Chia sẻ kiến thức phòng vệ thương mại tới doanh nghiệp xuất khẩu gạo

Uyên Hương/BNEWS/TTXVN 08:07 | 13/06/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
BNEWS Hội nghị được tổ chức với mục tiêu triển khai các nhiệm vụ và giải pháp đã được quy định tại Chỉ thị 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 03/CT-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương

Chế biến gạo xuất khẩu tại Công ty TNHH một thành viên Lương thực TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Đình Huệ-TTXVN

 

Ngày 12/6, Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) đã chủ trì và phối hợp Cục Xuất nhập khẩu, Cục Phòng vệ Thương mại, Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương), cùng sự hỗ trợ của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam... tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về cạnh tranh, phòng vệ thương mại và các quy định khác có liên quan cho thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo.

 

Hội nghị được tổ chức với mục tiêu triển khai các nhiệm vụ và giải pháp đã được quy định tại Chỉ thị 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 03/CT-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương đã nêu, đặc biệt là hai nhiệm vụ đẩy mạnh hoạt động phát triển thị trường và xúc tiến thương mại, thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ mặt hàng gạo và kiểm tra, giám sát kinh doanh xuất khẩu gạo, đảm bảo tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật.

 

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phó Chủ tịch Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia cho biết, năm 2023 là năm chứng kiến chuỗi biến động bất thường trong lĩnh vực lương thực nói chung và thị trường gạo nói riêng trên toàn cầu. Thời tiết khắc nghiệt, xung đột địa chính trị, lạm phát, biện pháp hạn chế xuất khẩu do một số quốc gia áp dụng là những yếu tố đã góp phần làm cho thị trường lương thực toàn cầu trong năm 2023 trở nên bất ổn và khó dự đoán hơn bao giờ hết, từ đó ảnh hưởng mạnh mẽ đến giá cả và an ninh lương thực trên toàn thế giới. Tuy nhiên, năm 2023 xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn đạt kết quả tích cực. Cụ thể, Việt Nam đã xuất khẩu được trên 8,1 triệu tấn gạo, đạt trị giá gần 4,7 tỷ USD, tăng 14,4% về lượng và 35,3% về giá trị so với năm 2022.

 

Cũng theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, ngành hàng lúa gạo Việt Nam còn một số tồn tại, hạn chế nhất định. Trong số đó, hạn chế phải kể đến như chưa chú trọng phát triển liên kết xây dựng vùng nguyên liệu cũng như triển khai giải pháp về truy xuất nguồn gốc, xây dựng cơ sở thông tin dữ liệu đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu, cập nhật thông tin về thị trường gạo thế giới, dự báo chính sách nhập khẩu gạo của các nước. Cùng đó, chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu vẫn còn hạn chế, thị trường gạo có dấu hiệu chưa bền vững, vẫn phụ thuộc một số thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia, Malaysia; việc phát triển thị trường chưa được hỗ trợ tương xứng với tiềm năng của ngành hàng.

 

 

 

Bộ Công Thương lưu ý doanh nghiệp việc tuân thủ pháp luật cạnh tranh cùng với các quy định khác của pháp luật liên quan đến kinh doanh xuất khẩu gạo. Đồng thời, nghiên cứu để ứng phó trước nguy cơ nước nhập khẩu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với mặt hàng nông lâm thủy sản (bao gồm mặt hàng gạo) của Việt Nam. Qua đó, góp phần tăng cường hiệu quả trong việc xây dựng chuỗi cung ứng gạo, phát triển thị trường xuất khẩu gạo lành mạnh, bền vững, ứng phó kịp thời với biến động trong khu vực và thế giới.

 

Ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh, trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, tổng cầu sụt giảm nhưng hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục vượt qua khó khăn và ghi nhận được một số kết quả tích cực.

 

Thống kê cho thấy, xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm 2024 đạt khoảng 4,15 triệu tấn, tăng 14,7% về lượng; trị giá đạt 2,65 tỷ USD, tăng 38,2% về trị giá. Giá xuất khẩu bình quân 638 USD/tấn, tăng 20,5% về giá so với ước thực hiện 5 tháng năm 2023.

 

Để đạt được kết quả này, ông Trần Quốc Toản cho biết nhờ sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương; trong đó, không thể không kể đến những nỗ lực từ thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo đã góp phần tạo lên kết quả đáng khích lệ như trên. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống văn bản pháp lý điều hành kinh doanh xuất khẩu gạo vẫn còn những điểm chưa phù hợp, chưa theo kịp thực tế phát sinh nhưng cũng tương đối đầy đủ và toàn diện, góp phần giúp cơ quan quản lý nhà nước và thương nhân tạo lập bức tranh sáng trong xuất khẩu của Việt Nam.

 

Nhà máy chế biến gạo - Công ty TNHH MTV Lương thực Thoại Sơn (Tập đoàn Lộc Trời). Ảnh: Phạm Hậu - TTXVN

 

 

Ngoài ra, ông Trần Quốc Toản cũng trình bày về một số điểm chính trong Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo và lưu ý doanh nghiệp về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo cũng như việc cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo; hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận; quy định về tổ chức hậu kiểm điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo; quy định về trách nhiệm của thương nhân.

 

Theo ông Trần Quốc Toản, Nghị định trên đã triển khai được 7 năm và tác động tích cực đến kinh doanh xuất khẩu gạo. Hơn nữa, Nghị định đã khuyến khích các thương nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia xuất khẩu gạo khi đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo và được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.

 

Đáng lưu ý, số lượng thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo hiện nay khoảng 158 thương nhân; năng lực kho chứa, xay, xát, chế biến gạo được cải thiện rõ rệt, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của thương nhân, góp phần giải quyết cơ bản một số bất cập, tồn tại trong việc thu mua, tiêu thụ, sơ chế, chế biến thóc gạo.