Chiến lược phát triển kinh tế phải tính đến bối cảnh địa phương và các bên tham gia

22:18 | 19/09/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đây là khuyến nghị được ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đưa ra tại Diễn đàn Cải cách và phát triển Việt Nam (VRDF) 2019, sáng 19/9.

Chiến lược phát triển kinh tế phải tính đến bối cảnh địa phương và các bên tham gia - ảnh 1
Diễn đàn Cải cách và phát triển Việt Nam (VRDF) 2019. Ảnh: DNVN/Bảo Long. 

Vượt qua “bẫy thu nhập trung bình” đã là thách thức

Phát biểu khai mạc Diễn đàn thường niên lần thứ hai về Cải cách và Phát triển Việt Nam 2019 (VRDF 2019) với chủ đề “Việt Nam: Khát vọng thịnh vượng – Ưu tiên và hành động”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng  cho rằng: Cùng với xu thế phát triển của kinh tế thế giới, Việt Nam đã mau chóng thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng đổi mới sáng tạo; đón bắt, tiếp thu và ứng dụng những thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong các ngành, lĩnh vực kinh tế-xã hội và quản lý nhà nước.

Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước được hoàn thiện theo hướng hiện đại, đồng bộ; hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế với số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký mới liên tục tăng qua các giai đoạn, trong đó giai đoạn 2011-2018 đạt hơn 200 tỷ USD. Độ mở của nền kinh tế liên tục tăng, đến năm 2018 bằng 200% GDP.

Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm đổi mới, nhất là hoàn thiện thể chế, sửa đổi, bổ sung, ban hành nhiều cơ chế, chính sách xây dựng và thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, chuyển đổi số... và đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, bên cạnh những yếu tố thuận lợi và kết quả tích cực đã đạt được, Việt Nam phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức: “Hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, chỉ riêng việc vượt qua “bẫy thu nhập trung bình” đã là thách thức không nhỏ đối với nhiều nền kinh tế đang phát triển; trong đó có Việt Nam”.

Ông Dũng cũng nhấn mạnh Việt Nam hiện là quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, năng suất lao động của nền kinh tế chưa cao; năng lực cạnh tranh quốc tế của nền kinh tế nói chung và nhiều ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu chưa mạnh. Bởi vậy, hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng là một quá trình vận động không ngừng với nhiều cơ hội và thách thức.

“Những khát vọng và mong muốn của chúng tôi trong việc phát triển đất nước ngày càng thịnh vượng, hiện đại, với những định hướng táo bạo và đầy quyết tâm là rất rõ ràng. Chúng tôi luôn mong muốn được tìm hiểu, học hỏi các bài học kinh nghiệm trên thế giới, được lắng nghe các ý kiến tư vấn, khuyến nghị của các chuyên gia, các học giả gắn với điều kiện cụ thể của Việt Nam”, Bộ trưởng Dũng nói.

Ông Dũng kỳ vọng, với sự hiện diện của nhiều diễn giả, học giả quốc tế có uy tín, những ý kiến trao đổi, thảo luận tại Diễn đàn lần này sẽ đóng góp thiết thực không chỉ cho việc xây dựng Chiến lược 10 năm (2021-2030) và Kế hoạch 5 năm (2021-2025) của Việt Nam, mà cả cho việc xác định phương hướng, giải pháp phát triển nhiều nền kinh tế đang phát triển khác đang trên con đường hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng của mình.

Ưu tiên và hành động phải khả thi

Chiến lược phát triển kinh tế phải tính đến bối cảnh địa phương và các bên tham gia - ảnh 2
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam chia sẻ tại Diễn đàn.  Ảnh: DNVN/Bảo Long.  
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng thế giới đang hướng tới thập kỷ mới với nhiều biến động như chiến tranh thương mại, sự thay đổi chóng mặt về công nghệ… Những vấn đề này hết sức quan trọng đối với Việt Nam bởi Việt Nam là quốc gia phụ thuộc vào thương mại toàn cầu như một động lực tăng trưởng.

“Kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức về dân số già hóa nhanh, suy thoái vốn tự nhiên, năng suất lao động chưa cao, nhân lực cần tăng cường hơn nữa… Tôi cho rằng Việt Nam có mọi tiềm năng để phát triển nhưng cần cải cách táo bạo hơn nữa để phát triển và quản lý rủi ro”, ông Ousmane Dione đề xuất.

Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh: Có được một chiến lược phát triển kinh tế là rất quan trọng nhưng đạt được thành công với nó còn quan trọng hơn. Vì vậy, những ưu tiên hành động phải được xác định rõ ràng và có tính thực tiễn cao.

 “Một chiến lược phát triển kinh tế-xã hội được thiết kế tốt có ý nghĩa rất quan trọng đối với Việt Nam. Vì vậy, các ưu tiên và hành động không chỉ cần được xác định rõ ràng mà còn phải khả thi về mặt thực thi thông qua việc tính đến bối cảnh địa phương và các bên tham gia, và đây chính là những gì chúng tôi muốn rút ra từ cuộc đối thoại hôm nay”, ông Ousmane Dione nói.

VRDF 2019 là sự kế thừa, tiếp nối Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (Hội nghị CG) trước đây và sau đó là Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF); thể hiện sự chủ động, bình đẳng của Việt Nam trong mối quan hệ với các đối tác phát triển, ngày càng thu hút được sự tham gia rộng rãi của các nhà hoạch định chính sách, đối tác phát triển, các chuyên gia trong và ngoài nước cũng như khu vực tư nhân.

Mục tiêu chính của Diễn đàn là chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, trao đổi, thảo luận về các bài học thành công và thất bại của các quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam. Thông qua những nội dung thảo luận, Diễn đàn kì vọng sẽ đóng góp nhiều nội dung cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (sẽ được tổ chức vào đầu năm 2021) và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2021-2025 của Việt Nam.