Chân dung ông Trịnh Xuân Quang - Chủ tịch HANDIC, người 2 lần trúng cử đại biểu HĐND TP.Hà Nội
Ông Trịnh Xuân Quang là ai?
Ông Trịnh Xuân Quang sinh ngày 12/02/1970, sinh ra tại Hà Nội. Hiện nay, địa chỉ cư trú của ông là ở quận Ba Đình, TP.Hà Nội.
Về trình độ học vấn, ông thông thạo tiếng Anh ở trình độ C và có bằng Cử nhân đại học ngành Cơ khí động lực và ngành Kinh tế đối ngoại, hàm Thạc sĩ Quản trị kinh doanh (MBA) và trình độ Sơ cấp Lý luận chính trị.
Chức vụ hiện tại của ông Trịnh Xuân Quang là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn HANDIC thuộc Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội. Đồng thời, ông cũng là một trong 10 doanh nhân trở thành đại biểu HĐND TP.Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026, tại đơn vị bầu cử Quận Thanh Xuân. Trước đó, ông cũng là đại biểu HĐND TP.Hà Nội nhiệm kỳ 2016-2021.
Chân dung ông Trịnh Xuân Quang - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Cty CP Tư vấn HANDIC - Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội
Công ty CP Tư vấn HANDIC của ông Trịnh Xuân Quang làm ăn như thế nào?
Trực thuộc Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội - UBND Thành phố Hà Nội, công ty CP Tư vấn HANDIC - Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (HANDIC) là Doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần hóa tháng 6 năm 2006, được coi là "con cưng" của HANDICO.
Doanh nghiệp hoạt động với lĩnh vực kinh doanh chủ yếu là tư vấn trong các lĩnh vực đầu tư xây dựng, đầu tư kinh doanh phát triển nhà.
Trong thời gian vừa qua, cụ thể là giai đoạn 2016-2020, HANDIC đang trải qua khoảng thời gian kinh doanh không mấy tích cực. Điển hình là tổng tài sản của HANDIC liên tục đi xuống, từ mức 474,87 tỷ đồng trong năm 2016; 273,19 tỷ đồng năm 2017, năm 2018 xuống còn 265,94 tỷ đồng và năm 2019 tiếp tục hạ xuống 238,39 tỷ đồng. Chỉ trong năm 2020 gần đây nhất, tài sản công ty mới chững lại, nhích lên mức 239,24 tỷ đồng, mức tăng không đáng kể.
Có thể thấy, trong thời gian qua, công ty đã chịu lỗ liên miên, khiến mức tổng tài sản giảm đi 235,63 tỷ đồng sau 5 năm gần nhất.
Phần lớn tài sản của HANDIC được hình thành từ nợ cũng là vấn đề mà doanh nghiệp này cần quan tâm. Trong đó, nợ phải trả của HANDIC là 454,64 tỷ đồng năm 2016; 248,08 tỷ đồng năm 2017; 242,38 tỷ đồng năm 2018; 224,28 tỷ đồng năm 2019; 226,73 tỷ đồng năm 2020.
Các chỉ tiêu tài chính chủ đạo của HANDIC
Khi mà tổng tài sản sụt giảm, nợ phải trả duy trì ở mức cao, vốn chủ sở hữu của HANDIC cũng liên tục đi xuống khi ghi nhận ở mức 20,22 tỷ đồng trong năm 2016, tăng lên 25,11 tỷ đồng năm 2017 và sau đó bắt đầu tụt dốc trong 3 năm tiếp theo lần lượt ở mức 23,55 tỷ đồng (2018); 13,94 tỷ đồng (2019) và 12,5 tỷ đồng (2020).
Như vậy, trong suốt 5 năm liên tục gần đây nhất, nợ phải trả của HANDIC luôn lớn gấp hàng chục lần vốn chủ sở hữu. Điển hình nhất là năm 2016, con số chênh lệch là 22,48 lần và tới năm 2020 gần đây thì con số chênh lệch ở mức 18,13 lần.
Mặt khác, khoản Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước tại mục nợ phải trả của HANDIC tăng đều qua các năm khi ghi nhận ở mức 3,23 tỷ đồng trong năm 2016; 14,96 tỷ đồng trong năm 2017; 14,65 tỷ đồng trong năm 2018; 20,19 tỷ đồng trong năm 2019 và 20,26 tỷ đồng trong năm 2020.
