Mekong Rustic ra đời bằng niềm đam mê nhiệt thành đối với du lịch cộng đồng của doanh nhân Nguyễn Ngọc Bích. Không chỉ là sản phẩm du lịch, Mekong Rustic là tâm huyết của người sáng lập trong việc tạo dựng một cộng đồng du lịch có trách nhiệm, bền vững, tạo sinh kế cho chính người dân địa phương. 

Năm 2013, doanh nhân Nguyễn Ngọc Bích đưa ra một quyết định khó khăn - bán công ty  Active Travel ở Hà Nội để Nam tiến. Không chọn những thành phố sầm uất, nhộn nhịp, vùng đất anh muốn ươm mầm ý tưởng mới là đồng bằng sông Cửu Long sông ngòi chằng chịt. Nhiều người cho rằng đây là ngã rẽ sai lầm khi thấy anh bỏ lại sau lưng sự nghiệp tại thủ đô và gần như trở lại vạch xuất phát tại một miền đất lạ. 

Chỉ bản thân anh lúc đó mới biết mình muốn gì và có gì. Trong tay anh là số tiền ít ỏi, còn vốn liếng lớn nhất là niềm tin mãnh liệt vào hành trình mới tìm nguồn cảm hứng cho du lịch cộng đồng tại đồng bằng sông Cửu Long. Mảnh đất này đất vốn trù phú, tốt tươi, con người hào sảng, nhưng anh thấy rằng du lịch chưa thực sự tạo ấn tượng xứng đáng với tiềm năng vốn có. 

Anh muốn đích thân về miền Tây sông nước để tận mắt tìm hiểu nguyên nhân tại sao vùng đất quá nhiều tiềm năng nhưng các sản phẩm du lịch bao năm vẫn đơn điệu, một màu. Và anh đau đáu muốn tìm đáp án cho câu hỏi: “Du khách đến đây thật sự muốn gì?”.

 

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng với chợ nổi tấp nập, những vườn trái cây trĩu quả và những điệu đờn ca tài tử say đắm lòng người. Dạo một vòng miền sông nước, doanh nhân Nguyễn Ngọc Bích nhận thấy du khách muốn nhiều hơn thế. Họ muốn ghé vào vườn, trò chuyện và xem người nông dân trồng cây trái, họ muốn thử làm những món bánh dân dã, nghe kể về những câu chuyện của mảnh đất đầy ắp cá tôm này. 

Những suy nghĩ đó thôi thúc anh tìm đến một vài hộ gia đình ở Cái Bè, Tiền Giang và thuyết phục họ hợp tác làm homestay. Những ngày đầu gầy dựng đứa con Mekong Rustic khó khăn không đếm xuể. Khi ấy, doanh nhân Nguyễn Ngọc Bích có một danh sách dài những việc phải làm, từ việc chọn hộ dân triển khai mô hình đến đào tạo, huấn luyện họ cách thức làm dịch vụ, đưa đoàn khảo sát và liên tục điều chỉnh.

Những thách thức ban đầu - doanh thu là con số 0 tròn trĩnh và tương lai vô định dường như muốn đánh gục khát khao của anh. Nhưng những lúc tưởng chừng buông xuôi nhất, anh lại nghĩ về lý do bắt đầu và tìm thấy động lực từ những người cộng sự, những người dân Cái Bè hào sảng mà anh coi như anh em ruột thịt.

Ban đầu, Mekong Rustic chỉ là một căn nhà được ngăn ra làm 4 phòng homestay cho khách thuê trước khi 2 căn bungalow đầu tiên được xây dựng. Khi lượng khách tăng dần, anh mở thêm 10 căn bungalow nữa. Đến nay, Mekong Rustic đã có thêm chi nhánh tại Cần Thơ. 

 

Nhận thấy du khách, nhất là khách quốc tế, sẵn sàng chi trả để có trải nghiệm chân thực nhất về điểm đến, Mekong Rustic xây dựng các tour khám phá chú trọng vào trải nghiệm của du khách, cho họ cơ hội hòa vào cuộc sống của bà con nhằm giúp họ hiểu một cách sâu sắc cái hồn của vùng đất này từ văn hóa, ẩm thực cho đến con người. Đi chợ nổi, bắt cá, làm bánh, ghé thăm các làng nghề… những trải nghiệm Mekong Rustic mang đến dần trở thành khẩu vị được du khách phương Tây cực kỳ ưa chuộng. 

