Chủ tịch HĐQT Tiên Sơn Thanh Hóa (AAT) mua thêm 3 triệu cổ phiếu
Theo đó, nếu giao dịch thành công, ông Lâm sẽ nâng số lượng cổ phiếu AAT mình đang nắm giữ từ 4,5 triệu, chiếm 7,09% lên 7,6 triệu cổ phiếu, 11,79%. Giao dịch dự kiến diễn ra từ ngày 30/8 đến 28/9 theo phương thức khớp lệnh hoặc mua thỏa thuận.
Trước đó, từ ngày 22/7 đến 19/8, ông Lâm đã đăng ký mua 9 triệu cổ phiếu AAT nhưng chỉ mua được 692.800 cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ thành công đạt gần 7,7%. Nguyên nhân giao dịch không hoàn tất là do giá thị trường không như kỳ vọng.
Hai cá nhân có liên quan trực tiếp tới ông Lâm cũng đang sở hữu lượng lớn cổ phiếu AAT. Cụ thể, ông Trịnh Xuân Lượng, Tổng giám đốc, con trai ông Lâm đang sở hữu 503.850 cổ phiếu, tỷ lệ 0,789% và ông Lê Đăng Thuyết, Phó tổng giám đốc Công ty và là em rể ông Lâm đang sở hữu 557.500 cổ phiếu AAT, tỷ lệ 0,873%.
Theo báo cáo tài chính quý II năm nay, AAT có doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ đạt 459,6 tỷ đồng, tăng 143,8% so với cùng kỳ năm trước. Trừ giá vốn bán hàng, lợi nhuận gộp công ty thu về hơn 119,1 tỷ đồng, tăng 92,9 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Ngoại trừ chi phí, AAT đã thu về 110,6 tỷ đồng lợi nhuận thuần, tăng gấp 5,5 lần so với quý II năm 2021.
Phía công ty dự đoán, việc chuyển nhượng nhà máy Nga Sơn sẽ mang về 299 tỷ đồng và 70 - 100 tỷ đồng lợi nhuận trong quý II/2022. Ngoài ra, Tập đoàn cũng đã tăng trưởng đột phá nhờ lĩnh vực cốt lõi hoạt động hiệu quả trong quý vừa qua.
Lũy kế 6 tháng, AAT đạt 574,2 tỷ đồng doanh thu và 88,3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng tăng 88% và 256% so với nửa đầu 2021. Biên lãi gộp tăng lên 23,5% từ 14,3% trong kỳ trước.
Về tình hình tài chính, tính đến 30/6, tổng tài sản của AAT tăng 12,6%, lên 1.099,97 tỷ đồng từ mức 967,6 tỷ đồng tại đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn là 366 tỷ đồng, tài sản dài hạn là 734 tỷ đồng.
Chiếm chủ yếu trong tài sản dài hạn của AAT là bất động sản đầu tư với 278,4 tỷ đồng, chiếm 37,9% tài sản dài hạn. Ngoài ra, các khoản phải thu dài hạn với 180,3 tỷ đồng; tài sản cố định với 183,3 tỷ đồng (bao gồm tài sản cố định hữu hình, tài sản cố định thuê tài chính, tài sản cố định vô hình) và 67,3 tỷ đồng để đầu tư tài chính dài hạn vào công ty liên kết, liên doanh, cụ thể là Công ty cổ phần Lương Phát.
Tổng nợ của AAT tại ngày 30/06/2022 là 342,9 tỷ đồng, tăng 35 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn là 145,8 tỷ đồng, nợ dài hạn là 197,1 tỷ đồng. Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 92,8 tỷ đồng, tương đương 63,6% nợ ngắn hạn và 47,1% tổng nợ.
Vốn chủ sở hữu tính đến ngày 30/6/2022 của AAT là 757,1 tỷ đồng, tăng 88,4 tỷ đồng từ đầu 2022. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của AAT đến cuối quý II/2022 là 0,45 lần.
Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ của doanh nghiệp, lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, AAT ghi nhận dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 285,1 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức dương 11,7 tỷ đồng trong kỳ trước.
Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính là 26 tỷ đồng, tăng 29,1 tỷ đồng so với mức âm 3,1 tỷ đồng kỳ trước.
Tuy nhiên, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư lại tăng mạnh. Từ mức âm 1,7 tỷ đồng tăng lên dương 202,1 tỷ đồng. Mức dương đến chủ yếu từ tiền thu thanh lý, nhượng bán tài sản cố định với 299,4 tỷ đồng.
Do đó tính chung trong kỳ, lưu chuyển tiền thuần âm 56,9 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức âm dương 6,9 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Tiền và tương đương tiền trong kỳ tăng nhẹ từ 26,6 tỷ đồng lên 33,3 tỷ đồng.
Năm 2022, AAT lên mục tiêu doanh thu đạt 800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến 130 tỷ đồng, lần lượt tăng 69% và gấp 4,5 lần thực hiện năm 2021. Với kết quả đạt được trong 6 tháng vừa qua, Tập đoàn đã hoàn thành 57,5% kế hoạch doanh thu và 68% mục tiêu lợi nhuận của năm 2022.
Kết thúc phiên giao dịch 25/8, giá cổ phiếu AAT đang dừng ở mức 12.500 đồng/cp, giảm 150 đồng, tương đương 1,19% so với phiên giao dịch 24/8.
Tập đoàn Tiên Sơn Thanh Hóa tiền thân là Công ty TNHH Tiên Sơn Thanh Hóa được thành lập tháng 7/1995 với lĩnh vực chính là kinh doanh thương mại tổng hợp, mua bán vật liệu xây dựng, vận tải và sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu.
Năm 2006, Tập đoàn bước vào mảng sản xuất hàng may mặc xuất khẩu sau khi mua lại Nhà máy may xuất khẩu Sơn Hà tại Thanh Hóa và đưa ngành hàng này đã trở thành mảng kinh doanh chủ lực. Đến tháng 4/2022, Tiên Sơn đã xây dựng 13 nhà máy may tại Thanh Hóa tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng.