“Không cần phải là một chuyên gia kinh tế hay chủ doanh nghiệp, cứ hỏi bất kỳ người bán hàng rong nào trên phố cổ, họ cũng thấm hơn ai hết những chật vật trong suốt 2 năm dịch COVID-19 bùng phát và khách Tây vắng bóng. Nhiều người có thể tìm cho mình một con đường khác, nhưng chúng tôi thì không thể rẽ hướng. Đằng sau chúng tôi là hàng trăm người lao động, và hơn cả là sứ mệnh nối nghiệp những thế hệ trước. Bằng mọi giá phải mở cửa, bằng mọi giá phải tồn tại”, đó là chia sẻ của CEO Tân Mỹ Design Nguyễn Thùy Linh, thế hệ thứ ba trong gia đình 53 năm gắn bó với nghề thêu truyền thống. 

 

Câu chuyện về gia tộc “mẫu hệ” đứng sau thương hiệu Tân Mỹ bắt đầu từ năm 1969, khi cụ bà Bạch Thị Ngải, bà ngoại của CEO Nguyễn Thùy Linh, mở một cửa hàng bán đồ thêu tay trong ngõ 109 phố Hàng Gai để kiếm tiền trang trải cho gia đình đông con trong những năm tháng bao cấp. Dần dà, với bàn tay khéo léo và những sản phẩm thêu truyền thống ngày một đa dạng, thương hiệu Tân Mỹ cùng cụ bà Bạch Thị Ngải ngày càng nổi tiếng.

Cửa hàng vỏn vẹn 20 mét vuông nằm sâu trong ngõ nhỏ của bà Ngải khi ấy vẫn đông đúc khách ghé thăm. Nhất là dịp cuối tuần, có những chuyên gia người Thụy Điển, người Nga làm tại nhà máy giấy Bãi Bằng và nhiều nơi khác tìm đến đặt hàng lưu niệm để mang tặng người thân, gia đình những khi về nước hay được nghỉ phép.

Sau này, bà Đỗ Thanh Hương, người con gái duy nhất của cụ bà Ngải, trở thành thế hệ thứ hai nối nghiệp nghề thêu tay của gia đình và đưa Tân Mỹ gần hơn đến du khách quốc tế, với một cửa hàng sang trọng ở mặt tiền phố Hàng Gai. Thế hệ thứ ba trong gia đình, chị Nguyễn Thùy Linh giờ đây nối tiếp sứ mệnh ấy.

Năm 2019, thời điểm trước đại dịch, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy Hà Nội đón khoảng 29 triệu lượt du khách. Trong đó, khách quốc tế đạt khoảng 7,025 triệu lượt, tương đương 40% tổng lượt du khách quốc tế đến Việt Nam. Chỉ một năm sau đó, năm 2020, khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu, chỉ có 1,11 triệu lượt khách quốc tế đến Hà Nội. Sang năm 2021, khách quốc tế gần như vắng bóng. Ngành du lịch thiệt hại nặng nề, những ngành nghề liên quan chịu tác động nghiêm trọng. 

Dù đã cùng doanh nghiệp trải qua 2 lần khủng hoảng trước đó, một lần khi dịch SARS bùng phát năm 2003 và một lần khi tái cơ cấu hoạt động kinh doanh năm 2009, CEO Tân Mỹ Design Nguyễn Thùy Linh vẫn cho rằng cuộc khủng hoảng thứ ba - sự bùng phát dịch COVID-19 - đã gây tác động nghiêm trọng gấp hàng mấy chục lần những thách thức trước đây.

Những khó khăn trong dịch bệnh, khi showroom có thời điểm phải đóng cửa nhiều tháng trời với doanh thu gần như bằng 0 có lẽ là câu chuyện chung mà doanh nghiệp nào cũng hiểu. Ngay cả khi được mở cửa trở lại, Tân Mỹ tiếp tục đứng trước những thách thức mới: giá nguyên vật liệu tăng, nhiều nhân công không thể bám nghề đã đi tìm công việc khác. 

“Chúng tôi mất một lượng lớn nhân công thêu tay lành nghề, những người rất khó để tuyển thay thế. Với những nhân công còn trụ lại, mức thu nhập cũng cao hơn do lượng công việc lớn hơn cùng các yếu tố như lạm phát… Mọi chi phí đội lên và doanh nghiệp phải gồng mình. Nhưng không thể tăng giá, cũng không thể giảm lương hay cho thợ nghỉ việc”, chị Linh chia sẻ. “Doanh nghiệp đói, tồn tại được là nhờ khoản tiền tích góp trong những năm doanh nghiệp khỏe”.

 

 

Sau dịch SARS, đại dịch COVID-19 một lần nữa khiến chị Linh nhận thức được mặt trái của mô hình kinh doanh của Tân Mỹ: sự quá phụ thuộc vào du khách nước ngoài. Nữ CEO do đó càng thêm quyết đoán trong việc xoay trục khách hàng, tìm cách giảm sự phụ thuộc vào khách ngoại thông qua thúc đẩy thương mại tại thị trường trong nước. Đây là chiến lược khác hoàn toàn so với hai thế hệ đi trước của Tân Mỹ, cũng là ván cược “tất tay” mà ngay cả trước đại dịch, chị Linh cũng đã tính tới.

