Chia sẻ về nghề Bếp trong khuôn khổ chủ đề “F&B tại Việt Nam” của tạp chí Doanh Nhân Việt Nam, Chef Phạm Bá Hà, chủ tịch Hội đầu bếp Hà Nội đồng thời là  Bếp trưởng Hệ Thống chuỗi nhà hàng Thế giới Hải Sản, cho biết: “Với hơn 20 năm theo nghề bếp và hoạt động chính ở ngành F&B, tôi thấy xã hội ngày nay đã có góc nhìn thay đổi 180 độ về nghề bếp. Điều này được hiểu theo nghĩa rất tích cực.

Trước đây khoảng chục năm, khi nói về việc con cái theo nghề bếp mà phần lớn cha mẹ sẽ e ngại, bởi cho rằng đó là một nghề lao động chân tay, cực nhọc và không có vai vế trong xã hội. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của đời sống ngày một nâng cao, các dịch vụ thiết yếu với cuộc sống được nâng lên, mạng xã hội truyền thông phát triển, chúng ta từ ăn ngon mặc đẹp đã lên tới tầm ăn sang mặc sành, mọi nhu cầu đều gia tăng lên mức cao cấp, từ đó góc nhìn về nghề bếp cũng được mở ra”.

 

Là một người theo đuổi nghề bếp ngay từ khi mới chập chững vào đời, Chef Hà chia sẻ rằng bản thân có may mắn vì được sống ở giai đoạn đất nước đang có những thay đổi, được biết đến cái khổ - cái sướng của từng thế hệ, từ đó anh cũng “thấm” được nỗi vất vả của nghề bếp và cũng hiểu được những băn khoăn, trăn trở của các bạn trẻ đang muốn theo đuổi nghề này.

“Ở bất cứ một công việc nào, bạn cũng cần sự tận tâm và không ngừng học hỏi. Thành công của nghề bếp không phải là do may mắn mà đến 99% là yếu tố trăm hay kết hợp tay quen. Nghề bếp hiện nay không chỉ đơn thuần là nấu ngon, mà muốn trở thành một Chef, bạn phải có rất nhiều kiến thức và kỹ năng tổng hòa, hãy bắt đầu từ những công đoạn sơ đẳng nhất của nghề và không ngừng học hỏi từng mảng, dần dần bạn sẽ có cái nhìn tổng quan về nghề, về ngành. Rất nhiều người nấu ngon (cook) nhưng không phải ai cũng có thể trở thành một đầu bếp (Chef) đúng nghĩa. Xác định đi theo nghề, bạn nên vào một trung tâm hoặc trường học chuyên về nghề đề nắm vững kiến thức, người có kiến thức sẽ tiếp thu về nghề nhanh hơn người học mót, đó là bí quyết của nghề này”.

 

Chia sẻ thêm về sự khác biệt giữa các thế hệ đầu bếp, Chủ tịch Hội đầu bếp Hà Nội cho rằng  điểm khác biệt nhất giữa hai thế hệ cũ và mới chính là khả năng tiếp cận công nghệ và ngoại ngữ, đó là điều làm nên sự khác biệt của thế hệ đầu bếp trẻ hiện nay: “Các bạn trẻ hiện nay rất nhanh nhạy, đa năng và bao quát giỏi. Điều này cũng phù hợp với thực tế phát triển của xã hội, khi thời đại công nghệ hóa với tốc độ ngày càng cao như hiện nay thì việc áp dụng công nghệ (sử dụng thiết bị máy móc hiện đại trong việc nấu nướng, quản lý) hoặc sử dụng thành thạo ngoại ngữ khiến các đầu bếp trẻ tiếp cận được với ngành ẩm thực thế giới rất nhanh. Gần như không có khoảng cách trong việc học và dạy nghề, từ online đến offline, truyền thống và phi truyền thông, mọi thứ đều được tối ưu đến mức kinh ngạc. Tôi lấy ví dụ như ngày trước thế hệ tôi muốn quản lý các hạng mục thì đều phải có sổ tay ghi chép, giờ mọi thứ có thể thao tác nhanh gọn qua phần mềm tiện dụng.” 

 

F&B trở thành một ngành thiết yếu của xã hội, trong 2 năm dịch Covid-19 diễn ra, ngành này thiệt hại nặng nề do giãn cách, một lượng nhân sự lớn từ ngành đã dịch chuyển sang làm công việc khác, từ đó dẫn đến “khủng hoảng thiếu” của ngành F&B mà cụ thể là nghề bếp. Chef Phạm Bá Hà với vai trò  Bếp Trưởng hệ thống trong hệ thống ẩm thưc các mô hình kinh doanh nhà hàng với hơn 1000 nhân sự hiện nay cũng đang phải tìm kiếm, đào tạo các nhân sự cho mảng Bếp.

“Chúng tôi luôn có các cam kết đào tạo với các trường nghề chuyên nghiệp, mỗi năm khoảng 5-6 học viên xuất sắc để đào tạo thêm “thực chiến” ở thị trường, điều này giúp các em có cọ sát với nghề nhanh hơn và thành thục tay nghề cũng như có góc nhìn thực tế về công việc mình đang theo đuổi. Tuy nhiên, số lượng nhân sự thực tế cho ngành nghề này vẫn còn thiếu nhiều. Thực tế, một đầu bếp thạo việc là nấu thôi thì mức thu nhập cũng trên hai chục triệu là bình thường. Mức thu nhập rất ổn so với tình hình kinh tế hiện nay”. – Chef Hà chia sẻ.

Thành lập Hội đầu bếp Hà Nội - HCA là một kết quả tất yếu của một nghề đang có những bước phát triển vượt bậc và tích cực, nhằm giúp các đồng nghiệp có một sân chơi chuyên nghiệp, bài bản, có vị thế khi tham gia các hoạt động của đoàn thể và hoạt động cộng đồng.

Hội đầu bếp Hà Nội - HCA ngoài việc làm cầu nối giữa thành viên với các doanh nghiệp, đơn vị đồng hành liên quan, còn tạo sân chơi cho các đầu bếp trẻ được thể hiện tài năng của mình khi tham gia các cuộc thi trong nước và quốc tế.

 

Đồng thời, với sứ mệnh của một Hội đoàn có nhiều chủ doanh nghiệp tham gia, Chef Hà cho biết bản thân anh với tư cách là Chủ tịch Hội cùng các Uỷ viên BCH đều nhất trí chung về tôn chỉ mục đích và thường xuyên tổ chức những hoạt động từ thiện cho những mảnh đời khó khăn theo kế hoạch của Hội đã và đang triển khai.

 

Châu Anh
Alex Chu