Mỹ - châu Âu họp bàn tìm giải pháp sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu lúa mì

Lê Thị Xuân Phương 16:24 | 16/05/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Mỹ và Liên minh châu Âu đang tìm cách cải thiện chuỗi cung ứng thực phẩm để ứng phó với các hạn chế xuất khẩu từ Ấn Độ và các quốc gia khác để tránh nguy cơ rủi ro an ninh lương thực toàn cầu.

Cuối tuần qua, tại hội nghị ở Weissenhaus, bang Schleswig-Holstein của Đức, các ngoại trưởng Nhóm 7 quốc gia công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã đưa ra tuyên bố chung, nhấn mạnh vấn đề an ninh lương thực thế giới. 

Các Ngoại trưởng G7 cảnh báo rằng căng thẳng ở Ukraine đang làm gia tăng nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu. Nguyên nhân là do Ukraine không thể xuất khẩu ngũ cốc, phân bón và dầu thực vật, trong khi chiến sự cũng đang phá hủy các cánh đồng, khiến người nông dân không thể bắt đầu vụ mùa.

Nga và Ukraine là hai nước trồng và xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 30% sản lượng lúa mì, 32% lúa mạch, 17% ngô và 75% dầu hướng dương toàn cầu.

Việc nguồn cung từ Nga và Ukraine bị hạn chế đã làm gia tăng sự phụ thuộc vào nguồn cung lúa mì từ các quốc gia và khu vực khác trên thế giới. Mới đây, Ấn Độ, một vựa lúa mì khác của thế giới, đã tuyên bố dừng xuất khẩu mặt hàng này vì lo ngại thiếu hụt nguồn cung cấp trong nước. 

Ông Valdis Dombrovskis, Giám đốc thương mại của EU, trong cuộc chia sẻ với CNBC, nhận định động thái này thật sự đáng quan ngại. “EU và Mỹ nhất trí hợp tác các phương pháp khác nhau để cải thiện tình hình cung cấp lương thực trong bối cảnh giá cả tăng cao, nguồn cung gián đoạn gây lo ngại về an ninh lương thực, nhất là khi các nước khác đang bắt đầu cấm xuất khẩu làm trầm trọng thêm mối lo ngại".

Hội đồng công nghệ và thương mại Mỹ - Liên minh châu Âu (TTC) đang có cuộc đàm phán tại Pháp vào ngày 16/5.

Năm 2021, TTC được tái thành lập với mục đích mở rộng và làm sâu sắc thêm mối quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai bên. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, công việc của TTC đã vượt ra ngoài trọng tâm dự kiến ​​của nó. Hội đồng đang thảo luận tìm giải pháp cho các vấn đề trong bối cảnh địa chính trị hiện tại, chẳng hạn như tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. 

 

Trước đó, Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu lúa mì, có hiệu lực ngay lập tức vào ngày 13/5 (giờ địa phương). Lệnh cấm của New Delhi gây lo ngại giá lúa mì tăng trên toàn cầu vì ngoài Nga, Ukraine và Ấn Độ, không có thêm nhà cung cấp lớn trên thị trường.

Trong tháng 4, Ấn Độ đã xuất khẩu kỷ lục 1,4 triệu tấn lúa mì và ký kết các thỏa thuận xuất khẩu khoảng 1,5 triệu tấn trong tháng 5.

Các nhà phân tích lo ngại lệnh cấm của Ấn Độ có thể đẩy giá lúa mì toàn cầu lên mức đỉnh mới, thậm chí tác động đến tình hình an ninh lương thực tại một số quốc gia châu Á và châu Phi.