CEO Alobase: Xác định rõ nhu cầu thị trường quyết định sự tồn tại của start-up

17:28 | 26/10/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Chỉ sau hơn một năm hoạt động, Alobase - start-up kết nối kiến trúc sư và người sử dụng đã gặt hái được nhiều thành công trên sàn đấu quốc tế. Thành tích nổi bật nhất của họ là đạt Top 5 cuộc thi khởi nghiệp dành cho người Việt toàn cầu VietChallenge 2017 và Top 25 start-up tiềm năng tại Singapore.

Thị trường tiềm năng trị giá 90 tỷ đô la Mỹ

Nguyễn Huy Hoàng - Sáng lập Alobase cho hay, ý tưởng thành lập ứng dụng này xuất phát từ một câu chuyện đời thường. Năm 2016, em trai Hoàng chuẩn bị kết hôn và có nhu cầu xây nhà. Mất hơn một tháng tìm kiến trúc sư trên mạng, thậm chí qua người quen giới thiệu mà gia đình trẻ vẫn không tìm được đơn vị nào ưng ý. Nhận thấy cách thức tìm kiến trúc sư truyền thống tốn nhiều thời gian, chi phí cao lại không thỏa mãn yêu cầu gia chủ, Hoàng cùng đội ngũ tiến hành khảo sát nhu cầu thị trường, nhắm vào đối tượng dân văn phòng, người sắp kết hôn.

“Khi nghiên cứu thị trường, chúng tôi thấy khách hàng đang gặp phải những vấn đề như không có kiến thức, kinh nghiệm, tốn quá nhiều thời gian tìm kiếm kiến trúc sư chất lượng… Họ không xác minh được nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm nội thất hay vật liệu các bên cung cấp. Vì thế, chúng tôi nảy ra ý tưởng về một cầu nối công nghệ Alobase giúp khách hàng so sánh các mẫu nhà, giá cả và tìm kiếm kiến thức từ trang cộng đồng của Alobase, giúp đảm bảo chất lượng của các đơn vị thi công”, Hoàng chia sẻ.

CEO Alobase: Xác định rõ nhu cầu thị trường quyết định sự tồn tại của start-up - ảnh 1
CEO Nguyễn Huy Hoàng của Alobase

Cụ thể, từ việc phân tích các yêu cầu mà người dùng đăng lên website, Alobase sẽ sử dụng thuật toán để giới thiệu, kết nối tới kiến trúc sư phù hợp nhất, xét trên các tiêu chí tương đồng về phong cách kiến trúc, địa lý, mức giá… Sau khi tìm được chuyên gia, chủ nhà sẽ được đội ngũ này hỗ trợ lên ý tưởng rồi đến tận nơi khảo sát thực địa, tư vấn thiết kế theo sở thích... Quá trình này có thể giúp khách hàng tiết kiệm 80% thời gian và 20% chi phí so với cách thức truyền thống.

Hoàng nhận định: “Thị trường chúng tôi hướng tới trị giá 90 tỷ đô la Mỹ bao gồm các shop, hộ gia đình và văn phòng. Theo thống kê của World Bank, hằng năm trên thế giới có 200 triệu hộ gia đình mới, tại Việt Nam có hơn 500 nghìn hộ gia đình mới và người Đông Nam Á sẵn sàng chi 32% tiền tiết kiệm cho hoạt động xây sửa nhà. Vì vậy, thị trường chúng tôi hướng đến khá tiềm năng”.

Lợi thế cạnh tranh của Alobase là xây dựng được thuật toán phù hợp và biết cách thu phí trên mỗi giao dịch, xây dựng hệ thống hợp đồng thông minh, đáp ứng được kì vọng cao hơn của khách hàng trong vấn đề nội thất. Alobase thu 5% giá trị giao dịch trên mỗi hợp đồng hoàn tất và thu phí thường niên với các nhà cung cấp là 199 đô la Mỹ/năm khi tham gia vào hệ thống.

Hiện, Alobase có hơn 9000 người đăng kí, 300 đối tác tham dự vào hệ thống bao gồm các bên cung cấp, công ty kiến trúc, phong thủy, vẽ tranh tường… Doanh thu trong 8 tháng đầu năm 2018 đạt hơn 12.000 đô la Mỹ. Kế hoạch của nhóm dự án trong thời gian tới là gọi khoản đầu tư 150.000 đô la Mỹ trong 24 tháng và dự định sẽ dành một nửa chi trả cho các hoạt động marketing.

Đừng cung cấp sản phẩm mà chẳng ai cần

Thời kỳ đầu khởi nghiệp, Hoàng cùng đội ngũ vận hành Alobase gặp nhiều khó khăn. Một trong những thách thức lớn nhất là Hoàng cùng đội ngũ sáng lập phải đảm nhận thêm những vai trò mới, chưa từng làm trước đây. Start-up cũng mất khá nhiều thời gian để xây dựng quy trình hoạt động, thử nghiệm và thay đổi liên tục theo đánh giá của khách hàng để cho ra sản phẩm tốt nhất. Hiện đội ngũ đang tiếp tục cập nhật, cải tiến công nghệ của sản phẩm, thực hiện tham vọng chinh phục thị trường trong nước và mở rộng ra quốc tế trong ba năm tới.

CEO Alobase: Xác định rõ nhu cầu thị trường quyết định sự tồn tại của start-up - ảnh 2
Giao diện web của Alobase (Ảnh chụp màn hình)

Chia sẻ về những kinh nghiệm rút ra sau hành trình khởi nghiệp nhiều gian nan, Hoàng nhắn nhủ, để khởi nghiệp và sinh tồn được trong giai đoạn đầu, phải kiên trì, không nản chí, có khi phải 2 đến 3 năm sau mới thấy kết quả, nhất là với một số lĩnh vực đòi hỏi thời gian nghiên cứu và chất xám lớn. Tiếp đến là khả năng học hỏi, vì từ ý tưởng đến hiện thực là một quá trình liên tục điều chỉnh và thích nghi. Thích nghi với thị trường, với nhà cung cấp, với đội ngũ, với nhà đầu tư, nếu không có khả năng tự học và lắng nghe thì chắc chắn sẽ không thể trụ lại được.

“Việc xác định rõ thị trường cần gì quyết định sự tồn tại của start-up. Tôi đã chứng kiến nhiều start-up gọi vốn thành công vẫn chết như thường, dù ở Việt Nam hay nước ngoài, số này thực ra là rất nhiều. Bài học tôi có được từ những câu chuyện đó là họ cung cấp sản phẩm ra thị trường mà chẳng ai cần”, Hoàng nhấn mạnh.

ĐỌC NHIỀU