Bức tranh tài chính của doanh nghiệp cũng chưa có những bước tiến khả quan sau năm 2017. Cụ thể, kết quả kinh doanh của năm 2017 là thời điểm duy nhất mà đơn vị này có sự tăng đột biến từ từ 10,2 tỷ đồng (2016) lên 376,59 tỷ đồng (2017), gấp khoảng 37 lần, tương ứng với đó là mức lãi sau thuế ghi nhận ở con số 2,77 tỷ đồng, gấp nhiều lần so với con số 101 triệu đồng của năm 2016.
Tuy nhiên, ngay sau đó, từ năm 2018 đến năm 2020, doanh thu sụt giảm ở mức nghiêm trọng khi rơi xuống con số thấp hơn cả năm 2016, đó là 2,6 tỷ đồng năm 2018; 1,97 tỷ đồng năm 2019 và vỏn vẹn 1,14 tỷ đồng năm 2020. Tương ứng với đó, doanh nghiệp cũng báo lỗ lũy kế hơn 6 tỷ đồng trong khoảng thời gian này khi lần lượt ghi nhận lợi nhuận ở các mức -413,6 triệu đồng (2018); -4,74 tỷ đồng năm 2019 và -1,44 tỷ đồng năm 2020.
Tuy vậy, khi đối mặt với một năm 2021 vẫn đang chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19 tại cả Việt Nam cũng như trên thế giới, ông Trịnh Xuân Quang nhận xét về tiềm năng và sức bật của cộng đồng doanh nghiệp Hà Nội như sau:
Ông Quang chia sẻ về tiềm năng của các doanh nghiệp trong năm 2021
Nhiều doanh nghiệp đã nhận ra cơ hội kinh doanh từ những sản phẩm tiêu dùng trong nước khi thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, nhanh chóng cơ cấu lại sản xuất kinh doanh. Đây là tín hiệu đáng mừng khi mà dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng các doanh nghiệp vẫn lấy lại được tâm lý bình tĩnh khi được thông tin kịp thời và sâu rộng của Chính phủ.
Trong thời điểm hiện tại, ông Quang nhìn nhận hàng loạt các ngành nghề kinh doanh mới lạ được sản sinh, xu hướng sử dụng các dịch vụ trực tuyến, dịch vụ vận chuyển an toàn, mua sắm online của người dân đã bùng nổ.
Trong năm nay, dịch vụ trực tuyến được Nhà nước hỗ trợ sẽ là vận hội mới cho các doanh nghiệp năng động và biết nắm bắt thời cơ khi nắm được thói quen tiêu dùng sản phẩm nội địa,
Ngoài ra, trong bối cảnh sản xuất tại nước ngoài chưa kịp hồi phục, thị trường xuất khẩu khi được Việt Nam mở cửa cũng sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Nguyện vọng khi trở thành đại biểu HĐND thành phố Hà Nội của ông Quang
Ông Trịnh Xuân Quang cho biết, trong nhiệm kỳ trước đó 2016-2021, ông đã được phân công tham gia Ban Đô thị HĐND thành phố khi mà ngành nghề sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mà tôi phụ trách liên quan trực tiếp đến các lĩnh vực phát triển và quản lý đô thị của Hà Nội - đó là tư vấn, đầu tư và xây dựng.
Mong muốn được góp phần vào công cuộc phát triển và quản lý đô thị của ông Quang, giúp Hà Nội ngày một văn minh hơn
Qua đó, ông góp phần giúp UBND Thành phố giải quyết trúng và đúng nhiều vấn đề tồn đọng khi tham gia các chương trình, kế hoạch hành động của Ban, tham mưu cho Thường trực HĐND thành phố. Thông qua đây, đạt được những bước cải thiện rõ rệt trong việc quy hoạch đô thị, quản lý trật tự đô thị, môi trường, văn minh đô thị.
Trong nhiệm kỳ tới đây, ông Quang mong muốn sẽ được tiếp tục nỗ lực tham gia, tiếp nối các công việc của Ban Đô thị. Với những kiến thức và kinh nghiệm của mình trong thời gian vừa qua, ông hy vọng sẽ được tiếp tục đóng góp để công cuộc phát triển và quản lý đô thị Hà Nội ngày một hiệu quả và văn minh hơn.
Xem thêm: Hà Nội "bêu tên" 1.936 doanh nghiệp nợ thuế, phí liên quan tới đất
Phương Thúy