CEO Nguyễn Ngọc Bích xác định ngay từ đầu rằng việc đào tạo người dân sẽ mất công sức và thời gian, không phải ngày một ngày hai mà thấy kết quả. Hướng dẫn những người cộng sự, anh Bích không bao giờ chọn cách bảo “Anh phải làm thế này, chị phải làm thế kia”, mà thay vào đó, người thuyền trưởng của Mekong Rustic nỗ lực mang khách về, tạo ra một môi trường để họ thực hành.

Thời gian đầu, anh phải đi đi về về giữa Hà Nội và TP HCM liên tục. Mỗi lần vào Nam anh ở hẳn 20 ngày, tranh thủ xuống Tây Nam Bộ để cầm tay chỉ việc cho người dân. Vì người dân chưa có tư duy dịch vụ nên anh cũng phải dùng ngôn ngữ thật đơn giản, dễ hiểu để truyền đạt. Anh chụp ảnh lại cách để bát, đũa sao cho đúng cách, anh quay từng clip trải ga giường sao cho đẹp rồi cho người dân xem để làm theo, quan sát cách họ phục vụ, sau khi khách rời đi thì sẽ ngồi lại để góp ý. “Khách đến nhà mình đón tiếp như người thân từ xa về thì mới khiến họ nhớ và quay trở lại”, anh luôn căn dặn những người cộng sự như thế. 

 

 Những hướng dẫn viên đưa khách đi tham quan cũng đều là người địa phương, bởi anh tin rằng chính những người sinh ra ở đây mới truyền tải hết sự đam mê và niềm tự hào đối với văn hóa bản địa. Và hơn hết, anh trăn trở rằng sản phẩm du lịch cộng đồng phải thực sự tạo ra công ăn việc làm, thay đổi tư duy của người dân, giúp họ cải thiện kinh tế của bản thân, gia đình. Sau nhiều năm hoạt động, điều Mekong Rustic cảm thấy tự hào là đã tạo thu nhập ổn định cho những hộ dân đồng hành cùng mình. Trong những mùa cao điểm, mỗi hộ tham gia cùng Mekong Rustic có thu nhập trung bình từ 15 đến 20 triệu mỗi tháng. 

Khi khách đông dần, anh bắt đầu tạo cơ hội cho những hộ dân khác. Họ đều là những người yêu thích làm du lịch, ham học hỏi nên cẩn thận ghi chép và làm theo, khi thành công, hướng dẫn lại cho người theo sau. “Một người không có động lực rất khó theo ngành dịch vụ. Mọi người thường muốn đầu tư ít và thu tiền ngay. Nhưng thực tế, một sản phẩm phải đầu tư thời gian, tiền bạc và chất xám thì mới bền lâu được”, CEO Mekong Rustic nói. 

Ra đời từ quyết định Nam tiến của CEO Nguyễn Ngọc Bích mà nhiều người nghĩ là sai lầm, Mekong Rustic đã mang sức sống mới cho du lịch cộng đồng vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cái tên Mekong Rustic nói thay những ấp ủ mà người sáng lập muốn gửi gắm - một sản phẩm du lịch đậm chất mộc mạc, dung dị của thôn quê, tại đó, du khách có thể cảm nhận một cách chân thực nhất về cái hồn của người miền Tây Nam Bộ. 

 


Dịch Covid-19 như một cơn sóng thần ập đến với ngành du lịch. Nhưng trong nguy luôn có cơ. Đại dịch dường như càng dồn nén nhu cầu du lịch, chỉ chờ cơ hội để bung ra. Đồng thời, dịch Covid-19 cũng như một cuộc thanh lọc để ngành du lịch tạo ra những xu hướng và sản phẩm mới. Hậu Covid-19, ngành du lịch dịch chuyển sang xu hướng có tính chất "chữa lành" khi con người quan tâm đến sức khỏe nhiều hơn, bao gồm cả sức khỏe tinh thần. Đồng thời, du khách chú trọng chất lượng dịch vụ nhiều hơn, nhu cầu và khả năng chi trả ngày càng cao. 

