Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần định danh và gắn kết

20:33 | 17/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần định danh cụ thể cũng như sự gắn kết giữa nông dân và doanh nghiệp...
Hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được đề cập cách đây 10 năm, khi Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 29/1/2010 tại Quyết định số 176/QĐ-TTg, đến nay cả nước mới có 3 khu nông nghiệp công nghệ cao, 9 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và 46 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng.
 

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần định danh và gắn kết - ảnh 1
Nông nghiệp công nghệ cao vẫn là hướng đi chủ đạo

Đặc biệt, sự phát triển của nông nghiệp công nghệ cao hiện còn gặp nhiều rào cản, doanh nghiệp trong ngành còn gặp những rào cản vướng mắc từ thể chế đến nguồn lực. Các giải pháp tài chính, công nghệ, chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chỉ có thể thực hiện được khi khái niệm nông nghiệp công nghệ cao được định danh chính thức.

Đầu tư cho công nghệ mới đang giảm



Phát biểu tại “Diễn đàn Phát triển Hệ sinh thái: Hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao” vừa diễn ra tại Hà Nội, PGS. TS. Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) cho biết, hiện Việt Nam đang nằm trong Top 15 nhà xuất khẩu nông sản trên thế giới và đứng thứ 2 tại Đông Nam Á. Tuy nhiên, tổng vốn đầu tư của nhà nước cho nông nghiệp trong 10 năm qua đã tăng lên nhưng đầu tư cho công nghệ mới thì dường như đang bị giảm xuống.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đầu tư cho nghiên cứu và phát triển ngành nông nghiệp tương đương 0,2% GDP nông nghiệp, trong khi đó ở Braxin là 1,8% và Trung Quốc là 0,5%. Mức độ phát triển như của Việt Nam, đầu tư cho nghiên cứu khoa học công nghệ trong nông nghiệp lẽ ra nên ở mức 0,86% GDP nông nghiệp, tức là cần gấp 4 lần so với hiện nay. Ứng dụng công nghệ tăng giá trị sản xuất trở thành vấn đề sống còn đối với ngành nông nghiệp Việt Nam.

6 rào cản từ chính sách

 

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vẫn chưa là "bà đỡ". 6 rào cản từ thực tế đối với chính sách liên quan đến phát triển nông nghiệp công nghệ cao được Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đưa ra bao gồm:

Chính sách tín dụng hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao còn có các quy định thủ tục rườm rà, phức tạp cùng với việc đánh giá, xếp loại các dự án nông nghiệp công nghệ cao dựa trên các tiêu chí theo định tính, thiếu định lượng... khiến doanh nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn này.

Rào cản lớn từ vốn vốn khiến việc đầu tư hạ tầng, đầu tư sản xuất giống, công nghệ sản xuất, chế biến và đào tạo nhân lực bị thiếu hụt. Trong khi đó, để thành lập và phát triển trang trại chăn nuôi ở mức quy mô trung bình theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao, chi phí gấp từ 4-5 lần so với xây dựng trang trại theo mô hình truyền thống; đầu tư một hecta nhà kính có đầy đủ hệ thống tưới nước, phun sương, bón phân tự động hóa theo công nghệ của Israel cần ít nhất từ 10-15 tỷ đồng; sử dụng thiết bị flycam để phun thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả rất cao nhưng giá thành lên đến gần 10.000 USD...
 
Về nhân lực, hiện có 40% lực lượng lao động hoạt động trong ngành nông nghiệp, nhưng mới chỉ có 7,93% đã qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Theo dự báo, đến năm 2020, Việt Nam thiếu khoảng 3,2 triệu nhân lực nông nghiệp đã qua đào tạo…, làm hạn chế việc tiếp cận và ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất.

Về đất đai, quy mô sản xuất nông nghiệp chủ yếu là nhỏ lẻ, quá trình tích tụ và tập trung đất đai còn chậm do quy định hạn điền và thời gian sử dụng đất còn bất cập, chưa tạo động lực thu hút các nhà đầu tư. Có tới có tới 63% doanh nghiệp cho rằng khó khăn trong tiếp cận đất liên quan thủ tục thuê, chuyển nhượng đất sản xuất, cấp quyền sử dụng…

Hiện thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao trong nước còn hạn hẹp, không ổn định dẫn đến hiệu quả sản xuất một số sản phẩm còn thấp, chưa tương xứng với mức độ đầu tư, liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ còn lỏng lẻo,…

Cuối cùng là rào cản về nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Nhiều doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao muốn được cung cấp một phần các thiết bị, dây chuyền sản xuất nhằm giảm giá thành, song không được đáp ứng. Phần lớn các giải pháp kỹ thuật, các biện pháp canh tác nông nghiệp công nghệ cao, các doanh nghiệp vẫn phải nhận chuyển giao từ nước ngoài.

Những rào cản này đã và đang tác động rất lớn tới hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

CEO Nguyễn Thị Bảo Hiền, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tập đoàn Hiền Lê chia sẻ tại “Diễn đàn Phát triển Hệ sinh thái: Hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”, Tập đoàn của bà đã tiêu tốn nhiều trăm tỷ đồng và chưa thu được đồng lợi nhuận nào kể từ khi bà bước chân vào nông nghiệp công nghệ cao.
 

