Chủ tịch Quốc hội chủ trì Phiên họp thứ nhất của Tiểu ban số 1

17:32 | 31/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tiểu ban có nhiệm vụ triển khai chuyên đề số 09, đây là một trong 4 chuyên đề mà Đảng đoàn Quốc hội được phân công thực hiện.

Sáng 31/8, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Phiên họp thứ nhất của Tiểu ban số 1 về xây dựng chuyên đề "Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam" (Chuyên đề số 09).

Cùng tham dự có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Trưởng Tiểu ban thường trực; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Thanh Tùng; các thành viên Tiểu ban...

Chủ tịch Quốc hội chủ trì Phiên họp thứ nhất của Tiểu ban số 1 - ảnh 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tiểu ban số 1 gồm 23 thành viên, gồm: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Trưởng Tiểu ban; Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, Phó Trưởng Tiểu ban; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó trưởng Tiểu ban thường trực; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long...

Tiểu ban có nhiệm vụ triển khai chuyên đề số 09, đây là một trong 4 chuyên đề mà Đảng đoàn Quốc hội được phân công thực hiện.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng công bố quyết định thành lập Tiểu ban, trình bày tóm tắt một số nội dung trình Tiểu ban xem xét, thông qua tại phiên họp.

Sau khi thảo luận, Tiểu ban đã thông qua Kế hoạch Triển khai xây dựng chuyên đề "Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam"; thông qua quy chế làm việc của Tiểu ban; quyết định phân công nhiệm cụ thành viên Tiểu ban; quyết định thành lập tổ biên tập.

Cùng với đó, Tiểu ban đã cho ý kiến bước đầu về dự thảo Đề cương Báo cáo chuyên đề Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Nhấn mạnh chuyên đề này có phạm vi rộng, khó, rất quan trọng, gắn kết chiến lược xây dựng pháp luật với việc tổ chức thực thi pháp luật, dự báo cho thời kỳ dài (đến năm 2030, định hướng đến năm 2045), do đó Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các thành viên Tiểu ban phát huy trí tuệ tập thể, tập trung đóng góp ý kiến tâm huyết, nghiên cứu kỹ, bám sát thực tiễn, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khi xây dựng chuyên đề này nhằm đáp ứng yêu xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Cho ý kiến tại cuộc họp, trên cơ sở ý kiến phát biểu của các thành viên Tiểu ban, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị tổ biên tập tiếp thu tối đa các ý kiến; tận dụng các kết quả của các cuộc tổng kết, bảo đảm tính kế thừa, tham khảo kinh nghiệm quốc tế; trên cơ sở đó phát triển vấn đề và đưa ra những vấn đề mới có tính thuyết phục, đồng thuận cao.

Qua đó xây dựng chuyên đề Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam có chất lượng cao nhất, trình Ban chỉ đạo Đảng đoàn Quốc hội cho ý kiến trước ngày 15/9/2021.

Theo TTXVN

Xem thêm: Nhiệm vụ thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19