CEO VinaSoy: Hơn 20 năm một tình yêu đậu nành và hành trình đưa công ty `lội ngược dòng` ngoạn mục

15:59 | 30/10/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
CEO Ngô Văn Tụ cùng tập thể Vinasoy đã chinh phục thành công giấc mơ làm thay đổi ngành sữa Việt Nam với hạt đậu nành suốt hơn 20 năm qua.

CEO VinaSoy là ai?

 
CEO Ngô Văn Tụ sinh năm 1961, là một trong những "thuyền trưởng" kì cựu nhất trong ngành sữa Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp đại học Bách khoa Đà Nẵng chuyên ngành hóa thực phẩm năm 1983, ông tiếp tục con đường học vấn bằng cách học cao học về cồn thực phẩm cũng tại trường đại học này.
 
Sau khi ra trường, ông về làm tại công ty Đường Quảng Ngãi từ đó đến nay. Nhưng trong quá trình đó, ông đã trải qua nhiều vị trí như quản đốc phân xưởng cồn của công ty, cán bộ quản lý sản xuất thức ăn gia súc, trồng mía, chăn nuôi…
 
CEO VinaSoy là ai? Sự nghiệp CEO VinaSoy
Chân dung CEO Ngô Văn Tụ của VinaSoy
 
Đến năm 1995, ông lại chuyển qua làm giám đốc nhà máy Nước khoáng Thạch Bích, cũng thuộc công ty này và đầu năm 1997, ông mới chính thức về làm giám đốc nhà máy Sữa Trường Xuân (tiền thân của VinaSoy). Có giai đoạn làm quản đốc ít việc, ông còn kinh doanh gỗ, lập công ty đầu tư xây dựng điện nông thôn…
 
Cơ may bén duyên với nhà máy sữa Trường Xuân đang đứng trên bờ vực phá sản đã giúp CEO sinh năm 1961 khai phá được bản lĩnh thương trường và thành công dẫn dắt VinaSoy tới thành công vang dội. 
 

Sự nghiệp của vị CEO trong vai trò "thuyền trưởng" của VinaSoy

 
Đang làm việc yên ổn tại nhà máy Nước khoáng Thạch Bích bỗng bị phân công phải gây dựng nhà máy Sữa Trường Xuân (tiền thân của VinaSoy) từ bờ vực phá sản khiến ông Ngô Văn Tụ không khỏi bất mãn. Sau thời gian suy nghĩ kĩ lưỡng, ông Tụ đã gạt bỏ được nỗi niềm này và bắt tay vào công cuộc cải tổ lịch sử.
 
CEO VinaSoy là ai? Sự nghiệp CEO VinaSoy
Nguồn động lực giúp ông cải tổ nhà máy Sữa Trường Xuân (tiền thân của VinaSoy) tới từ một cuốn sách
 
Vị CEO bắt đầu với việc đánh giá lại hiện trạng, lợi thế của nhà máy rồi đến phân tích tình hình thị trường của Nhà máy Sữa Trường Xuân và sớm nhận thấy nhà máy không có chút lợi thế cạnh tranh nào. Những kênh tiếp thị, bán hàng đều thua xa các đối thủ nếu tiếp tục cạnh tranh trong cùng một loại sản phẩm. Vì vậy, ông quyết định phải chọn một hướng đi mới.
 
Ông Tụ mất tới hơn 4 năm để đưa nhà máy thoát khỏi tình trạng thua lỗ, nợ nần bằng việc chỉ đạo áp dụng hàng loạt giải pháp kiểm soát, nâng cao chất lượng sản phẩm, xúc tiến thương mại, cắt giảm chi phí. Tuy nhiên những nỗ lực này vẫn chưa tạo được nhiều bứt phá.
 
CEO VinaSoy là ai? Sự nghiệp CEO VinaSoy
Chương trình sữa dinh dưỡng học đường kết hợp cùng Fami
 
Cơ may đến với nhà máy Sữa Trường Xuân vào năm 2001, khi VinaSoy ký được hợp đồng dài hạn cung cấp độc quyền sản phẩm sữa đậu nành Fami cho chương trình “dinh dưỡng học đường” do chính phủ Mỹ tài trợ, kéo dài trong 7 năm (2001-2008), cấp phát sữa miễn phí cho các học sinh ở vùng sâu, vùng xa.
 
