Cây đè chết người ở TP.HCM: Ai chịu trách nhiệm, bồi thường thế nào?

12:57 | 25/09/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sáng 25-9, nạn nhân bị cây đè chết ở đường Nguyễn Tri Phương (quận 10) vào chiều hôm qua đã tử vong tại bệnh viện.
Trước đó, khoảng 15h30 ngày 24/9, trong cơn mưa to gió lớn, cây dầu cổ thụ cao hơn 30 m, đường kính gốc gần 1 m bất ngờ bật gốc, ngã xuống ở đường Nguyễn Tri Phương (quận 10) TP. Hồ Chí Minh .Cây đổ, đè trúng một người đi xe máy trên đường. Nạn nhân được người dân đưa đi bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu. Tại hiện trường, thân cây nằm chắn ngang đường, nhiều bảng hiệu và xe gắn máy của người dân trên vỉa hè bị hư hỏng.
 

Công viên Cây xanh TP HCM nói gì?

TPHCM-Cay-de-chet-nguoi-o-duong-Nguyen-Tri-phuong-nan-nhan-co-duoc-boi-thuong
 
Bệnh viện Chợ Rẫy xác nhận người thanh niên 30 tuổi bị cây xanh ngã đè trên đường Nguyễn Tri Phương đã qua đời sau khi nhập viện cấp cứu trong đêm qua. Sau khi bị cây xanh ngã đè trúng, nam thanh niên đã được chuyển vào bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu. Bệnh viện tiếp nhận và xác định người này bị gãy hở 1/3 xương quai vai bên phải, giập nát phần mềm cẳng tay… Nạn nhân ban đầu được xác định bị chấn thương sọ não, tình trạng nạn nhân bị đa chấn thương nặng.không có giấy tờ tùy thân và điện thoại bị vỡ nên chưa xác định được người thân.
 
Đến sáng 25-9, ban giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy thông báo nạn nhân đã tử vong, trên người không mang giấy tờ tùy thân. 
 
Sau khi nghe tin nạn nhân bị cây đè cấp cứu khẩn cấp tại Bệnh viện Chợ Rẫy (quận 5) trong tình trạng nguy kịch, không người thân, đại diện Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP HCM đã cử người túc trực hỗ trợ. Theo phía công ty, cây ngã đổ đã được cắt tỉa cành theo kế hoạch duy tu trong mùa mưa do Sở Xây dựng TP HCM chỉ đạo. Nguyên nhân xác định ban đầu do mưa to, gốc cây có dấu hiệu suy kiệt do không đủ đất để bám. 
 

Nạn nhân có được bồi thường?

TPHCM-Cay-de-chet-nguoi-o-duong-Nguyen-Tri-phuong-nan-nhan-co-duoc-boi-thuong
 
Trả lời Báo Lao động, luật sư Nguyễn Tri Đức - Công ty Luật 360 (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, theo luật định tại Điều 604 Bộ luật Dân sự hiện hành thì “chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra”. Do đó, thiệt hại tai nạn do cây xanh gãy, đổ… gây ra thì cá nhân, đơn vị chủ sở hữu, chiếm hữu, đơn vị được giao quản lý cây xanh phải chịu trách nhiệm bồi thường.
 
Dù vậy thực tế không phải mọi trường hợp tai nạn liên quan đến cây xanh đều được bồi thường. Bởi lẽ theo Điều 156 và Điều 584 Bộ luật Dân sự hiện hành nếu các đơn vị quản lý cây xanh đã làm mọi công tác bảo vệ chăm sóc, biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt đốn hạ cây, cành hư hỏng mục rỗng nhằm loại trừ các sự cố nhưng tai nạn vẫn xảy ra  bởi mưa, gió, bão làm cây xanh gãy, đổ, bật gốc… gây thiệt hại cho người đi đường thì đây được xem là sự kiện bất khả kháng vì vậy đơn vị quản lý cây xanh hoặc sẽ không phải bồi thường.
 
Luật sư Nguyễn Tri Đức cũng cho rằng các vụ tai nạn do cây xanh gây thiệt hại về nhân mạng và tài sản cần phải được xử lý một cách nghiêm minh. Không thể bất cứ vụ tai nạn do cây xanh đổ gãy cứ mặc nhiên đều xem là trường hợp bất khả kháng.
 
Điều đáng nói hiện nay vẫn chưa có vụ tai nạn nào tương tự như trường hợp trên được tiến hành điều tra xử lý một cách thấu đáo. Vô hình chung điều này tạo ra tiêu cực về việc ỷ lại do cơ chế hoặc tắc trách là điều khó tránh khỏi.
 
“Mặc dù theo luật định về nghĩa vụ bồi thường theo qui định tại Điều 604 Bộ luật Dân sự hiện hành, tuy nhiên hiện nay vẫn chưa có qui định cụ thể về nguồn tài chính cho các đơn vị quản lý cây xanh sử dụng cho việc bồi thường (nếu có). Do đó mặc nhiên tạo ra tiền lệ mọi trường hợp cây gãy đổ là “bất khả kháng” để không chịu trách nhiệm là một điều vô cùng bất cập, không thể chấp nhận được. Do đó các nhà làm luật cần kiện toàn cụ thể, qui định về nghĩa vụ trách nhiệm đối với các đơn vị, cá nhân liên quan cần nhìn nhận những thiếu sót trong việc quản lý chăm sóc kiểm tra cây xanh (nếu có) dẫn đến sự cố gây thiệt hại”- luật sư Nguyễn Tri Đức nhìn nhận.
 
Luật sư cho rằng cần có điều luật mạnh với biện pháp chế tài hình sự đối với hành vi xâm hại cây xanh dẫn đến tình trạng gãy đổ gây ra những hậu quả đáng tiếc. Bởi lâu nay mức xử phạt hành chính không đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, các cơ quan thẩm quyền quản lý nhà nước cần khẩn trương có chính sách, chế độ khắc phục bồi thường thiệt hại cho người dân một cách thiết thực kể cả việc hỗ trợ người dân trong cả trường hợp bất khả kháng (nếu có), qua đó thể hiện tính nhân đạo, văn minh là điều vô cùng cần thiết.
 
Nguyễn Dung