“Ngành du lịch cho thấy xu hướng tập trung vào các sản phẩm cải thiện sức khỏe và tinh thần như đạp xe, ăn uống thực dưỡng, thiền, yoga, trị liệu. Khách muốn trải nghiệm những điểm đến xanh. Du lịch gắn liền với việc bảo vệ cảnh quan môi trường, phát triển bền vững. Đây cũng là xu hướng chung của du lịch toàn thế giới sau Covid-19”, CEO Nguyễn Ngọc Bích nhận định. 

Trong bức tranh chung của du lịch hậu Covid du lịch cộng đồng càng thể hiện được vai trò tổng hòa các giá trị về cảnh quan, văn hóa, con người và phát triển kinh tế địa phương. Theo nhà sáng lập Mekong Rustic, du lịch cộng đồng cần phát triển làm sao để trở thành kênh xuất khẩu nông sản tại chỗ giảm áp lực đầu ra cho người nông dân, tạo sinh kế cho người dân, phát huy vai trò lan tỏa văn hóa bản địa đến khách du lịch, giúp phát triển kinh tế địa phương bền vững.

 

Theo anh, du lịch cộng đồng tại Việt Nam nhiều lợi thế với nền nông nghiệp, làng nghề đa dạng và văn hóa vùng miền phong phú. Mỗi nơi đều mang một màu sắc riêng. Chẳng hạn, Pù Luông có ruộng bậc thang, vịt Cổ Lũng, bản làng người Thái, còn đồng bằng sông Cửu Long có chợ nổi, miệt vườn, đờn ca tài tử. Bài toán đặt ra là làm sao biến các tài nguyên này thành sản phẩm du lịch. 

Qua nhiều năm nghiên cứu và tư vấn về du lịch cộng đồng, anh Nguyễn Ngọc Bích cho rằng ở Việt Nam, du lịch cộng đồng hiện tại chỉ như là một giải pháp tạo sinh kế cho người dân địa phương, nhưng chưa thực sự phát triển mạnh mẽ như một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines. Anh cho rằng du lịch cộng đồng Việt Nam hiện tại chỉ mới khai thác được 30% tiềm năng sẵn có. Nhiều gia đình vẫn làm du lịch theo kiểu “có gì làm nấy”, chưa có sự chuẩn bị chỉn chu và hoạt động chuyên nghiệp. Ngược lại, nếu biết cách khai thác, du lịch cộng đồng có thể mang lại nguồn thu nhập lớn và ổn định. 

Trong quá trình đi tư vấn du lịch cộng đồng cho các địa phương anh tiếp xúc rất nhiều người dân. Một lần nọ, anh hỏi chủ một homestay: Bác thường kiếm được bao nhiêu tiền từ một khách. Bác trả lời: 450.000 đồng. Anh hỏi tiếp: Thế nếu bác muốn thu được 2 triệu mỗi khách thì bác nghĩ nên làm gì? Bác ấy lắc đầu, anh kể. “Người dân họ chưa biết làm thế nào để dịch vụ tốt lên hoặc đa dạng hoạt động để có thể tạo thu nhập nhiều hơn từ du lịch. Du lịch cộng đồng không thể theo kiểu 'có gì làm nấy' được nữa, mà cần thay đổi để phù hợp với thị hiếu của du khách”, CEO Nguyễn Ngọc Bích trăn trở. 

 

Trên thế giới, nhiều nước có nền du lịch cộng đồng thành công có thể kể đến như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines... Lấy ví dụ làng Inakadate, Nhật Bản đã quảng bá thành công hình ảnh của mình thông qua loại hình nghệ thuật Tanbo độc đáo, tạo hình trên cánh đồng lúa, thu hút hàng trăm ngàn khách đến mỗi năm. Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO) hợp tác với Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO) bình chọn làng tốt nhất trên thế giới. Theo anh, đây là một sáng kiến rất hay để quảng bá văn hóa, ẩm thực địa phương. 