Những thay đổi đầu tiên đến từ phương diện sản phẩm: phải phù hợp hơn với thị hiếu người tiêu dùng nội. Từ khăn tay, tấm áo dài, váy lụa cho đến chăn, ga, gối đều được đưa vào nhiều hơn những họa tiết gần gũi với người Việt và văn hóa phương Đông như hoa đào, hoa sen, hoa cúc… Sản phẩm cũng đa dạng hơn, gồm cả những sản phẩm sơn mài nghệ thuật, nội thất, trang sức… và mặt bằng giá giữ ở mức ổn định để thu hút đối tượng khách hàng phong phú hơn. 

Thay đổi sau đó là sự mở rộng kênh bán hàng sang gian hàng trực tuyến, các sàn thương mại điện tử từ Shopee, Tiki, Lazada cho đến các mạng xã hội… Chính nhờ các kênh này mà Tân Mỹ vẫn duy trì được doanh số nhất định trong thời gian dịch bệnh, cũng như tiếp cận gần hơn với khách hàng Việt.

“Trong đại dịch, khi người dân ở nhà nhiều hơn, những thói quen chăm sóc gia đình vì thế cũng được nâng lên. Người ta chú ý nhiều hơn đến từng bộ khăn trải bàn ăn, bình cắm hoa, tranh treo tường, chăn gối… trong nhà, theo đó nhu cầu với các sản phẩm của Tân Mỹ cũng tăng lên. 

Nếu trước dịch, cơ cấu khách ngoại và khách Việt vào khoản 80:20 thì hiện nay, con số này đã điều chỉnh về mức 60:40 và duy trì ổn định dù lượng khách ngoại đã tăng trở lại trong vài tháng gần đây. Đó là tín hiệu rất tốt, cho thấy sự chuyển dịch của Tân Mỹ đã bước đầu có kết quả”, nữ CEO cho hay.

 

 

Nói về triết lý kinh doanh của hai thế hệ đi trước, chị Thùy Linh kể hai câu chuyện đáng nhớ.

Câu chuyện đầu tiên về người bà - cụ bà Bạch Thị Ngải. Đó là khi lượng khách đặt hàng đã rất đông, có một lần, một vị khách nước ngoài đặt vài món đồ thêu tay tặng người thân và giao hẹn vài ngày sau sẽ đến nhận lúc 5 giờ sáng cho kịp chuyến bay về nước. 10 giờ tối ngày trước ngày giao hẹn, thợ thủ công trả hàng món hàng đó đến tay cụ Ngải. Cụ nhìn một cành hoa thêu rất lâu. Cảm thấy chưa đạt, cụ tỉ mẩn thức cả đêm tháo cành hoa ra và thêu lại, để món hàng đến tay vị khách được trọn vẹn nhất từng đường kim mũi chỉ. Điều mà cụ luôn dặn dò thế hệ sau, là khi có được sản phẩm tốt nhất, sẽ không bao giờ phải lo sợ mình không thành công, không phát triển, không cạnh tranh được.

Câu chuyện thứ hai về người mẹ - bà Đỗ Thanh Hương. Có một lần, bà Hương nhận được email than phiền của một vị khách nước ngoài rằng thái độ nhân viên phục vụ không được tốt. Ngay trong ngày hôm đó, bà Hương cho họp tất cả nhân viên và nói: “Cô không muốn khách hàng đến với Tân Mỹ chỉ vì họ không thể mua sản phẩm này ở nơi khác nên mới phải đến Tân Mỹ. Cô hy vọng khách hàng tìm đến vì họ cảm thấy thoải mái, và đã đến thì luôn cảm thấy thoải mái. Họ sẽ được sử dụng dịch vụ tốt nhất, được đón tiếp bởi những nhân viên niềm nở nhất, lịch sự nhất”. 

Kế thừa những tâm niệm của các thế hệ đi trước, đến lượt mình, chị Thùy Linh đưa thêm vào triết lý kinh doanh của bản thân sự thích ứng linh hoạt với thay đổi.

 

“Trong thời đại số, chúng tôi cũng tìm cách chuyển đổi số khâu bán hàng, và hiệu quả đến nay cũng đã trông thấy. Nhưng chưa và có lẽ sẽ không bao giờ số hóa khâu sản xuất. Tôi tâm niệm rằng sản phẩm mình bán ra là sản phẩm truyền thống, luôn luôn mang một hàm lượng chất xám nhất định: từ thiết kế độc đáo cho đến phương pháp chế tác thủ công bằng tay với số lượng có hạn hoặc thậm chí là “độc bản”, chị Linh chia sẻ. “Ở yếu tố hàm lượng chất xám của sản phẩm, tôi muốn đề cao tài năng của những người thợ thủ công, những người nghệ nhân chế tác, đó mới là điều làm nên giá trị độc đáo và linh hồn sản phẩm”.

Mang trên vai sứ mệnh nối nghiệp từ bà ngoại và mẹ, chị Thùy Linh thừa nhận nhiều bạn bè thường trêu gia đình chị theo chế độ “mẫu hệ”. 

“Bản thân tôi cũng thấy nghề này phù hợp với phụ nữ hơn. Mỗi ngày khi làm việc giữa những vải vóc, váy áo…, tôi thấy đam mê lắm, yêu mến lắm. Và làm gì cũng vậy, phải mê, phải yêu thì mới có năng lượng, ý tưởng để làm. Hơn nữa sản phẩm của chúng tôi chủ yếu phục vụ phái đẹp”.

Điều thú vị là thế hệ thứ tư của gia đình, con gái chị Thùy Linh, cũng đã dần bộc lộ tình yêu và niềm đam mê với thêu truyền thống, những gì mà bà và mẹ cô bé đang nâng niu, gìn giữ và kỳ vọng đưa đi xa hơn.