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần định danh và gắn kết - ảnh 2
CEO Nguyễn Thị Bảo Hiền, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tập đoàn Hiền Lê

 “Tôi đã có cơ hội đi nhiều nơi, sau những lần đi ấy, tôi nhận thấy rằng công nghệ chế biến đang là khoảng trống của nông nghiệp Việt Nam. Nếu đầu tư cho chế biến sâu thì dư địa thị trường rất lớn, doanh nghiệp lẫn nông dân đều được lợi. Còn trước hết, khi làm nông sản sạch, quan trọng nhất là phục vụ cho chính cuộc sống của chúng ta, được ăn sạch, uống sạch, nông dân được giàu có... Đó là khao khát của tôi”, bà Hiền trải lòng.

Bà Hiền cho biết đã tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao được 5 năm nay. “Hiện tại, doanh nghiệp được Tập đoàn Nosui của Nhật hỗ trợ từ công nghệ, nhà máy… Sản phẩm của doanh nghiệp đã được xuất khẩu đi một số nước như Nhật Bản, Anh, Đức, Bỉ”, bà Hiền chia sẻ.

Tuy nhiên, cũng theo bà Hiền, quá trình đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao của bà cũng còn gặp những khó khăn. “Thực tế, chúng tôi vẫn phải tự sản xuất để lấy nguồn nguyên liệu và tự chủ đầu vào. Chúng tôi đã từng giao cho nông dân nhưng không hiệu quả”, bà Hiền nhấn mạnh.

Bà kể, đầu tư cho nông nghiệp cần một lượng vốn khổng lồ. 5 năm đi tìm hiểu, 3 năm bắt tay vào thực hiện, bà chưa thu được một đồng lợi nhuận nào và mỗi tháng bà phải chịu nỗ từ 1,5 đến 3 tỷ đồng. “Chồng tôi xuống nơi sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trở về đã nói với tôi rằng, tôi là người ngu nhất thế gian”, bà Hiền nói.

Bà Hiền nhấn mạnh mảng kinh doanh cốt lõi đang là điểm tựa chính cho những khoản đầu tư vào nông nghiệp chưa mang lại lợi nhuận. Hao tiền, tốn của, nhiều đêm thấp thỏm không yên nhưng bà Hiền có niềm tin vào con đường mình chọn.
 
“Đối tác Nhật Bản đánh giá cao sản phẩm của chúng tôi về độ sạch, công nghệ, sản phẩm chất lượng theo đúng tiêu chuẩn của thị trường Nhật. Khách hàng nói với chúng tôi, Hiền Lê là doanh nghiệp đầu tiên tại miền Bắc làm họ hài lòng. Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng của doanh nghiệp tương đối khó khăn. Trong khi đó, HTX được hỗ trợ nhưng chúng tôi là doanh nghiệp thì lại không được hỗ trợ. Cùng với đó là hệ thống thủy lợi cũng đã trở nên quá cũ, những bất cập của hệ thống giao thông nhưng chúng tôi không hề nhận được sự hỗ trợ của nhà nước”, bà Hiền nhấn mạnh.

Cần định danh cụ thể và gắn kết nông dân - doanh nghiệp


Theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, để khoa học công nghệ thực sự thúc đẩy sự phát triển ngành nông nghiệp, trong thời gian tới, tiếp tục cần sự quan tâm của các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện chính sách khuyến khích, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; cùng với đó cần sự đồng bộ trong toàn hệ thống để đưa các chính sách vào thực tiễn một cách thực sự để thực thi hiệu quả, góp phần đưa nền nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững.

Hơn nữa, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đồng nghĩa với việc sẽ tạo ra sản lượng nông sản lớn do đó song song với việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực phục vụ sản xuất, các cơ quan quản lý cần hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thị trường cho sản phẩm nông sản. Chỉ khi dự báo được nhu cầu thị trường thì việc tổ chức, quy hoạch sản xuất mới đảm bảo tính cân đối và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người làm nông nghiệp.
 

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần định danh và gắn kết - ảnh 3

Ông Nguyễn Xuân Định - Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam


Bàn sâu hơn về giải pháp phát triển hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ông Nguyễn Xuân Định - Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho rằng điều quan trọng nhất là chính sách.
 
Người nông dân có đến 9 triệu hộ, về cơ bản dù các doanh nghiệp có lớn đến mấy thì lượng sản phẩm nông nghiệp trên thị trường đến nay vẫn là đến từ nông dân. Do đó, để phát triển liên kết nông nghiệp phát triển bền vững thì vai trò liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân là quan trọng nhất trong 4 nhà hay 6 nhà.

 “Vấn đề cần giải quyết đó là thay đổi tư duy, không phải sản xuất quy mô lớn hay nhỏ, mà phải phù hợp với điều kiện của địa phương và người sản xuất, người đầu tư. Từ đó mới có thể nghiên cứu được chính sách”, ông Định nói.

Bên cạnh đó, nông nghiệp công nghệ cao cần được định danh một cách cụ thể, có tiêu chuẩn phù hợp với địa phương, với người nông dân thì mới có thể xây dựng được chính sách phù hợp với thực tế.

Ngoài ra, các công nghệ cao về nông nghiệp của nước ngoài khi áp dụng tại Việt Nam vẫn chưa thực sự phù hợp với môi trường, khí hậu, chưa phát huy được hết hiệu quả. Do đó, cần xem xét nghiên cứu công nghệ, vật liệu phục vụ công nghệ cao nội địa, theo Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.


Minh Hoa