Chính phủ nêu quyết tâm dập dịch nhanh để sớm phục hồi sản xuất
Ngày 29/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì một cuộc họp với 63 địa phương để bàn việc phòng chống dịch tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, duy trì sản xuất, không để “đứt gãy”. Thủ tướng nhấn mạnh các địa phương phải thực hiện nghiêm việc phòng chống dịch bệnh tại các địa điểm này, tránh xảy ra những diễn biến bất ngờ, phức tạp.
Đình trệ sản xuất đang là nỗi lo lớn cho cả nền kinh tế
Trong 10 địa phương xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam thì 4 đang là những ổ dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất. Đó là TP.HCM, Bắc Ninh, Hà Nội và Bắc Giang. “đứt gãy”, đình trệ sản xuất đang là nỗi lo lớn cho cả nền kinh tế.
UBND tỉnh Bắc Giang cho biết tỉnh đã phải tạm dừng hoạt động 4 khu công nghiệp, ước tính mỗi ngày giảm trên 2.000 tỷ đồng tổng giá trị sản xuất công nghiệp, trên 140.000 lao động ngừng việc, bao gồm hơn 60.000 lao động ngoại tỉnh.
Sau khi thẩm định hồ sơ về phương án sản xuất an toàn phòng, chống dịch Covid-19 của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, Bắc Giang vừa nhất trí chủ trương cho một số doanh nghiệp hoạt động trở lại theo Kế hoạch số 213 của UBND tỉnh về việc tổ chức lại hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trong các khu công nghiệp Đình Trám, Quang Châu, Song Khê- Nội Hoàng, Vân Trung.
Theo đó, có 9 doanh nghiệp thuộc 3 khu công nghiệp Vân Trung, Đình Trám, Quang Châu, được cấp giấy phép hoạt động trở lại với tổng số công nhân đi làm hơn 4.000 người.
Vào cuối tuần trước, những nhà máy đầu tiên tại Bắc Giang đã đón công nhân trở lại sản xuất. Đại diện Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang cho biết hiện có 40 doanh nghiệp đăng ký và xây dựng phương án trở lại hoạt động. Ngày 30/5, có thêm 7 doanh nghiệp bắt đầu sản xuất trở lại. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là việc nhập nguyên vật liệu và xuất hàng do tài xế chở hàng vào và ra khỏi khu công nghiệp về các địa phương phải cách ly 21 ngày.
“Nỗi lo đứt gãy sản xuất là hoàn toàn có cơ sở” - PGS TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhận định.
Ông Tuấn nhắc đến hình ảnh Bắc Ninh dùng nhiều khối bê tông, gạch đá, thậm chí là đổ đất… để bịt một số lối đi vào tỉnh, chỉ cho phép đi qua một số lối đi có kiểm soát, đủ để thấy tỉnh này lo Covid-19 bùng phát đến mức nào.
Nếu Bắc Ninh bị đình trệ sản xuất, 1/7 giá trị xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng, khoảng 400.000 công nhân của tỉnh này sẽ khó khăn về việc làm, gây ra những hệ quả về cả an sinh, xã hội.
Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang, cho biết nếu “khóa cứng” toàn bộ tỉnh, hậu quả cho sản xuất và kinh tế là rất lớn. Về nông nghiệp, khoảng 180.000 tấn vải của tỉnh này đang vào mùa thu hoạch rất khó giải quyết đầu ra. Việc phong tỏa sẽ gây khó khăn cho vận chuyển, lưu thông, kiểm soát người ra - vào thu mua và mang đi tiêu thụ. Đó là chưa kể hàng chục nghìn tấn các loại nông sản khác của Bắc Giang.
Phong tỏa Bắc Giang cũng đồng nghĩa gây khó khăn cho việc lưu thông cho tuyến đường huyết mạch là quốc lộ 1A nối Hà Nội với Lạng Sơn. Dọc hai bên là hàng loạt nhà máy, khu công nghiệp đình trệ. Nếu phong tỏa, sản xuất sẽ gặp khó khăn.
Mặt khác, nhiều nhà máy ở Bắc Ninh và các địa phương khác sử dụng nguyên phụ liệu, linh kiện được sản xuất ở Bắc Giang và ngược lại. Do đó, nếu sản xuất ở Bắc Giang hay Bắc Ninh đình trệ, hậu quả sẽ kéo theo cả một chuỗi các nhà máy.
Tương tự, số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại TP.HCM liên tục tăng lên gây ra nỗi lo lan tới các khu công nghiệp. TP.HCM đang có khoảng 276.000 công nhân, làm việc tại 1.100 doanh nghiệp, tại 17 khu công nghiệp, khu chế xuất. Không chỉ vậy, nền sản xuất của TP.HCM có mối giao thoa phức tạp với các tỉnh Đông Nam Bộ khác, đặc biệt là Bình Dương và Đồng Nai.
Việc dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại TP.HCM còn gây ra nỗi lo lan tới các địa phương lân cận là Đồng Nai (năm ngoái xuất khẩu 18,8 tỷ USD), Bình Dương (năm ngoái xuất khẩu 27,8 tỷ USD), Long An (năm ngoái xuất khẩu 6,1 tỷ USD)…
Ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân để dập dịch
Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là làm sao dập dịch sớm, phục hồi sản xuất sớm, thực hiện tốt mục tiêu kép. Một thông điệp mạnh mẽ của Thủ tướng là chuyển trạng thái “phòng thủ” tại các khu công nghiệp sang “tấn công” dịch bệnh. Một trong những biện pháp “tấn công” là ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân.
Bộ Y tế cho biết đã ưu tiên cho Bắc Giang 100.000 liều và Bắc Ninh và 200.000 liều để tiêm cho công nhân tại các khu công nghiệp trên địa bàn. Trong khoảng 7 ngày tới, việc tiêm số vaccine này sẽ được hoàn thành tại 2 tỉnh.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng việc duy trì nền kinh tế trong bối cảnh nhiều khó khăn mới từ đợt dịch này là thách thức rất lớn. Tuy vậy, ông đánh giá cao quan điểm chống dịch của Chính phủ với tinh thần chủ động tấn công, đảm bảo hài hòa giữa tấn công và phòng vệ.
Trọng Trí
Xem thêm
Bộ GD-ĐT đề nghị tiêm vaccine COVID-19 cho cán bộ coi thi và thí sinh thi tốt nghiệp THPT