Nếu như cách đây tròn 20 năm, khi các doanh nghiệp lớn đua nhau sản xuất sữa bò, thì lúc ấy Vinasoy đã chọn cho mình một ngách đi riêng khác biệt với chiến lược chỉ tập trung vào sản xuất sữa đậu nành. Dám làm những điều chưa ai làm và tư duy nhạy bén đón đầu cơ hội đã đưa doanh nghiệp này sang một trang mới. Để rồi với lợi thế đi trước, Vinasoy tập trung khai thác tiềm năng của thị trường sữa đậu nành còn bỏ ngỏ và giờ đây, khi xu hướng thức uống dinh dưỡng từ thực vật đang lên ngôi trên toàn thế giới, người Việt cũng bắt đầu chú ý loại thức uống dân gian nhưng bổ dưỡng này thì Vinasoy gần như đã chiếm lĩnh hoàn toàn phân khúc sữa đậu nành hộp giấy màu mỡ với hơn 80% thị phần của một ngành hàng nghìn tỷ.
 
CEO VinaSoy là ai? Sự nghiệp CEO VinaSoy
Loạt sản phẩm từ đậu nành của VinaSoy
 
Năm 2005, sau khi lấy ý kiến từ các chuyên gia tư vấn về thương hiệu, tiếp thị, ông đã đề nghị lãnh đạo công ty mẹ cho đổi tên nhà máy Sữa Trường Xuân thành công ty VinaSoy.  Với tôn chỉ kinh doanh của CEO Ngô Văn Tụ là “nhất nghệ tinh”, VinaSoy sau hàng chục năm vẫn duy trì một niềm đam mê với các sản phẩm từ hạt đậu nành. Lý do cho điều này là bởi ông cho rằng chỉ khi tập trung vào một sản phẩm thì mới dồn hết lực và tâm cho sản phẩm đó, như vậy thế mạnh cũng được vun bồi nhiều hơn. Chiến lược của Vinasoy là phát triển chậm nhưng mạnh mẽ trong sự kiểm soát chặt chẽ.
 
Năm 2013 là một cột mốc khó quên với Vinasoy khi sản phẩm sữa Fami Canxi chính thức tung ra thị trường vào quý 4, thách thức ngay chính ngành hàng sữa đậu nành khi tiến một bước mở rộng “chiếc bánh”. 
 

Thành công đến với những người dám khác biệt

 
Tròn hai thập kỷ, Vinasoy vẫn luôn duy trì mức tăng trưởng hai con số, và hiện nay đạt mức doanh thu 4.000 tỷ đồng, tức gấp 200 lần so với 20 tỷ đồng năm 2002. Từ 1 doanh nghiệp chỉ vỏn vẹn 100 người lao động ở buổi ban đầu, đến nay Vinasoy đã có đội ngũ hơn 1.800 người lao động trên toàn quốc.
 
CEO VinaSoy là ai? Sự nghiệp CEO VinaSoy
VinaSoy trong nhiều năm liên tiếp thu về lợi nhuận khủng
 
Chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây, CEO Ngô Văn Tụ đã giúp VinaSoy vươn dài cánh tay của mình ở 3 miền với ba nhà máy và trở thành top 5 nhà máy sản xuất sữa đậu nành lớn nhất thế giới (theo Tetra Pak), mang đến gần 4 triệu sản phẩm mỗi ngày cho người dùng Việt Nam.
 
Ở phân khúc sữa đậu nành, Vinasoy đang được đánh giá là doanh nghiệp dẫn đầu ngành với mức tăng trưởng vượt bậc, bình quân 40%/năm trong vòng 10 năm trở lại đây. Xét trên tổng thể năng lực sản xuất, xem ra “ngôi vương” khó thoát khỏi tay Vinasoy trong những năm tới.
 
CEO VinaSoy là ai? Sự nghiệp CEO VinaSoy
Nhà máy VinaSoy tại Bình Dương có quy mô hoành tráng
 
VinaSoy đang có những bước đi đầu tiên để đưa sản phẩm sang Mỹ, Trung Quốc, Lào, Campuchia và Myanmar. Vị CEO sinh năm 1961 và công ty VinaSoy đang đứng trước ngưỡng cửa mới với giấc mơ chinh phục con số 1 tỷ USD trong giai đoạn 10 năm tiếp theo.
 

Thanh Thùy

Xem thêm: CEO Vinamilk: Nữ chủ tịch quyền lực của ngành sữa Việt Nam và hành trình cán mốc doanh nghiệp tỷ đô