Từ những dẫn chứng đó,, anh Bích muốn nhấn mạnh, để du lịch cộng đồng phát huy đúng tiềm năng vốn có, sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý du lịch rất quan trọng. “Cơ quan xúc tiến đóng vai trò như cầu nối quảng bá điểm đến, sản phẩm du lịch. Các địa phương nên chọn các khu vực đa dạng về nông nghiệp, văn hóa để phát triển du lịch cộng đồng”, anh Bích đề xuất. 

Bên cạnh đó, trong du lịch cộng đồng, người dân là trụ cột quan trọng. Làm sao để các hộ dân phát huy hết thế mạnh, chuẩn hóa dịch vụ là điều anh luôn trăn trở. Founder Mekong Rustic cho rằng, việc đầu tiên cần làm là phải thay đổi tư duy của người dân về tài nguyên du lịch.

“Người dân vẫn nghĩ rằng cánh đồng lúa, vườn trái cây họ thấy hằng ngày quá đỗi bình thường, họ không nhận ra những điều tưởng chừng không có gì đặc biệt ấy lại mang ý nghĩa to lớn với khách du lịch. Trước hết, cần cho người dân nhận thấy tài nguyên nông nghiệp, văn hóa ở chính nơi ở giúp mang lại thu nhập bền vững, họ sẽ sẵn sàng tham gia”.

Bước tiếp theo không kém phần quan trọng là hướng dẫn người dân đa dạng sản phẩm du lịch cộng đồng, nâng cấp chất lượng dịch vụ của địa phương, cải thiện cơ sở hạ tầng và kỹ năng làm du lịch để đáp ứng nhu cầu và khả năng chi trả ngày càng cao của khách du lịch. “Nếu không thay đổi và không cho thấy sự sẵn sàng đón khách thì khách sẽ không quay trở lại nữa”, CEO Mekong Rustic nhấn mạnh, "Bởi xu hướng ngày càng thay đổi, du khách ngày càng có nhu cầu được ở những nơi tiện nghi, riêng tư, ăn nông sản sạch, hữu cơ". 

Doanh nghiệp khi đến một địa phương không nên chỉ tận dụng tài nguyên để phát triển kinh doanh mà còn phải mang lại lợi ích cho người dân ở các mặt: thu nhập, nhận thức, tinh thần và văn hóa. Đây mới là phát triển bền vững và là hướng đi đúng đắn của du lịch cộng đồng. Trong du lịch cộng đồng, doanh nghiệp càng nên thể hiện vai trò cầu nối giữa du khách và địa phương. Nói cách khác, doanh nghiệp sẽ đóng vai trò định hướng chất lượng của dịch vụ cũng như hỗ trợ quá trình trao đổi văn hóa giữa du khách và người dân. Từ đó, người dân có thể tiếp thu những mặt tích cực, kiến thức mới, cải thiện cuộc sống của chính bản thân, gia đình và phát triển kinh tế địa phương. 

Và chúng ta sẽ có một cộng đồng du lịch có trách nhiệm. 

 

 

Theo nhà nghiên cứu Nicole Hausle và Wollfgang Strasdas: "Du lịch sinh thái cộng đồng là một hình thái du lịch trong đó chủ yếu là người dân địa phương đứng ra phát triển và quản lý. Lợi ích kinh tế có được từ du lịch sẽ đọng lại nền kinh tế địa phương".

Mới đây, tại Hội nghị Cấp cao Toàn cầu của UNWTO về Du lịch Cộng đồng, Giáo sư Jafar Jafari, biên tập viên sáng lập Biên niên sử Nghiên cứu Du lịch (Annals of Tourism Research) nhận định: "Một nơi đáng sống sẽ là một nơi đáng để đi du lịch". Giáo sư cho rằng, du lịch cộng đồng phải là tổng hòa của sức khỏe, sung túc và hạnh phúc cho cả cộng đồng và khách du lịch.

Giáo sư Jafari đã đưa ra 7 chữ “S” về ngành du lịch sau đại dịch, đó là: Safety - an toàn, Security - an ninh, Sanitation - vệ sinh, Service - dịch vụ, Sympathy - đồng cảm, Small - Nhỏ, đơn giản, Sustainability - Bền vững.

Phương Lê 

Ảnh: Mekong Rustic