Châu Âu bất ngờ hạ dự báo tăng trưởng kinh tế
Ngày 16/5, Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của EU sẽ tăng 2,7% trong năm nay và 2,3% vào năm 2023. Đây là những dự báo kinh tế đầu tiên của khối kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24/2. Trước đó hồi tháng 2, EC đã dự kiến tăng trưởng của EU sẽ là 4% trong năm nay và 2,8% vào năm 2023.
Đầu năm nay, các nhà hoạch định chính sách châu Âu đã thể hiện niềm tin vào sự tăng trưởng vững chắc của EU, khu vực vốn đang phải vật lộn với lạm phát gia tăng. Tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị trong thời gian gần đây đã làm u ám bức tranh kinh tế của EU.
"Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đã đặt ra nhiều thách thức mới, khi EU vừa phục hồi sau những tác động của đại dịch. Căng thẳng địa chính trị đang làm trầm trọng thêm những trở ngại đã có từ trước đối với tăng trưởng.", ủy ban cho biết khi công bố dự báo.
Trong bối cảnh mới, năng lượng đã trở thành một vấn đề đặt lên hàng đầu đối với EU khi khối này đang thảo luận các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga. Thực hiện các biện pháp này không hề dễ dàng với EU vì khả năng sẽ đưa khu vực này đứng trước nguy cơ suy thoái kinh tế do thiếu hụt nguồn cung năng lượng bởi Nga là nhà cung cấp dầu, khí đốt tự nhiên và than đá hàng đầu của EU, chiếm khoảng 0,25% tổng năng lượng của khối. Nhập khẩu năng lượng của EU từ Nga vào năm ngoái đạt tổng trị giá 99 tỷ euro (103 tỷ USD), tương đương 62% lượng mua hàng hóa Nga của khối.
Nguồn cung siết chặt khiến giá năng lượng tăng cao dẫn đến lạm phát kỷ lục, từ thực phẩm đến phương tiện giao thông và nhà ở trở nên đắt đỏ hơn.
Tất cả những điều này khiến EU phải chật vật để đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng thay thế trong những tháng tới, bao gồm từ các nước xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch như Mỹ và các nguồn tái tạo trong nước nhằm giúp khối đạt được các mục tiêu khí hậu lâu dài hơn.
Dự báo mới nhất của Ủy ban châu Âu cũng vẽ ra một bức tranh lạm phát ảm đạm do giá năng lượng tăng. Lạm phát toàn EU hiện được dự đoán là 6,8% trong năm nay và 3,2% vào năm 2023. Mức dự báo này cao hơn nhiều so với các dự báo trước đó lần lượt là 3,9% và 1,9%.
Ủy viên Kinh tế châu Âu Paolo Gentiloni cảnh báo triển vọng kinh tế mới được đưa ra cũng có thể đang lạc quan thái quá nếu xét trong bối cảnh nhiều rủi ro hiện nay. Gentiloni nói: “Những dự báo chúng tôi đưa ra là không chắc chắn và rủi ro cao. Các kịch bản khác có thể xảy ra, theo đó, tăng trưởng có thể thấp hơn và lạm phát cao hơn mức chúng tôi dự đoán."
Trong những tháng trước xung đột Nga - Ukraine, cuộc khủng hoảng năng lượng trên toàn thế giới đã khiến lạm phát ở châu Âu lên mức cao kỷ lục. Xu hướng đó đã tăng nhanh trong cuộc xung đột đưa lạm phát ở 19 quốc gia dùng đồng tiền chung euro chạm mức 7,5% trong tháng 4.
Điều này đã tạo tiền đề cho Ngân hàng Trung ương châu Âu có thể siết chặt chính sách tiền tệ sau khoảng thời gian nới lỏng nhằm thúc đẩy hoạt động kinh tế.