Chiến đấu với đời thường: Đứng dậy
Học để nâng cao kiến thức bản thân, làm việc hiệu quả, làm gương cho con cháu. Thiêng liêng hơn, sau chiến tranh, tôi may mắn sống sót trở về thì phải học thêm cho những đồng đội thân yêu đã ngã xuống khi đèn sách còn dang dở”...
Bí mật thiết bị TQ485
Cuối năm 1984, anh thương binh Phạm Hào Quang xin được công việc thợ phụ sửa xe kiêm bảo vệ, trông coi cửa hàng vỉa hè cạnh nhà 78 Hồ Tùng Mậu (Q.1, TPHCM). Chàng trai 30 tuổi lăn xả vào công việc để kiếm tiền gửi về quê nuôi các em ăn học, hôm nào vết thương tái phát, mới xin chủ nghỉ “đi thăm người nhà”, thực ra là vào Bệnh viện 175 lấy thuốc điều trị. Cũng thời gian này, ông Quang quen và yêu cô Võ Thị Bạch Tuyết (sinh năm 1963) làm công nhân tại Xí nghiệp liên hợp đay Cửu Long (nay là Công ty CP sản xuất dịch vụ thương mại đay Sài Gòn, ở P.Bến Nghé, Q.1, TPHCM). Vượt qua mọi gièm pha dị nghị, nhất là sự khuyên can của bạn bè “Khùng mà lấy ông thương binh không nghề ngỗng, tài sản, người lại tít miền Trung nghèo khó”, ngày 15.4.1985 hai người kết hôn và được bố mẹ vợ cho ở nhờ trong nhà.
“Muốn sống và nuôi được vợ con ở đất này, không thể bằng việc làm thuê”. Nung nấu vậy, ông Quang nghỉ việc, gom góp ít tiền ra chợ Nhật Tảo mua dụng cụ sửa chữa đồ điện dân dụng và một số ti vi, quạt máy để... tháo ra nghiên cứu sửa chữa. Thời điểm này, ti vi đen trắng dạng “hàng bãi” từ các nước chuyển về nhiều theo đường tàu viễn dương, đẩy nhu cầu sửa chữa lên cao. Do không đồng bộ về công nghệ, nên việc ổn định sóng màn hình trở thành nhu cầu bức thiết đối với mỗi gia đình sắm được ti vi. Lang thang nhiều ngoài chợ Nhật Tảo nghe các thợ “tay to” bàn tán, ông Quang nảy ra ý định: “Sao không tự chế thiết bị tạo sóng?”. Hì hục cả tháng trời, cuối cùng ông cũng chế được thiết bị tạo sóng phục vụ việc sửa ti vi, gắn nhãn nhãn hiệu TQ485 - PATECRO, phía sau in model bản quyền HLVNA. Nhiều người tò mò hỏi, ông bật mí: “TQ485 là viết tắt tên 2 vợ chồng Tuyết Quang, cưới nhau tháng 4.1985. HLVNA là tên của quê hương Hưng Lộc, Vinh, Nghệ An”.
Thiết bị TQ485 ra đời, ông Quang ra chợ điện tử, đến từng cửa hàng sửa chữa để giới thiệu, bỏ mối. Tiếng lành đồn xa, thiết bị của ông được khách khắp trong nam ngoài bắc đặt mua, thậm chí đưa sang cả Campuchia nên vợ chồng trả được khoản vay mua thiết bị, dành dụm mua được căn nhà trong hẻm Vườn Chuối.
Sửa ti vi dạo và... “buôn liên tỉnh”
Năm 1990, sau 5 năm cưới nhau và đã có con, vợ chồng ông Quang mới lần đầu tiên đưa nhau ra Nghệ An thăm và ăn Tết Nguyên đán ở quê. Lúc này, hệ thống đường ống xăng dầu chạy từ bắc vào nam trong chiến tranh chống Mỹ được Quân khu 4 tháo gỡ, chất đầy trong khu đất cạnh đường Vinh - Cửa Hội. Thấy người dân vào mua từng đoạn về làm ống thoát nước ruộng, ông Quang lóe lên trong đầu: “Thứ này trong nam không có, lại là hàng chuyên dụng, biết đâu thị trường cần”. Mùng 3 Tết âm lịch, để vợ con ở lại chơi với gia đình, ông Quang cầm 2 đoạn mẫu, nhảy tàu vào Q.5 (TPHCM) chào hàng. Các thương lái chốt ngay giá cao gấp 3 lần ngoài Vinh đang bán lẻ. Ngay lập tức, ông Quang quay ra bắc vay mượn thêm tiền họ hàng làng xóm, hoàn thiện thủ tục mua các ống chứa đầy ắp 3 toa tàu hàng chở vào ga Sóng Thần (Bình Dương). Chuyến “buôn liên tỉnh” này, ông Quang có thêm khối vốn.
