Cho phép shipper trở lại hoạt động tại quận huyện ‘vùng đỏ' ở TP.HCM
Chiều 28/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo TP.HCM về việc bảo đảm cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hoá thiết yếu cho người dân.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo TPHCM và Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thống nhất căn cứ vào yêu cầu giao, nhận hàng hoá thiết yếu ở những vùng dịch bệnh đang phức tạp để tăng cường số lượng shipper được phép hoạt động tại TP Thủ Đức và 7 quận huyện “vùng đỏ” nhằm đáp ứng nhu cầu mua nhu yếu phẩm của người dân.
Tổ công tác và lãnh đạo TP.HCM thống nhất sẽ xem xét tăng cường đội ngũ shipper nhưng phải trên tinh thần đảm bảo an toàn tuyệt đối, không để lây lan dịch bệnh.
Tính đến ngày 28/8, TPHCM đã có 17.449 shipper tiêm mũi một trên địa bàn 22 quận huyện và thành phố Thủ Đức
Cụ thể, các xã, phường phải tổ chức và giao cho các Trạm y tế lưu động do lực lượng quân y phụ trách xét nghiệm hàng ngày đối với các shipper. Trường hợp shipper cần hoạt động ở ngoài phạm vi xã, phường thì Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy chống dịch của quận, huyện chỉ đạo, điều hành công tác phối hợp giữa các xã, phường có liên quan để đảm bảo tuyệt đối an toàn.
Tổ công tác yêu cầu Sở Y tế TPHCM chỉ đạo công tác xét nghiệm, giám sát chặt chẽ đội ngũ shipper trên tinh thần vừa làm vừa theo dõi, để có những điều chỉnh cần thiết.
Sở Y tế khẩn trương kết nối dữ liệu xét nghiệm với dữ liệu của Công an TP.HCM để đối chiếu phải kiểm soát người di chuyển trên đường và người dân TP nói chung.
Công an TPHCM được giao chỉ đạo công an các quận, huyện xuống đến các xã, phường kiểm soát chặt chẽ số lượng shipper đăng ký hoạt động và ứng dụng triệt để các giải pháp công nghệ để quản lý chặt chẽ hoạt động trên.
TPHCM đang thực hiện các biện pháp tăng cường giãn cách xã hội, kiểm soát chặt chẽ những trường hợp ra khỏi nhà để khống chế dịch bệnh đang diễn biến phức tạp
Sáng cùng ngày, Sở Công Thương TPHCM có văn bản đề gửi UBND TPHCM, xuất giải pháp để shipper tham gia vận chuyển hàng hóa trong thời gian TP siết chặt giãn cách xã hội.
Theo đó, Sở Công Thương đề xuất chỉ cho phép shipper đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin phòng COVID-19 từ ngày 13/8 trở về trước được tham gia hoạt động trong thời gian tăng cường giãn cách xã hội.
Doanh nghiệp cung cấp ứng dụng shipper chịu trách nhiệm lập danh sách shipper đủ điều kiện gửi về Sở Công Thương để đưa vào dữ liệu 'tra cứu shipper', phục vụ cơ quan chức năng tra cứu trực tuyến khi cần thiết.
Đồng thời, Sở Công Thương đề xuất tổ chức xét nghiệm nhanh cho shipper, định kỳ 3 ngày/lần. UBND TPHCM xem xét, giao Sở Y tế hướng dẫn, cung cấp danh sách cơ sở y tế đủ điều kiện cấp giấy xét nghiệm nhanh COVID-19 để doanh nghiệp shipper chủ động liên hệ, tổ chức xét nghiệm định kỳ cho các shipper với chi phí do doanh nghiệp chi trả.
Theo Sở Công Thương TPHCM, trong điều kiện hiện nay, giấy xét nghiệm nhanh COVID-19 cần được xem là một dấu hiệu nhận diện đối với shipper được phép hoạt động, bên cạnh các điều kiện khác đã được UBND TPHCM quy định.
Theo Sở Công Thương TPHCM, trong điều kiện hiện nay, giấy xét nghiệm nhanh COVID-19 cần được xem là một dấu hiệu nhận diện đối với shipper được phép hoạt động, bên cạnh các điều kiện khác đã được UBND TPHCM quy định.
Sở Công Thương TPHCM cho rằng phương thức "mua hàng trực tuyến - giao hàng không chạm" cần được phát huy để hạn chế tiếp xúc. Hiện nay hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các website, sàn giao dịch thương mại điện tử có nguồn hàng cũng là đối tác của các doanh nghiệp shipper nên việc phối hợp sẽ thuận lợi.
Đội ngũ shipper thông thạo mạng lưới giao thông sẽ giúp vận chuyển hàng hóa đến từng hộ dân tốt hơn khi được hoạt động trên toàn TP. Trong điều kiện giãn cách, mỗi shipper có thể giao nhận từ 20-25 đơn hàng/ngày. Nếu huy động được 25.000 shipper, có khả năng phục vụ nhu cầu khoảng 500.000-650.000 hộ gia đình.
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, đội ngũ shipper chuyên nghiệp có lợi thế rất lớn trong hoạt động vận chuyển, có năng lực trong điều phối tiếp nhận thông tin và giao nhận hàng hoá. Các tài xế giao hàng này cũng đã được tiêm vaccine, có app (phần mềm) theo dõi lộ trình nên sẽ đơn giản và thuận lợi.
Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương trả lời báo chí ngày 28/8
Đặc biệt, theo Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương, đội ngũ này có nghiệp vụ trong công tác giao nhận, đảm bảo an toàn phòng chống dịch… nên cần phải tận dụng để giảm tải cho lực lượng hiện hữu. Ông Nguyễn Nguyên Phương nói: "Họ rất thông thạo đường sá và ngõ ngách, nếu chúng ta tận dụng được đội ngũ shipper trong việc vận chuyển hàng hoá thì sẽ giảm tải rất nhiều cho các cơ quan hiện đang phải thực hiện nhiệm vụ này".
Về giải pháp an toàn đối với shipper tham gia, TP.HCM chỉ cho phép những người đã được tiêm ít nhất một liều vaccine phòng COVID-19 từ ngày 13/8 trở về trước mới được hoạt động. Doanh nghiệp cung cấp ứng dụng giao hàng chịu trách nhiệm lập danh sách shipper đủ điều kiện gửi về Sở Công thương để đưa vào dữ liệu "tra cứu shipper", phục vụ cơ quan chức năng tra cứu trực tuyến khi cần thiết. Đồng thời phải tổ chức xét nghiệm nhanh cho shipper, định kỳ 3 ngày/lần.
Sở Công thương cũng đề xuất UBND TP.HCM cho phép shipper được hoạt động liên quận, huyện, Thành phố Thủ Đức, với giải pháp kiểm tra shipper là tra cứu trực tuyến thông tin shipper và giấy xét nghiệm nhanh COVID-19.
Tính đến ngày 28/8, TPHCM đã có 17.449 shipper tiêm mũi một trên địa bàn 22 quận huyện và thành phố Thủ Đức. Sở Công Thương TPHCM dự báo TP có thể huy động được 25.000 shipper.
Trước đó, từ ngày 23/8, TP.HCM tạm ngưng hoạt động shipper tại Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện: 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Chánh, Hóc Môn. Đối với các quận, huyện còn lại thì shipper chỉ hoạt động trong quận, không chạy liên quận và có dấu hiệu nhận diện riêng theo quy định.
Vũ Hoàng
Xem thêm : Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế xem xét ưu tiên tiêm vaccine cho lái xe, shipper