Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh hơn nữa tiến trình chuyển đổi số
Đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu đã cho kinh tế thế giới chứng kiến nhiều biến động. Giãn cách xã hội, sự lựa chọn không mong muốn, đã trở thành giải pháp tình thế trên quy mô vô tiền khoáng hậu. Tuy nhiên, đây thực sự là cơ hội để con người nhận ra tính ưu việt của kinh tế số và yêu cầu cấp bách hơn nữa quá trình chuyển đổi số.
"Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 749 ngày 3/6/2020.
Chương trình hướng tới mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Triển khai Quyết định 749, đến nay đã có một số bộ, tỉnh ban hành Chương trình/Kế hoạch chuyển đổi số của đơn vị mình như: TP HCM, Điện Biên, Thừa Thiên - Huế, Lạng Sơn và Bộ Xây dựng.
Theo Nghị quyết 118 về phiên họp thường kỳ tháng 7/2020 được ban hành mới đây, Chính phủ đã yêu cầu đẩy nhanh hơn nữa tiến trình chuyển đổi số, Chính phủ điện tử, giao dịch điện tử... nhằm theo kịp xu thế, đáp ứng yêu cầu phát triển, góp phần giảm thiểu rủi ro từ dịch bệnh.
Với việc xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan tiếp tục thực hiện nghiêm việc gửi nhận văn bản điện tử và đổi mới phương thức làm việc thông qua xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử, đặc biệt đề cao vai trò của lãnh đạo các cấp gương mẫu, đi đầu trong sử dụng chữ ký số cá nhân để phê duyệt hồ sơ, văn bản điện tử, bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu đề ra.
Khẩn trương ban hành hướng dẫn về mẫu kết quả thủ tục hành chính thuộc ngành, lĩnh vực theo dõi trong tháng 9/2020 để làm cơ sở cho các cơ quan có thẩm quyền cung cấp kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử theo quy định tại Nghị định 45/2020/NĐ-CP.
Các bộ, cơ quan cũng được yêu cầu tập trung tái cấu trúc quy trình, hoàn thành việc xây dựng, tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia các dịch vụ công ưu tiên năm 2020 và 30% dịch vụ công trực tuyến đang triển khai theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các Nghị quyết số 01/NQ-CP, 02/NQ-CP và Quyết định số 411/QĐ-TTg; khẩn trương hoàn thành tích hợp đồng bộ kết quả xử lý hồ sơ và tích hợp thanh toán trực tuyến các nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Nghị quyết 118 của Chính phủ nêu rõ, các bộ, cơ quan được giao báo cáo chỉ tiêu KT-XH tại Quyết định số 293/QĐ-TTg ngày 24/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ và các địa phương khẩn trương nâng cấp, hoàn thiện các chỉ tiêu, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, kết nối và cung cấp dữ liệu về các chỉ tiêu KT-XH, thông tin báo cáo hàng ngày trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ.
Chính phủ giao Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, xây dựng Chương trình đầu tư công về xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025 thay cho nhiệm vụ xây dựng Đề án xây dựng Chính phủ điện tử giai đoạn 2021 - 2025, bảo đảm tuân thủ theo các quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.
Trao đổi với VOV, TS. Nguyễn Đức Thành, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phân tích bản chất của chuyển đổi số, không gian số: Mô hình giao dịch truyền thống dựa trên uy tín và xác lập chi phí giao dịch.
Đối với mô hình số, khoa học công nghệ cho phép số hóa mọi hoạt động, có khả năng tìm kiếm thông tin và kết nối rất nhanh. Điều này làm giảm chi phí giao dịch, qua đó giải quyết được bài toán hiệu quả rất lớn và có tính cách mạng. Do đó, nước nào hiểu rõ được vai trò của không gian số và chuyển đổi số thành công thì có thể thay đổi diện mạo của mình. Chiến lược chuyển đổi số là việc không dễ nhưng cần phải làm để bắt kịp xu thế thế giới.
Một trong những trụ cột quan trọng của chuyển đổi số phải kể đến công nghệ điện toán đám mây (ĐTĐM). Hiện các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam đều đã chuyển dịch theo xu hướng này và nhu cầu khai thác ĐTĐM cũng đang tăng trưởng mạnh.
Việc chuyển đổi số bằng nền tảng điện toán đám mây giúp xây dựng một hệ sinh thái các doanh nghiệp điện toán đám mây Việt Nam làm chủ công nghệ, cung cấp hạ tầng và dịch vụ điện toán đám mây đạt chuẩn để từ đó hỗ trợ và thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi số, phục hồi tốt hơn trong giai đoạn này.
Ông Vũ Minh Trí, Tổng giám đốc VNG CLOUD, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Điện toán đám mây và Trung tâm dữ liệu Việt Nam nhận định, sự sẵn sàng của đội ngũ kỹ sư Việt Nam, việc đào tạo cho khách hàng sử dụng ứng dụng tại chỗ... là yếu tố vượt trội của doanh nghiệp đám mây trong nước so với nhà cung cấp nước ngoài. Với những ưu điểm này, hy vọng điện toán đám mây sẽ lan toả rộng khắp, không chỉ ở các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mà kể cả các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ.
"Các doanh nghiệp phải sẵn sàng hoạt động trên nền tảng số. Làm sao để mỗi nhân viên của một công ty có thể làm việc, kết nối được với nhau. Làm sao để tương tác trực tuyến với nhà cung cấp, đối tác? Đó là những xu thế sẽ thay đổi rất nhiều cách thức hoạt động của các doanh nghiệp Việt hậu COVID-19", ông Vũ Minh Trí chia sẻ.
Lệ Vỹ (T/h)