Chủ KCN Long Hậu (LHG): Hút thêm 18 dự án đầu tư, lợi nhuận nửa đầu 2023 vẫn sụt giảm

Thùy Dương 08:40 | 29/07/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ngày 27/7, CTCP Long Hậu (HoSE: LHG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023 với kết quả kinh doanh khá ảm đạm khi cả doanh thu và lợi nhuận đều giảm.

Theo đó, quý II LHG ghi nhận 66,7 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm lần lượt khoảng 42% so với quý I và 71% so với cùng kỳ (svck) năm 2022. Giá vốn hàng bán đạt 32 tỷ đồng, từ đó công ty chỉ thu về 34 tỷ đồng lợi nhuận gộp, giảm 40% svck.

Doanh thu tài chính đạt 17 tỷ đồng, tăng mạnh 77%, chi phí tài chính giảm nhẹ svck. Các chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng đáng kể so với quý II/2022 lần lượt 225% và 10,4% lên 1,7 tỷ đồng và 14,5 tỷ đồng. 

Trong khi cùng kỳ năm ngoái, LHG thu về khoản lãi 1,2 tỷ đồng từ công ty liên doanh liên kết, thì quý II năm nay công ty lại lỗ 1,4 tỷ đồng.

Kết quả, LHG báo lãi hơn 24 tỷ đồng trong quý II/2023, giảm 52% so với quý I/2023 và giảm 40% svck.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, LHG thu về 182 tỷ đồng doanh thu, giảm 47% so với cùng kỳ và 75 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 15% so với cùng kỳ.

Năm 2023, công ty đặt mục tiêu doanh thu 902 tỷ đồng, tăng 28,5% cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến là 127 tỷ đồng, giảm 37,7% svck năm trước.

Như vậy, sau nửa năm tài chính 2023, LHG đã hoàn thành 20% kế hoạch doanh thu và 59% kế hoạch lợi nhuận đề ra. 

Trước đó, chia sẻ trên Tạp chí Nhà đầu tư về tình hình sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm, đại diện LHG cho biết, trong nửa đầu năm 2023, KCN Long Hậu đã thu hút thêm 18 dự án đầu tư. Trong đó, số lượng dự án đầu tư thuộc các ngành nghề công nghiệp trọng yếu (cơ khí chế tạo, thiết bị điện tử…) chiếm hơn 50% trong các ngành nghề đầu tư mới tại KCN Long Hậu, 50% còn lại dự án thuộc nhóm các ngành công nghiệp nhẹ như may mặc, dược phẩm, mỹ phẩm và kho". 

 

Tính đến hết 30/6, tổng tài sản của LHG đạt 3.032 tỷ đồng, tăng thêm 25 tỷ đồng so với số đầu năm, trong đó tài sản ngắn hạn chiếm 2.150 tỷ đồng, chủ yếu là đầu tư tài chính ngắn hạn với 1.097 tỷ đồng, hàng tồn kho chiếm 637 tỷ đồng với 610 tỷ đồng là chi phí đầu tư xây dựng khu công nghiệp (KCN) Long Hậu.

Tài sản dài hạn chiếm 882 tỷ đồng, tăng 27 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó bất động sản đầu tư chiếm 492 tỷ đồng, đầu tư tài chính dài hạn chiếm 202 tỷ đồng gồm 103 tỷ đồng đầu tư vào CTCP Chiếu sáng công cộng Hồ Chí Minh (Sapulico) và 99 tỷ đồng góp vốn vào đơn vị khác.

Tổng nợ phải trả của LHG tăng 128 tỷ đồng so với đầu năm, từ 1.421 tỷ đồng lên 1.549 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn chiếm 965 tỷ đồng, trong đó chi phí phát sinh thêm để hoàn thành cơ sở hạ tầng các khu đất dân cư và khu công nghiệp chiếm 602 tỷ đồng. Nợ dài hạn ở mức 583 tỷ đồng chủ yếu là 388 tỷ đồng thuế thu nhập hoãn lại phải trả.

 Về triển vọng toàn lĩnh vực bất động sản (BĐS) khu công nghiệp, trong một báo cáo mới đây, CTCK Ngân hàng Quân Đội - MB (MBS) nhận định các doanh nghiệp ở miền Bắc sẽ chiếm ưu thế khi được hưởng lợi đáng kể từ nguồn vốn FDI tăng mạnh và chuyển dịch của nhà xưởng nhờ vị trí chiến lược (gần Trung Quốc), cơ sở hạ tầng tốt, chi phí thuê thấp hơn và nguồn đất sạch lớn hơn so với khu vực miền Nam. Đối với các tỉnh phía Nam, nhóm phân tích kỳ vọng vào tỉnh Bình Dương do vị trí đắc địa, cơ sở hạ tầng phát triển và lượng đất có sẵn mới. Trong khi đó, tính đến nay LHG đang sở hữu một số KCN như KCN Long Hậu ở tỉnh Long An với quy mô 500 ha; khu nhà xưởng công nghệ cao Long Hậu (khu công nghệ cao Đà Nẵng), quy mô 29,6 ha.

Năm 2023, MBS cho rằng kết quả kinh doanh của nhóm ngành BĐS KCN sẽ suy giảm bởi nhiều yếu tố, bao gồm cả chi phí lãi vay tăng. Do đặc thù phát triển nhiều dự án cùng lúc nên trong thời gian qua nhiều nhà phát triển cơ sở hạ tầng KCN đã huy động vốn lớn. Chi phí vay tăng trong bối cảnh lãi suất vay cao như hiện nay sẽ khiến tăng trưởng lợi nhuận suy giảm.