Chi phí đầu vào 'làm khó' doanh nghiệp xi măng
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong quý II, chỉ số giá nguyên, nhiên vật liệu dùng cho sản xuất tăng 2,23% so với quý trước và tăng 6,38% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, thị trường ghi nhận chỉ số giá vật liệu xây dựng tăng mạnh hơn 6%; trong đó, giá xi măng đã tăng hơn 13% từ đầu năm.
Tháng 6 vừa qua, một loạt doanh nghiệp sản xuất xi măng điều chỉnh giá bán ra thị trường. Đến nay, mặt hàng xi măng đã có 3 lần tăng giá bán từ đầu năm, đang ở mức 13,2 - 16 triệu đồng/tấn tùy thương hiệu và loại xi măng.
Các chuyên gia nhận định, năm 2022, dù điều chỉnh tăng giá bán để bù đắp chi phí sản xuất nhưng các doanh nghiệp sản xuất xi măng vẫn sẽ gặp áp lực lớn để duy trì lợi nhuận như hiện nay do cạnh tranh lớn và giá nguyên, nhiên liệu đầu vào vẫn chưa ngừng tăng tiếp. Theo đó, than là nguyên liệu chiếm khoảng 30% trong cơ cấu giá thành cho sản xuất xi măng song vẫn giữ mức cao do ảnh hưởng từ thị trường khu vực và thế giới.
Kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp xi măng thời gian qua quả không mấy khả quan. Doanh nghiệp báo cáo mới nhất là Công ty Xi măng Vicem Hà Tiên với kết quả suy giảm trong quý II.
Tổng Giám đốc Vicem Hà Tiên Lưu Đình Cường cho biết, do ảnh hưởng của xung đột quân sự giữa Nga và Ukirane cùng với các biện pháp cấm vận của phương Tây tác động lớn đến kinh tế thế giới làm khủng hoảng năng lượng toàn cầu, cụ thể là than, dầu, khí đốt… đã làm chi phí than tăng mạnh. Giá nguyên liệu chính cho sản xuất xi măng như than, dầu, thạch cao… tăng giá mạnh trong quý II làm kết quả giảm lợi nhuận gộp 119,5 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2022, có doanh nghiệp niêm yết như Công ty Xi măng La Hiên đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2022 tăng trưởng âm với 56 tỷ đồng, khi nhận định giá than cao sẽ bắt đầu phản ánh vào biên lợi nhuận gộp doanh nghiệp.
Theo dự báo của Bộ Xây dựng, thị trường vật liệu xây dựng trong thời gian tới vẫn còn nhiều biến động, chịu ảnh hưởng bởi thị trường nguyên liệu đầu vào nhập khẩu. Đối với sản xuất xi măng, ngoài chi phí đầu vào như giá nguyên liệu sản xuất gồm than, điện, vỏ bao, đặc biệt là xăng dầu... đều tăng, doanh nghiệp ngành này còn phải đối diện với áp lực dư cung.
Nhà phân tích tại Công ty Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC), cho biết giá nhiên liệu tăng mạnh do ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga – Ukraine gây nên thiếu hụt nguồn cung. Ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt lên nhiên liệu xuất khẩu từ Nga kéo dài sẽ làm tăng chi phí sản xuất, trong khi giá bán khó có thể tăng lên tương ứng do nguồn cung xi măng dư thừa sẽ làm giảm biên lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành.
Đồng tình quan điểm này, Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, trong khi nhu cầu xi măng nội địa hiện nay chỉ đạt dưới 65 triệu tấn thì quy mô công suất toàn ngành đã lên tới gần 107 triệu tấn, thực tế có thể sản xuất khoảng 120 - 130 triệu tấn thành phẩm nếu điều chỉnh tỷ lệ trộn phụ gia. Điều này dẫn đến tình trạng dư cung trầm trọng, đặc biệt tại khu vực miền Bắc và tiêu thụ xi măng ngày càng phụ thuộc vào xuất khẩu.
Nửa đầu năm, Tổng Cục Thống kê ghi nhận, xuất khẩu xi măng, clinker đạt gần 16,2 triệu tấn, trị giá 740 triệu USD, giảm 22% về lượng và giảm 7,7% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Về thị trường xuất khẩu chính, tại cả Trung Quốc và Philippines đều ghi nhận mức nhập khẩu sản phẩm từ các nhà cung cấp Việt Nam sụt giảm.
Nguyên nhân do Trung Quốc vẫn duy trì chính sách Zero-COVID, cùng đó là thị trường bất động sản của nước này đang trong trạng thái suy giảm khiến sản lượng tiêu thụ xi măng cũng giảm mạnh trong thời gian qua. Còn đối với thị trường xuất khẩu xi măng lớn thứ 2 là Philippines cũng bị ảnh hưởng bởi vận tải biển khó khăn và giá cước cao...
Để giảm thiểu ảnh hưởng của chi phí đầu vào cũng như tăng sản lượng xi măng, tăng thị phần, chuẩn bị thị trường thời gian tới, doanh nghiệp xi măng đang tập trung đầu tư nguồn lực cho tiêu thụ trong nước theo hướng điều chỉnh chính sách bán hàng linh hoạt gắn liền gia tăng sản lượng.
Đối với thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp xi măng cũng chú trọng xây dựng các giải pháp ngắn hạn và dài hạn để gia tăng sản lượng và phát triển thị trường xuất khẩu bền vững.
Đóng cửa giao dịch ngày 25/7, cổ phiếu doanh nghiệp xây dựng chịu tác động điều chỉnh chung của thị trường. Cổ phiếu HT1 của Công ty Xi măng Vicem Hà Tiên có giá 16.000 đồng; cổ phiếu CLH của Công ty Xi măng La Hiên có giá 33.000 đồng; và thị giá cổ phiếu BCC của Công ty Xi măng Bỉm Sơn là 15.200 đồng/đơn vị.