“Dù có tiền nhưng vẫn phải chăm chỉ, thì mới trường vốn mà làm ăn”, ông Phạm Hào Quang đúc rút vậy với tôi và kể: Cứ tối đến là đi sửa ti vi dạo. Một tối đi qua đường Tôn Thất Tùng (Q.1, TPHCM), ông Quang được gọi vào sửa chiếc ti vi màu. Vốn quen sửa đen trắng, ông Quang cẩn thận nói với gia chủ: “Cháu chưa sửa bao giờ, nhưng thử kiểm tra xem sao”. Té ra chỉ đứt cầu chì. Hôm sau, ông đạp xe mua cầu chì mang đến thay và lấy công 40 đồng khiến chủ nhà trợn mắt. Tưởng người chủ chê giá cao, ông bỏ tiền công, chỉ lấy 30 đồng tiền mua phụ kiện. Ông chủ xua tay: “Hôm qua, có một thợ đòi 200.000 đồng, bằng nửa cái ti vi. Mày làm ăn thật thà thế này, sao sống được đất này hả con?”. Chính ông chủ này, sau đó đã đến tận “ổ chuột” của ông Quang tìm hiểu gia cảnh. Khi biết ông là thương binh, đã ngay lập tức bán chịu cho căn nhà rộng 120 m2 ở mặt tiền đường Huỳnh Tịnh Của với giá 10 cây vàng (1/3 giá trị thời ấy) và xua tay: “Vợ chồng chú không có con, nhà để không mấy năm rồi, gia đình cháu cứ ở đấy, khi nào đủ tiền thì trả”...
Học cho những đồng đội đã ngã xuống
“Càng làm điện tử mới thấy mình yếu sức do nhiễm chì”, thương binh Phạm Hào Quang kể. Khoảng năm 1992, ông Quang đi theo nhóm thợ hồ gần nhà để phụ việc. Đang thực hiện công trình thì người thợ cả mất đột ngột, khiến anh em trong nhóm không người cầm đầu, định giải tán. Là người nhiều tuổi, ông Quang đứng ra tập hợp, điều hành công việc và vừa làm chủ vừa... học mót nghề. Mấy năm trời như vậy, đến giữa năm 1995, ông quyết định đi học Trường trung cấp xây dựng số 7 (nay là Trường cao đẳng Xây dựng TPHCM) ở P.Bình Thọ, Q.Thủ Đức. 42 tuổi mới đi học quản lý xây dựng, ông khiến hết thảy học viên, giáo viên trong trường kính nể.
Dù bận việc kinh doanh nhưng ông Phạm Hào Quang vẫn đảm nhiệm Tổ trưởng dân phố 96 (KP.5, P.Tân Quý, Q.Tân Phú, TPHCM). Không chỉ vận động bà con chấp hành chủ trương chính sách, ông còn tập trung chăm sóc các hoàn cảnh khó khăn và người già, trẻ em. Cứ đến trung thu, nhà ông vui như tết bởi ông và một số nhà hảo tâm bỏ tiền túi ra tổ chức vui chơi, tặng quà trẻ nhỏ. Năm trước, ông góp mấy chục triệu đồng sửa chữa lại hệ thống thoát nước và đổ bê tông đoạn đường hẻm 38 Gò Dầu cho bà con đi lại dễ dàng. Trong hẻm có một trường hợp bị ung thư, ông bỏ tiền túi và vận động được gần 40 triệu đồng giúp chữa bệnh. Với quê hương, năm nào ông cũng tặng học bổng cho các học sinh nghèo vượt khó trong xã...