bạn bè tẩy chay của mình trên sóng truyền hình. Sự ruồng bỏ, xa cách của những người bạn xung quanh khiến cô cảm thấy lạc lõng, cô đơn. Biết rằng bản thân không thuộc về nơi này, cô đã quyết định sang Anh du học để kiếm tìm một chân trời mới.

Ngay sau đó, một số tài khoản mạng xã hội tự xưng là bạn học cấp 2 của Giang Ơi đã lên tiếng phản pháo điều này. Tất cả đều cho rằng không phải cả lớp tẩy chay cô mà thực tế chính cô đã tự xa rời mọi người.

L.V.H, một thành viên của nhóm nhảy nổi tiếng ST.319, trong bài chia sẻ dài trên facebook cá nhân đã chỉ đích danh Giang Ơi là người ngạo mạn và tự tin thái quá. “Giang luôn tự đánh giá bản thân quá cao, tự cho mình là khác biệt và khiến mọi người xa cách. Rõ ràng là nếu không xuất phát bởi một nguồn năng lượng tiêu cực từ Giang thì các bạn cũng sẽ không tránh như vậy”, L.V.H chia sẻ.

giang oi bat nat

Một bạn học khác tên T.T.V thậm chí còn gay gắt bày tỏ những lời lẽ xúc phạm, phân biệt ngoại hình Giang Ơi. Kết luận quan điểm của mình, người này cho rằng: “Mọi người không thích tính nên không chơi chứ không tẩy chay, ruồng bỏ hay có các hành vi bài xích nó nhé.”

Còn cô giáo chủ nhiệm của Giang Ơi lại bày tỏ “tôi đang rất sốc” trước những lời chia sẻ của youtuber hiện đang sở hữu hơn 1.3 triệu view. Cô còn cho rằng lớp học lúc đó rất vui vẻ, thân thiết chứ không hề có chuyện phân biệt, tẩy chay.

Trái ngược lại với các quan điểm trên, Vũ Dino (bạn thân của Giang Ơi) đã lên tiếng bảo vệ cô bạn của mình trong ngày 21/8. Anh khẳng định những gì cô nói hoàn toàn đúng. "Kẻ mạnh sẽ không thể hiểu được nỗi đau của người yếu thế trong tập thể nên đừng buông lời chỉ trích người yếu thế nữa! 15 năm rồi mà tập thể đó vẫn chưa dừng tẩy chay một người, vẫn cố gắng chỉ ra luận điểm của họ là mày không ai chơi là đáng", anh viết.

Nhân vật chính Giang Ơi hiện vẫn chưa có bất kỳ phản ứng chính thức về vấn đề này.

Bắt nạt không chỉ là đánh đấm!

Sẽ rất khó để có thể nhận định ai đúng ai sai trong câu chuyện này. Nhưng từ những chia sẻ của các bên liên quan, những mâu thuẫn trong nhận thức của cả hai phần nào được sáng tỏ.

Với cô giáo chủ nhiệm và các bạn học cấp 2 của Giang Ơi, những gì họ làm không phải “bắt nạt” hay “tẩy chay”. Đó chỉ là những lời lẽ trêu đùa về những khiếm khuyết có thật về cô bạn cùng lớp. Họ không hề có hành vi bạo lực đáng bị mọi người lên án. Đi kèm theo đó là quan điểm “trẻ con mà, trêu nhau tí rồi lại quên thôi”.

Tuy nhiên, họ quên mất rằng Giang Ơi cũng có suy nghĩ và cảm xúc riêng của mình. Những gì họ nghĩ không có nghĩa Giang cũng phải đồng tình và chấp thuận theo. Những lời lẽ tuy không để lại nỗi đau hữu hình nhưng hoàn toàn có thể biến thành con dao vô hình cứa sâu vào trái tim non nớt lúc bấy giờ của Giang.

giang oi bat nat

Bắt nạt không chỉ là đánh đấm, mà còn là những hành động đẩy con người ta vào con đường cùng cực của sự tuyệt vọng. Tẩy chay chính là một dạng bắt nạt tinh vi. Đôi khi chỉ một ánh mắt, nụ cười nửa miệng hay sự phớt lờ cũng có sự nguy hiểm hơn cả những trận đòn.

Sự thiếu hiểu biết của chính những người tẩy chay đã đẩy người bị tẩy chay vào một ngõ cụt không lối thoát. Đây không phải một hành động bình thường thường xảy ra với trẻ em đang ở độ tuổi trưởng thành như nhiều người vẫn lầm tưởng. Nó thật sự là một hành động đáng lên án trong xã hội. Bởi con người vốn dĩ có cơ chế sống theo cộng đồng. Tách một cá thể ra đồng nghĩa với việc họ sẽ đánh mất đi vai trò của mình. Lúc đó, cả thể đó sẽ sống sao khi không biết cuộc đời của mình sẽ đi về đâu?

Nhận thức sai lầm của những người xung quanh khiến họ không thể có sự sẻ chia và thấu cảm đúng mức với người bị tẩy chay. Điều này khiến những người bị tẩy chay càng trở nên bế tắc và tuyệt vọng hơn. Giang Ơi là ví dụ điển hình đến nỗi cô phải tới một vùng đất mới để tìm sự giải thoát cho bản thân.

Đã tới lúc cần thay đổi nhận thức

Không phải tới bây giờ những vụ tẩy chay “vô hình” như với Giang Ơi mới xuất hiện. Thậm chí, điều này đã ngấm ngầm xuất hiện từ lâu trong đời sống học đường. Sự ngấm ngầm của nó bền chặt đến nỗi nhiều người còn chấp nhận đó là chuyện hiển nhiên không thể tránh khỏi.

Sự phát triển của Internet càng làm lún sâu hơn tư duy này của nhiều người bằng những video bắt nạt đánh nhau đầy rẫy trên mạng. Điều này tạo nên một định kiến nghĩ tới tẩy chay là nghĩ tới bạo lực.

giang oi bat nat

Đã tới lúc mọi người cần thay đổi suy nghĩ này. Trong bối cảnh xã hội hiện đại, bất kỳ ai cũng cần được tôn trọng cá tính riêng của mình. Sự tôn trọng sẽ giúp những cá nhân có thể phát huy hết tối đa khả năng của bản thân.

Điều này đặc biệt cần thiết trong môi trường giáo dục, khi nhân cách học sinh vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Chỉ cần một hành động không phù hợp, con đường tương lai của một người hoàn toàn có thể thay đổi.

Không phải ai cũng may mắn như Giang Ơi!

VIDEO: Hot Vlogger Giang Ơi bị tố nói sai sự thật

Quang Anh (T/h)